Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN

Truyện ngắn dự thi “HIV VÀ BẠN”
Tác giả: Hồ Thị Nhật Thành
Hội VHNT Nghệ An

    Bà Hai ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần từ khi nhìn thấy thi thể cứng đờ của đứa con trai độc nhất. Mỗi lần tỉnh lại, bà chỉ biết gào tên Quyên mà nhiếc móc, mà đay nghiến: "Nó là con hổ dữ! Nó là loài ác quỉ! Nếu nó không ám vào con trai bà thì làm sao thằng bé chết khốn chết khổ, chết oan chết ức như thế! Trời ơi là trời!" Mọi người chẳng dám nói gì trước cơn điên loạn của người mẹ mất con. Bà lại trợn trừng mắt mà xỉa xói:
  - Cái con đàn bà tuổi dần kia. Mày đã tỉnh ra chưa? Hử? Tao đã ngăn cấm mà mày vẫn cứng đầu cứng cổ! Mày bẫy con tao vào tròng, dụ dỗ nó ăn nằm với mày để ép nó phải cưới! Giờ thì mày thỏa mãn chưa? 
  Bà Hai lại hú lên, tiếng hú nghe man rợ đến sởn gai ốc. Tóc xổ tung ra, bà lăn lộn từ trên thềm xuống dưới sân. Ngất đi một lúc rồi bà lại tỉnh.  Mắt long sòng sọc, người đàn bà như điên như dại:
- Tôi đã bảo ông rồi còn gì? Ông không nghe tôi, con mình tuổi hợi sao lại rước cái của nợ tuổi dần kia về làm gì? 
 Mọi người  lặng lẽ thắp hương tiễn biệt người xấu số.
Quyên vẫn mê man bất tỉnh.

 Xong lễ tam nhật của con, bà Hai nhìn Quyên, vẫn cái nhìn đối với một tội đồ không thể tha thứ:
- Đấy, giờ thì cô đã vui lòng chưa? Con tôi không gặp phải loại hồ li tinh như cô thì nó đâu phải chết oan chết ức như thế? 
Quyên ngước nhìn  mẹ chồng với đôi mắt sưng húp:
- Lỗi đâu phải tại con...Mẹ nói thế làm con đau lòng quá!
- Cút ngay!- Tiếng bà Hai khản đặc, cố rướn lên tưởng đứt cả thanh quản - Cô ra khỏi nhà tôi ngay! Đừng để tôi phải cầm đòn xóc đẩy ra!
 Quyên một tay ôm con, một tay xách túi đồ quần áo chạy  khỏi nhà. Mưa vẫn rơi đều đều. Mưa chi mà lạnh thấu da thấu thịt thế hả trời? Mưa không to, cứ râm râm ran ran đến khó chịu! Bé Ngân giãy giụa trên vai: " Không, con ở với bà nội cơ! Bà ơi!" Nàng bặm miệng phát mạnh, năm ngón tay in hằn đỏ tấy trên mông nó: 
" Xuống đi, mày cũng làm khổ mẹ thế sao?" Bé Ngân ngồi chuầy chòa giữa đường, hai chân đạp lia lịa: " Con ghét mẹ! Mẹ ác lắm!" Nước mắt nước mũi nó nhòe nhoẹt trong  mưa. Nàng quì xuống bên con: " Mẹ khổ lắm rồi, con biết không?" Nàng dụi mặt vào đầu tóc ướt rượt của con, khóc tấm tức! Mưa vẫn rơi đều đều buồn bã. Mấy người đi đường tò mò nhìn. "Chắc lại ghen tuông giận dỗi chồng rồi ôm con bỏ đi chứ gì! Bọn trẻ thời nay lạ thật." Nàng bắn một cái nhìn sắc lạnh vào bọn họ rồi ôm thốc con dậy: "Đi, mẹ con mình không thể khóc như thế này được đâu con" Nàng đang dỗ con hay đang tự dỗ mình? Lòng nàng đã trở nên giá lạnh. Không khóc! Khóc là nhục, là hèn! Hồi trước, khi nàng đi lấy chồng, mẹ dặn: "Chồng đuổi thì ra, mụ gia đuổi thì vào - nghe con." Nàng cười, nụ cười của người đang ngập tràn hạnh phúc: " Chúng con yêu nhau bốn năm, bao lần mẹ anh ấy ngăn cản nhưng rồi cuối cùng cũng phải đồng ý đó mẹ."  Mẹ cười buồn: " Bà ấy con coi con trai như cục vàng. Nó được nuông chiều từ bé, thích gì được nấy. Lấy người như thế khó sướng lắm con!". "Mẹ cứ lo vớ lo vẩn" - vừa nói, nàng vừa ướm thử mấy bộ đồ mới sắm chuẩn bị đi lấy chồng. Giờ thì mẹ đã là người thiên cổ, mẹ có đau lòng không khi hôm nay nàng bị "mụ gia đuổi" nhưng không thể "vào" được vì chồng nàng đã chết. Chao ôi! Cái chết đến với con người ta dễ dàng thế sao?  Hình ảnh Vũ với thi thể còng queo, trên người chỉ độc một cái quần đùi dúm dó cứ ám ảnh Quyên không tài nào dứt ra được! "Lúc chiều nó còn ngồi uống rượu với tụi này mà." " Chắc hôm nay nó chích quá liều, chứ thường ngày thì..." "Thế ra nó dùng ma túy lâu rồi sao?" " Lâu rồi, trước khi lấy vợ" Những âm thanh cứ liên tiếp dội vào tai Quyên như những nhát búa đánh vào đầu. Cô thấy mình như không còn là mình nữa. Vũ nghiện ma túy từ lúc nào? Vũ chích  từ bao giờ ? Tại sao mãi khi anh bị sốc ma túy thì mọi người trong nhà mới biết là ạnh nghiện? Mẹ chồng nàng không thể chấp nhận nổi điều đó. bà chỉ một mực cho rằng do nàng tuổi dần nên làm tội đứa con tuổi hợi của bà chết sớm. 
 Ôm con quay về nhà, nước mắt Quyên lại lã chã tuôn rơi. Nói là nhà mình nhưng giờ vợ chồng em trai đang ở. Hai chị em mồ côi bố từ nhỏ, ba mẹ con bữa cơm bữa cháo cũng đắp đổi qua ngày. Quyên học giỏi, nhưng đành từ bỏ ước mơ thi vào Đại học Y. Học sư phạm để mẹ đỡ nộp tiền học phí. Quyên nghĩ vậy. Còn Tú, em trai Quyên, nói thẳng thừng: " Học xong cấp hai em sẽ học nghề và đi làm" Nó là đứa nghịch ngợm nhưng rất thương mẹ và chị. Nó muốn sớm làm trụ cột trong cái gia đình thiếu quá lâu bàn tay người đàn ông. Giờ mẹ đã mất, Quyên chỉ còn đứa em trai duy nhất làm chỗ dựa tinh thần để vượt qua nỗi buồn quá lớn này.Nước mắt nhỏ xuống chiếc bàn ngày nào Quyên ngồi học. Nước mắt  nhỏ xuống cái giường  cũ kĩ mà nơi đó, bao nhiêu đêm mẹ thủ thỉ tâm sự chuyện cuộc đời. Quyên nhìn ra góc vườn, cảm thấy như có dáng mẹ  lúi húi nhổ cỏ. Mẹ ngẩng mặt nhìn Quyên, ánh mắt buồn như chiều mưa ngâu. "Mẹ ơi!" Cô gọi thành tiếng, mọi hình ảnh trước mắt nhạt nhòa...
- Chị cứ nghỉ ít lâu cho tĩnh tâm, đừng nghĩ gì cả.- Tú rót cho chị cốc nước lọc và nói.
 Sáng, vợ chồng Tú đi làm thì Quyên bắt đầu dọn dẹp, quét tước. Nàng xới lại mảnh vườn, trồng ít rau thơm, dâm vài luống khoai. Nàng muốn tìm sự nguôi quên trong công việc. "Rồi cũng phải đi làm lại thôi, nghỉ lâu cũng ngại lắm" - Nàng tự nhủ - "Thôi thì người đi cũng đã đi rồi. Mình còn phải sống vì con, phải làm việc vì con." Nàng chống cuốc, nhìn con gái đã bắt đầu vui vẻ trở lại, thấy lòng cũng vợi bớt nỗi buồn. " Ít lâu nữa em dâu sinh, chúng nó có chị có em chắc vui lắm." Nghĩ thế, nàng  chợt giật mình: "Chẳng biết có chuyện gì mà Lệ -vợ Tú - mấy hôm nay có vẻ lạnh nhạt, thái độ cứ gượng gạo với mình nhỉ?" Nàng lắc đầu, cố xua đuổi cái ý nghĩ vớ vẩn đó nhưng một lát nó lại bám lấy  nàng như lũ muỗi mắt bắng nhắng trước mặt vào buổi chạng vạng tối. Thật khó chịu.
   Phụ nữ vốn nhạy cảm. Điều Quyên lờ mờ nhận ra đã được khẳng định ngay tối hôm đó. Đang ăn cơm, Lệ bỗng chống đũa, nhìn thẳng vào mắt chị chồng:
- Chị Quyên này...
-???
- Chị đã đi xét nghiệm chưa?
- Xét nghiệm gì cơ?
- Em không nghĩ chị lại vô tư như thế. Nghe người ta bảo anh Vũ không chỉ nghiện ma túy mà còn bị nhiễm HIV đấy.
Quyên giật nẩy mình. Vũ chết vì sốc ma túy thì rõ rồi, nhưng...nếu anh ấy lại nhiễm HIV...Một luồng điện chạy dọc sống lưng, Quyên thấy lạnh toát cả người.
- Lệ! Sao em ăn nói thế hả? Tú gắt vợ.
- Anh bảo tôi ăn nói sao cơ? Người ta đồn ầm lên đấy. Chẳng lẽ cứ bưng tai bịt mắt để không nghe gì, không thấy gì?
- Người ta đồn thế thì sao? Đồn gì thì anh Vũ cũng đã mất rồi.- Tú  nổi nóng.
- Anh nghĩ mất rồi là xong sao? Anh không biết HIV lây truyền qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con à?
 Tú lặng đi. Quyên run bắn, hai chiếc đũa rơi ra khỏi tay. 
- Theo em, chị Quyên nên đưa cả bé Ngân đi xét nghiệm. - Lệ vẫn tỏ ra bình tĩnh, đôi mắt nhìn như muốn xuyên thấu vào tâm can người chị chồng khốn khổ đang tím tái cả mặt.
  Trời đã sập xuống, đất đã nứt toác thành vực sâu trước mắt Quyên. "Không! Chỉ là một cơn ác mộng! Tí nữa thôi, mình sẽ tỉnh dậy. Không có gì cả! Không có tờ kết quả xét nghiệm chết tiệt kia! Không có gì hết! Nàng sẽ tiếp tục đến trường, tiếp tục say sưa cùng các cháu nặn hình, ghép chữ! Nàng vẫn cất lên tiếng hát ngọt ngào, trong vắt vào những giờ tập hát hay những đêm biểu diễn văn nghệ. Nàng vẫn là một cầu thủ bóng chuyền xuất sắc của trường!" Quyên mở mắt trừng trừng nhìn lên góc trần nhà, nơi có những mạng nhện chăng ngang chăng dọc.  Một con ruồi bị dính mạng nhện, giãy giụa trong tuyệt vọng rồi nằm im chịu chết. Nàng dội chân xuống giường sầm sập sầm sập. Nàng hét lên thật to cho tan cơn ác mộng. Bé Ngân sợ hãi nhìn mẹ. Ánh mắt Quyên dại đi. Nàng lấy tay vò và giật từng mảng tóc trên đầu mà không thấy đau. Không phải ác mộng! Đó là sự thật. Thật như lời của cô em dâu đang ra điều kiện với chồng nó: "Hoặc là mẹ con chị ấy dọn ra khỏi nhà. Hoặc là em. Anh chọn đi" " Sao em tàn nhẫn thế? HIV đâu lây truyền qua ăn uống, sinh hoạt?" "Giờ thì nhìn chị ấy em cũng không dám nhìn, đừng nói là ăn uống!" Dừng một lát, nó tiếp: " Nếu anh thương chị mình thì hai chị em cứ ôm ấp nhau mà sống. Em không thể..." Bốp! Một cái tát nảy đom đóm mắt đã giáng vào má Lệ. Quyên nhổm dậy, giọng ráo hoảnh: 
- Được rồi, mẹ con chị sẽ đi. Tú và Lệ đừng băn khoăn gì, đây là ý định từ trước của chị mà.
- Chị đi đâu? Nhà của mẹ, chị cứ ở, chẳng phải đi đâu cả! Tú dứt khoát.
Quyên đặt tay lên vai em:
- Đừng lo cho chị. Hai em bất hòa thì chị khổ tâm lắm. Nếu sau này chị có mệnh hệ gì thì nhờ hai em nuôi cái Ngân thay chị...
 Nói đến đó, nàng khuỵu xuống. Tú hốt hoảng đỡ chị dậy:
- Không đâu chị, chị em như chuối nhiều tàu, nhà mình có hai tàu thôi nhưng cũng phải che chắn cho nhau. Chị đừng nghĩ gì cả.
 "Cô Quyên bị nhiễm HIV!" Tin lan truyền nhanh một cách chóng mặt. Người ta thì thầm, người ta chỉ trỏ, người ta lấm lét nhìn khi thấy nàng. Miệng nàng khô khốc và đắng ngắt. Mỗi bước đi cứ như lơ lửng trên mây. Thức trắng nhiều đêm, hai hốc mắt nàng trũng sâu. Nàng thấy sức lực trong người mình cứ rút dần, rút dần như nước ao trong mùa đại hạn. Nàng gầy đi một cách thảm hại.
 "Cô Quyên bị nhiễm HIV!" Chừng đó tiếng vang lên mà sức công phá của nó chẳng khác nào một quả bom nổ ngay giữa ngực nàng.  Bé Ngân đi nhà trẻ được chừng một tuần thì  họp phụ huynh. Chưa lúc nào có cuộc họp căng thẳng như vậy.   Mọi người sôi nổi hẳn lên khi bàn đến chuyện bức bối cả tuần nay. “ Lớp ta có cháu Ngân nghe bảo bố mẹ đều bị nhiễm HIV, nếu vẫn cho cháu học thì chúng tôi rất băn khoăn” Một phụ  huynh lên tiếng." Chơi  với nó, nước bọt bắn vào cũng đủ nguy hiểm rồi." "Nước bọt thì có can gì, mấy người chẳng hiểu gì sất!" " Ông chủ quan vừa thôi. Cẩn thận vẫn hơn chứ!" "Trẻ con chơi thì cấu má , cấu tai nhau là chuyện thường" " Đúng thế! Mà chúng nó cào cấu nhau, ai dám bảo máu của bé Ngân không dính vào đứa khác?" "Không đem tính mạng chúng ra mà đùa được đâu!" 
Người ta tranh nhau nói, người ta hùng hổ phân tích, lí giải. Cãi nhau. Đập bàn đập ghế. Chung qui lại là không thể để một đứa bị HIV học chung trong lớp.
 Cô chủ nhiệm trấn an: “Nhưng bé Ngân đã đi xét nghiệm đâu? Sao mọi người lại kết luận thế?” “ Không nói dài dòng! Con chúng tôi gửi vào đây, nộp tiền vào đây là để được chăm sóc, được bảo vệ chứ không phải để lo nơm nớp từng ngày như vậy!”  Một người  đứng phắt dậy nói. "Đúng thế! Đúng thế" Nhiều tiếng  nhao nhao đáp lại.
 Quyên ôm mặt lao ra khỏi phòng. Giờ trước mắt những người làm cha làm mẹ đầy trách nhiệm kia, nàng là một phần tử nguy hiểm. Con nàng là một phần tử nguy hiểm! Mẹ con nàng không nên sống chung với họ trong cái thế giới vốn đã đầy rẫy những hiểm họa này! 
 Thấy chị chồng ôm con đi tất bật,  Lệ gọi với theo: 
- Chị mang con bé đi đâu thế?
 Đi đâu? Đi để kết thúc tất cả! Sớm muộn gì cũng chết. Sống gắng thêm hỏi có ích gì? Hay chỉ làm phiền em mình? Hay chỉ làm cho mọi người lo lắng? Quyên  chạy. Bao nhiêu sức lực còn lại dồn vào lần chạy cuối cùng này. Sau đó là gì? Vài ba lời xót xa, vài ba lời thương hại, vài ba lời trách móc, vài ba lời chê bai. Rồi mọi việc lại lắng xuống! Rồi tất cả sẽ trôi vào quên lãng. Thế thôi! Bé Ngân ôm chặt mẹ, khóc không ra tiếng. Khi tay nàng chuẩn bị rời thanh chắn trên cầu và mắt vừa kịp nhìn dòng nước loang loáng phía dưới thì bị một bàn tay cứng như thép ôm ngang người...
  Quyên lấm lét ngó sang người đàn ông râu quai nón đang bình thản nhìn về phía trước, tay đặt nhẹ trên vô lăng, miệng huýt sáo khe khẽ theo nhạc bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng". Nàng nói giọng ấm ức:
- Anh cứu tôi làm gì cơ chứ? Anh có bị điên không?
Người đàn ông quay sang, cười sảng khoái:
- Tôi đâu cứu cô? Tôi cứu thiên thần bé nhỏ này này! - Anh đưa tay bẹo nhẹ vào má bé Ngân. Con bé tự nhiên cười toe toét, mắt nhìn chú râu quai nón mà không thấy vẻ sợ hãi nào hết.
- Tôi không đùa, và không cảm ơn anh đâu. Cứu một người khi họ muốn chết là gây tội chứ không phải làm phúc!
- Tôi cũng đâu có đùa! Cô muốn chết thì cứ việc, nhưng đứa trẻ này đâu muốn chết như cô? Bắt một người không muốn chết phải chết thì là tội hay phúc?
- Anh mở cửa cho tôi xuống ngay! Mở ra! - Nàng nổi khùng.
 Dường như không để ý đến thái độ của nàng, anh lại huýt sáo theo một điệu nhạc vui nhộn. 
- Anh có nghe tôi nói không đấy?
- Tôi không điếc!
- Vậy thì mở cửa ra!- Nàng hét lên.
 Cây cối, nhà cửa vẫn loang loáng trôi về phía sau. 
Xe dừng trước một ngôi nhà hai tầng xinh xắn. Người đàn ông bước xuống, vòng sang mở cửa xe:
 - Thôi, đưa con bé tôi bồng cho. Xuống  đi.
 Bé Ngân ngoan ngoãn giơ tay ra, một sự quen thân lạ lùng. Quyên líu ríu bước xuống và đứng ngay trước xe:
-         Đưa nó cho tôi.
-         Đừng cứng đầu! Muốn sống mới khó, chết thì có khó gì?
-         Này! Những kẻ giàu có sang trọng như anh mới muốn sống, hiểu chưa? Anh không hiểu được nỗi khổ của những người như chúng tôi nên đừng lên giọng dạy đời! Đưa con tôi đây!
-         Này cô, tôi phải cho con bé ăn gì đã chứ. Nó đói veo rồi đây này. Cô mà hành nghề xem tướng số chắc ăn tiền đấy - Râu quai nón  cười ha hả.
-         Không mượn anh lo cho mẹ con tôi. Anh lấy tư cách gì chứ?
-         Tùy cô thôi, nhưng nhìn cô cũng có vẻ người có học. tôi nói thế này: Nguyễn Du viết: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Đừng tự đi tìm cái chết mà sau đó lại đổ tội cho số phận! Phải biết giành giật với ông trời từng ngày để  được sống, phải biết chọn ngả rẽ đúng đắn nhất. Nhắm mắt đưa chân, buông xuôi mặc số phận là nhu nhược, là hèn, là ngốc nghếch. Biết chưa? 
Nói rồi râu quai nón bế bé Ngân sải từng bước dài đi vào nhà. Quyên đành lúp xúp chạy theo.
  Trong khoảng vườn nhỏ, những cây cảnh được trồng trong các  chậu kích thước khác nhau, nhiều hình nhiều vẻ. Điều dễ nhận thấy là chúng được chăm sóc, tỉa tót rất cầu kì. Một cảm giác  nhẹ nhàng, dễ chịu xâm lấn  khi Quyên bước vào căn phòng khách được bài trí đơn giản mà đẹp mắt.
Hùng (tên người đàn ông râu quai nón), còn gọi là Hùng "H" giờ là chủ một xưởng chế biến đá trắng xuất khẩu. Nhưng cuộc đời anh thật lắm gian nan.
  Hai mươi tuổi, chỉ vì nuôi mộng đổi đời mà Hùng theo hội đào vàng lên tận rừng Quỳ Châu, Nghệ An. Tên bưởng trưởng đã dùng ma túy để giữ chân những đồ đệ của mình. Sau hai năm,Hùng thoát được nhưng phải mất ba năm đi trại cai nghiện. Ma túy thì cai được, nhưng vi rút HIV thì Hùng phải mang  suốt đời. Anh quyết định sống độc thân, lao vào làm ăn.  Suốt hơn mười năm vừa tơi tả vì bệnh tật, vừa nợ nần vì bị bạn bè lừa lọc, tráo trở.  Nhưng rồi số phận đã mỉm cười khi anh quyết định mở xưởng chế biến đá. Điều đặc biệt, công nhân của Hùng hầu hết là người bị nhiễm HIV. Anh tìm đến họ, động viên họ bằng chính con người mình, chính cuộc đời mình. Anh thắp trong họ một niềm tin để họ thấy đời không tăm tối. 
  Con người ta vẫn có những bước ngoặt kì lạ như thế. Giờ thì Quyên và Hùng  đã là một cặp đôi hạnh phúc. Bé Ngân đã vào học lớp Một. Lần đi khám mới đây nhất, bác sĩ khẳng định: "Bé hoàn toàn không bị nhiễm vi rút HIV". Toàn xưởng  tổ chức liên hoan ăn mừng điều kì diệu này.  Họ - những người nhiễm H - nhảy múa, hát hò vang lừng cả dãy nhà tập thể công nhân. Bé Ngân không nhiễm H  khiến họ vui sướng như chính mình không bị bệnh.
Một lần Quyên thắc mắc cái biệt danh Hùng "H", Hùng cười thật tươi:
-  Để khỏi nhầm với Hùng "gút", Hùng "què", Hùng "bạch tạng", thế thôi.
- Nhưng...
- Chẳng "nhưng" gì cả. Em đừng nặng nề thế. HIV cũng chỉ là một loại bệnh. Chỉ có điều, hiện nay y học chưa tìm được thuốc chữa khỏi. Vậy nên con người cần phòng tránh. Người mắc bệnh đâu phải là kẻ xấu, kẻ ác? Sao lại bị phân biệt đối xử? Sao lại phải giấu giếm che đậy bệnh của mình?
 Nói rồi Hùng quay lại, âu yếm ôm người "vợ nhặt" của anh vào lòng, lấy bộ râu quai nón cà nhẹ lên má người phụ nữ mà anh trân quí:
- Nhưng anh phải cảm ơn ông trời đã đưa đến cho anh một người vợ vừa xinh đẹp lại đảm đang tháo vát như em.
  Quyên ngất ngây sung sướng. Mắt nàng rạng ngời hạnh phúc. Họ hôn nhau nồng nàn, say đắm. Cái bóng dáng của gã chết tiệt H không còn lởn vởn quanh họ những lúc này. 
- Em dự định vào mồng một tháng mười hai năm nay, nhân kỉ niệm 37 năm ngày thế giới phòng chống HIV/AID mình sẽ tổ chức một chương trình giao lưu thơ nhạc thật hoành tráng, được không anh?
  Hùng ngồi bật dậy:
- Đúng rồi! Em giỏi lắm! Phần nội dung em cứ chuẩn bị đi nhé. Anh sẽ lo khâu tổ chức, khách mời. Mình sẽ mời đại diện các cơ quan,  trường học trong huyện, được không em?
-  Vâng, những việc đại sự như thế thì chắc chắn phần anh rồi, chồng yêu ạ. - Nàng quàng tay lên cổ chồng, trong ánh đèn ngủ dịu dàng, má nàng ửng đỏ trong niềm hạnh phúc.
  Hai năm qua, Quyên không chỉ cùng chồng quán xuyến việc làm ăn mà nàng có ý tưởng và đã cùng anh thành lập một câu lạc bộ với tên gọi: " Chúng ta là Bạn". Ban đầu thành viên chỉ là những công nhân trong xưởng, rồi dần dần, câu lạc bộ kết nạp thêm nhiều thành viên khác ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Câu lạc bộ có bốn đội bóng chuyền, một đội văn nghệ. Cứ năm giờ chiều hàng ngày, nếu hôm nào trời mưa là các cầu thủ cứ rấm rứt chân tay.  “Không có vài xéc bóng, ăn cơm mất cả ngon.” Đội văn nghệ do Quyên trực tiếp phụ trách đã dành được nhiều giải thưởng trong phong trào văn nghệ quần chúng của  huyện. Ngày phòng chống HIV/AIDS mồng một tháng mười hai, câu lạc bộ tổ chức biểu diễn văn nghệ, đọc thơ. Cô giáo Quyên ngày nào múa hát trước các bé mầm non, giờ duyên dáng trong tà áo dài cất cao giọng hát ngọt ngào quyến rũ trước bao con người đang vượt lên mặc cảm bệnh tật để vui sống. Rồi mọi người đọc thơ. Những bài thơ tuy còn mộc mạc, có khi ngô nghê trong gieo vần nhưng người nghe vẫn háo hức và dành những tràng pháo tay giòn giã cho tác giả. Kết thúc là những trận bóng chuyền  căng thẳng và kịch tính. Dường như không phải họ đang cố gắng dành từng điểm bóng mà là đang nỗ lực bằng mọi cách để dành lại những ngày sống có ý nghĩa nhất.
  Hùng âu yếm hỏi vợ:
- Vậy trong phần mở đầu buổi giao lưu, theo em, anh nên nói gì?
- Nói  câu mà anh đã mắng em hồi trước khi em định từ bỏ cuộc sống ấy.
Hùng cốc nhẹ vào trán vợ:
- Chỉ được cái nhớ dai!
- Thế anh còn nhớ nữa không?
- Nhớ chứ. Đó là tâm niệm của anh mà. Anh nhắc lại nhé:  Nguyễn Du viết: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Đừng tự đi tìm cái chết mà sau đó lại đổ tội cho số phận! Phải biết giành giật với ông trời từng ngày để sống, phải biết chọn ngả rẽ đúng đắn nhất. Nhắm mắt đưa chân, buông xuôi mặc số phận là nhu nhược, là hèn, là ngốc nghếch. 
 Cả hai cùng cười. Quyên tiếp tục ý tưởng của mình:
- Còn tiết mục cuối cùng, em muốn cả gia đình mình cùng lên biểu diễn bài "Ba ngọn nến lung linh" được không anh?
 Cả hai nhìn sang giường con gái. Bé Ngân đang ngủ bỗng chúm chím cười. Chắc cô ả mơ thấy mình được lên sân khấu?
 Bất giác, Quyên gõ nhịp, khe khẽ hát:
"Lung linh, lung linh tình mẹ tình cha
Lung linh, lung linh chung một mái nhà"
Hùng cũng hòa vào với vợ:
"Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình".
                                 
                                Mùa đông 2015






   
  
  






     



  




81 nhận xét:

  1. Truyện ngắn dự thi này lão được đọc khi nó còn bản thảo. Cá tính lão thích chê nhiều hơn khen , nhưng chuyện này thì ngược lại.
    Trong một khoảng thời gian ngắn , với bộn bề công việc mà tác giả vẫn sắp xếp viết được mới là đáng nể . Phải là người yêu văn chương lắm mới có thể hoàn thành. Cuộc thi về HIV sắp kết thúc mà lượng bài tham dự không có mấy vì thế mấy cha trong ban tổ chức cuộc thi này đã ...mò đúng địa chỉ và gặp đúng người. Ngoài ra còn phải xem đây như một thành công của nhà ngoại giao...OM trong kết nối giữa nhà văn và cuộc thi. Nói ra thế này để biết sự kết nối giữa những người trong blog spost chúng ta rất thật và có gì đó vẫn nghiêng về tình cảm nhiều hơn là tính thi cử.
    Dù có giải hay không có giải ,chẳng quan trọng , nhưng cách tiếp ứng cuộc thi với chủ đề HIV này với dung lượng thời gian hạn hẹp giữa bộn bề công việc đã nói lên tính cách và tình cảm trong sáng của người cầm viết mang đến cho cuộc thi , bạn bè blog niềm vui là đáng khâm phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi Om có lời nhắn bên Phây, em cũng rất trăn trở. Một bên là thể lệ cuộc thi với những yêu cầu về nội dung: phải tuyên truyền được những kiến thức cơ bản về ết, phải góp tiếng nói để giảm bớt sự kỳ thị với người bị ết, phải đưa ra được những giải pháp có tính khả thi để làm cho cuộc sống của người bị ết tốt đẹp hơn rồi lại phải có nguyên mẫu thực ngoài đời...còn một bên nữa là Om, một cô em blog rất đáng nể. Om thúc dục: "Quyết định nhanh chị ơi, ông anh réo suốt đây này". Viết dở rồi lại định bỏ cuộc, bỏ rồi lại nghĩ đến Om. Thế là lại tranh thủ đi thực tế, đêm về lọc cọc gõ. Và cuối cùng nó ra cái NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN này. Lão nói đúng, em viết nghiêng về tình cảm, vì bạn bè hơn là tính thi cử.
      Truyện hơi dài, lão không chê kể cũng ...khoái! He he...

      Xóa
  2. Viết hay thế!
    Chắc chắn được giải.
    Chúc mừng Nhật Thành nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời! Giá như anh Thọ Trường Quách làm giám khảo có phải Nhật Thành mua vé máy bay đi Sài Gòn ôm giải về rồi không? He he...

      Xóa
  3. Đã đọc một lần và thấy rất hay.
    Tuy câu chuyện có hẫu nhưng mình có cảm tưởng là quá hậu hĩnh đối với một tập thể người mắc căn bệnh thế kỷ.
    Hì hì hì song mình thấy Thọ Trường nói bài sẽ được giải là đúng đấy.
    Xin chúc mừng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhân vật Quyên có thật ngòi đời anh ạ. Cô ấy bị H gần chục năm nay rồi. Trước là giáo viên, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì đã bỏ nghề. Sau một thời gian dặt dẹo vì bệnh tật và buồn chán, nay cô ấy đã lấy lại nghị lực để sống. Là một điển hình về con người vượt qua mặc cảm căn bệnh thế kỉ, giúp được nhiều người khác sống tốt hơn. Hiện cô ấy đang chung sống với một người có H rất hạnh phúc.Cô ấy là chỗ dựa tinh thần cho nhiều người có H ở quê em.
      Là một tác phẩm văn học, ngoài phản ánh hiện thực, cần đưa ra được một định hướng cho cuộc sống có tính khả thi.Cái kết quá hậu như anh nghĩ là do vậy.
      Cái giải to nhất mà em sung sướng được nhận là anh và mọi người đã đọc. Thế thôi!

      Xóa
  4. Truyện viết cảm động, Đặc biệt là nửa truyện phần đầu nói về cuộc sống của mẹ con cô Quyên khi ở nhà chồng cũng như khi về tá túc nhà cậu em trai, cho đến ở trường bị phụ huynh, học sinh và xã hội định kiến, hiểu lầm rồi ngược đãi hắt hủi, kỳ thị... Tất cả những đoạn đó được viết theo trình tự tự nhiên, diễn biến tâm lý nhân vật lô gich, chân thực, vừa bình dị ,vừa sâu sắc bằng ngôn ngữ gần gũi với cuộc sống đời thường nên gây nhiều xúc động...
    Phần hai cho đến hết truyện là nội dung chính của tác phẩm về chủ đề HIV . Tác giả đã lồng ghép gửi gắm vào nhiều thông điệp quan trọng về phòng chống Êt cũng như cuộc sống lạc quan của người bị H và cách nhìn nhận tích cực của cộng đồng xã hội về những người bị căn bệnh này. Kết của truyện thật trong sáng, tươi đẹp giúp người đọc nhẹ nhõm thỏa mãn... Tuy nhiên có đôi chỗ như sau khi Hùng cứu Quyên và đưa Quyên vè nhà Hùng, lời thoại cũng như tâm lý nhân vật thể hiện của hai người còn hơi gán ghép, triết lý thiếu tự nhiên. Vì khi đó họ mới gặp nhau, chưa thể hiểu nhau mà Hùng nói như ra lệnh hoặc bình thản "huýt sáo khe khẽ theo nhạc bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" để ứng xử với Quyên thì nghe chưa hợp cảnh hợp tình lắm...
    Truyện tuy không đạt giải vì đông tác giả toàn quốc tham gia và có nhiều tiêu chí riêng của Ban tổ chức. Dẫu sao cũng được dự đăng đàn giới thiệu trên báo chí và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Chúc mừng Nhật Thành và mong em có thêm nhiều tác phẩm hay nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả thật, chỉ với xóm blog của chúng ta, ta mới nhận được sự chân tình, ấm áp trong từng lời trò chuyện, tranh luận sau mỗi bài viết. Điều này ở bên Phây thật hiếm.
      Rất cảm ơn anh Quang Thứ đã nhận xét chu đáo, cẩn thận từng đoạn truyện, có động viên, có góp ý.
      Thực ra thì em bám rất sát các yêu cầu của truyện ngắn dự thi do ban tổ chức qui định. Không phải ở phần hai mà ngay trong phần 1 cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền. Đặc biệt là sự kì thị của mọi người sẽ dẫn đến những cái chết oan ức, những cái chết vô tội ( nếu mẹ con Quyên không được cứu)
      Lại nói phần lời thoại cũng như thái độ của nhân vật Hùng: đó là một người đã trải qua "Suốt hơn mười năm vừa tơi tả vì bệnh tật, vừa nợ nần vì bị bạn bè lừa lọc, tráo trở." và lại là người đã từng làm cái việc"tìm đến họ, động viên họ bằng chính con người mình, chính cuộc đời mình. Anh thắp trong họ một niềm tin để họ thấy đời không tăm tối." Nên anh đã nhận ra ngay kẻ đang chán sống kia và bằng hành động dứt khoát cứu họ. Hùng thể hiện thái độ của mình với người đàn bà yếu đuối kia bằng thái độ phớt ăng lê như thế mới cá tính đấy anh. (Và có lẽ tác giả cũng thích kiểu người đàn ông như thế. Hi hi...)Trong tình huống này mà cho nhân vật hỏi han theo kiểu Lục Vân Tiên: " Tiểu thư con cái nhà ai?Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì? Chẳng hay tên họ là chi/ Khuê môn phận gái việc gì đến đây..." thì nghe sến sẩm lắm!
      Một nhà văn ở Hà Nội có tham dự cuộc thi này đã tiết lộ với em một số thông tin hơi buồn trong việc xét giải. Nhưng thôi, em viết là để cho bạn đọc chứ chẳng nghĩ nhiều đến giải này giải nọ đâu anh.

      Xóa
  5. Mỗi Con người chỉ có một cái MẠNG SỐNG , dù ở hoàn cảnh nào cũng nghĩ và hướng về những điều tốt đẹp. Đó là cái đích của cuộc sống
    CÂU CHUYỆN NÀY ĐÃ VIẾT LÊN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ... CHÚC TH thành công!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Mưa đã đọc câu chuyện khá dài này. Thông điệp về cuộc đời NT có nhắc hai lần đó Mưa: "Đừng tự đi tìm cái chết mà sau đó lại đổ tội cho số phận! Phải biết giành giật với ông trời từng ngày để sống, phải biết chọn ngả rẽ đúng đắn nhất. Nhắm mắt đưa chân, buông xuôi mặc số phận là nhu nhược, là hèn, là ngốc nghếch."

      Xóa
  6. bạn viết truyện hay quá, mình bó tay. chúc bạn mùa giáng sinh thật hạnh phúc bạn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Mẫn.Em chẳng có giáng sinh anh ạ. Chúc anh lúc nào cũng hạnh phúc an lành như đêm nô en nhé.

      Xóa
  7. Mình đã đọc truyện này hai lần liền NT ạ và mình có một vài ý kiến riêng mình thế này:
    Truyện bám rất sát yêu cầu của cuộc thi và thể hiện nó một cách rõ nét nhất. Nhưng có lẽ do cứ cố gắng bám sát các yêu cầu đó nên nhiều khi lại làm mất đi tính chất một truyện ngắn mang tính nghệ thuật mà hơi nghiêng về tuyên truyền và áp đặt chăng ? Nhất là phần hai, từ chỗ Quyên gặp H ấy mình cứ có cảm giác gượng gạo em ạ.
    Cố nhiên để viết được như em thì chị Song Thu không thể rồi nhưng khi đọc thì chị cứ cảm thấy thế và góp ý vậy thôi. Nếu có điều chi không vừa ý thì em bỏ qua nha. Người không có khả năng viết truyện lại cũng không phải nhà nghiên cứu phê bình gì nên ý kiến chỉ là góp vui thôi.
    Chúc em viết ngày càng lên tay nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Thu ơi, chị cứ góp ý thoải mái cho em, em rất cần nghe ý kiến của mọi người mà. Đoạn này em để cho nhân vật "triết lí" với nhau hơi khô khan, đúng không chị? Nhưng em nghĩ nhiều rồi, chỉ có thể đưa vào đoạn này được thôi, khi mà hai người đang "chống cháng" nhau. Nói như chị cũng đúng, nhưng muốn được cái này thì nhiều khi phải hi sinh cái khác thôi chị. Còn phần sau, ngoài việc đưa vào giải pháp có tính khả thi cho người có H thì thực ra nguyên mẫu ngoài đời cũng có nhiều điểm giống như vậy chị ạ.Như đã nói với nhà thơ Quang Thứ ở trên, do tác giả thích kiểu hành xử rất đàn ông như thế nên cho nó ra thế. Hi hi...

      Xóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Sorry chị vì em là người đã thúc giục, "ép" chị viết, nhưng lại là người còm rất muộn. Thông cảm nhá, chấp làm gì cái đứa lúc nào cũng bận! :D

    Em chưa đọc các truyện ngắn khác tham dự cuộc thi, nhưng đọc truyện của chị, em thấy hơi tiếc vì không đoạt giải. Em cũng chẳng hỏi ông anh Phạm Hoài Nam, vì ổng quá bận, suốt ngày chúi đầu vào các hoạt động XH, thời gian cho vợ con còn thiếu, đâu còn thời gian cho em iếc gì! Theo em, có lẽ vì một trong những tiêu chí chấm giải là tác phẩm phải gần với kịch bản phim, tức là có nhiều mâu thuẫn, nhiều nút thắt, dẫn dắt câu chuyện qua nhiều chi tiết, tình tiết..., còn truyện của chị thì chất văn học nhiều, nhưng nó dừng lại ở chỗ là truyện ngắn thuần túy.

    Tuy vậy, như chị nói, chị viết "viết nghiêng về tình cảm, vì bạn bè hơn là tính thi cử", nên sau khi tiếc nuối một chút thì em thấy cũng không băn khoăn nhiều. Nếu không có một cái đích, không ép mình phải viết thì có lẽ sẽ chị sẽ không có một tác phẩm hay (như thế này). Hihi.

    Bây giờ em ý kiến ý cò một chút.

    - Có lẽ phần đầu chị viết rất hay, mọi thứ quá lôi cuốn, hấp dẫn và đầy kịch tính. Cái này em cố bới lông (chị :D ) mà tìm chả ra cái vết nào. Tuy nhiên, đến phần sau thì hình như câu chuyện trở thành chuyện kể, bớt đi tính văn học. Có thể sẽ có muôn vàn cái kết rất có hậu cho những trường hợp như thế này ở ngoài đời, nhưng để nâng nó lên thành văn học thì lại đòi hỏi ta phải đầu tư nhiều hơn.

    Chị xem lại nhé: Phần đầu, truyện của chị có đầy đủ chi tiết, tình tiết, nút thắt..., kèm theo là diễn biến tâm lý nhân vật. Đến phần sau, câu chuyện trở thành một câu chuyện cổ tích, trong đó nhân vật không còn tâm lý, tính cách nữa, nhân vật chỉ xuất hiện để đưa câu chuyện đến một cái kết có hậu. (Nếu chị định viết theo thi pháp truyện cổ tích thì nó phải thống nhất ngay từ đầu).

    - Ngoài ra, còn một chi tiết nhỏ làm cho người đọc hơi khó hình dung. Chẳng hạn, cô Quyên ôm con định nhảy xuống sông thì "bị một bàn tay cứng như thép ôm ngang người...". Rồi sao nữa? Rồi tự nhiên cô ấy ngồi trên xe của Râu quai nón (?) và thấy anh ấy đang huýt sáo. Rõ ràng, ở đây bị thiếu tình tiết.

    - Cuối cùng là mấy thứ nhỏ xíu chả đáng gì, nhưng em cứ nói, vì có thể sẽ có lúc mình đụng đến. Đi sau phụ âm QU sẽ luôn là Y chứ không phải I (quy, quý, quỹ, quỷ...). Dành: là dành cái gì cho ai đó, giành: là giành cái gì cho mình. Khi đã gọi nhân vật là "Râu Quai Nón" thì từ này phải viết hoa.

    Em nhiều chuyện, còm dài để bù cho cái tội chậm chạp. Hehe. Chị có tức em thì cũng không sao, cứ phản biện đi! Có thể cuộc tranh luận sẽ dừng lại và ai nấy đều giữ nguyên quan điểm của mình. Nhưng thời gian trôi đi, có thể 1 trong 2 người chúng ta sẽ nghĩ khác và thấy người kia đúng. Miễn là chị đừng xóa blog như anh Sỏi là được!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy đấy! Chờ ý kiến của Om hơn ý kiến của Ban giám khảo đó nha. Bận gì mà bận quanh đời suốt kiếp vậy?
      Đẻ ra cái NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI DẦN này trước hết là tại Om. Một ngày xấu trời bỗng nhắn cho chị, bảo cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài bênh Sida đã hơn một tháng nhưng các bài dự thi chưa đạt yêu cầu. Nói thế thì chị làm sao đủ tự tin mà tham dự cơ chứ? Bao nhà văn khác viết chưa đạt yêu cầu thì chắc chắn là yêu cầu ấy nó không “dễ ăn” chút nào rồi. Tuy vậy chị cũng nước đôi bảo để chị suy nghĩ đã, Om lại bảo chị trả lời cho em ngay đi khỏi ông anh Phạm Hoài Nam réo! Trời ạ, thế là chị “Ừ” cho em yên lòng!
      Bắt tay vào viết mới thấy đúng là không dễ chút nào bởi các yêu cầu:
      - Tuyên truyền để phòng chống ngăn ngừa lây nhiễm vi rút HIV.
      - Chống kì thị, phân biệt đối xử với người có H.
      - Đưa ra những giải pháp có tính khả thi để những người có H sống tốt đẹp hơn
      - Phải bám vào nguyên mẫu ngoài đời để tác phẩm có tính chân thực.
      Nhưng lỡ “ừ” với Om rồi, cảm giác mắc nợ Om làm chị áy náy. Chị gọi cho một số nhà văn xứ Nghệ tham gia cuộc thi, họ nghe xong chỉ cười mà bảo: “Thôi, nhường em thi mà lấy giải”. Cuối cùng chỉ vận động được một nhà văn nhưng họ lấy sẵn tác phẩm viết cách đây gần chục năm, câu chuyện kể về một đôi trai gái yêu nhau, sau đó cô gái đi làm ăn xa rồi sa ngã, bị dính Ết. Cô về làng một thời gian rồi chết. Chàng trai trồng lên nấm mồ cô cây hoa Bọc Bịp ( kiểu như lá diêu bông), mong hoa sẽ mãi không tàn.
      Truyện như thế chưa bám yêu cầu.Thế là chị lại phải trả nợ tiếng “ừ” kia. Tranh thủ đi thực tế tìm hiểu và chọn nguyên mẫu. Chọn được rồi cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, lồng ghép thế nào để tránh sa vào truyên truyền khô khan lộ liễu như một số truyện chị đã đọc. Nản.
      Hì...thôi, chị hơi dài dòng chuyện bếp núc văn chương rồi. Giờ trả lời em vào mấy vấn đề trên nha.
      - Om có nói với chị là ngoài chấm giải, họ có thể dựa vào đó đem ra nước ngoài để chuyển thể thành phim. Cái đó không nêu trong tiêu chí, chỉ là dự định của tổ chức quốc tế về phòng chống HIV mà Om tiết lộ riêng với chị.
      - Xét theo sự phát triển của chi tiết truyện thì chúng đã được đẩy dần lên ở mức độ căng thẳng đối với nhân vật chính: nỗi đau chồng chết, rồi bị mẹ chồng đổ lỗi, đuổi ra khỏi nhà, ôm con chạy đi cũng không có được một sự xót thương thông cảm, tưởng yên ổn ở nhà mình thì choáng váng khi biết mình bị nhiễm HIV, đang tuyệt vọng thì đứa em dâu lại công khai tuyên bố không thể sống chung, rồi thái độ của mọi người, rồi con cũng bị người ta “tẩy chay”. Chi tiết Quyên ôm con định tự vẫn là đỉnh điểm của bế tắc. Thế thì sau đó sẽ là “nút gỡ”. Phần này không thể dựng cảnh cụ thể như phần trên vì nó sẽ quá dài dòng. Và đây không gọi là phần hai mà là phần kết, có lẽ cách kể nhanh hợp lí hơn? ( Kết ấy là có thật ngoài đời đấy Om ạ, nó giống như cổ tích ấy. Hiện hai vợ chồng là chủ một xưởng đá có tiếng ở Quỳ Hợp, rất tích cực trong hoạt động của nhóm những người có H. Theo chị biết thì đã có 4 bài báo viết về họ)
      - Còn sau chi tiết “bị một bàn tay cứng như thép ôm ngang người” có dấu (...) thay cho chi tiết bỏ lửng: người đàn ông râu quai nón hốt hai mẹ con tống vào xe.
      - Mấy thứ “nhỏ xíu” ấy, ngoài cái “Râu Quai Nón” phải viết hoa là đúng, còn lại những qui định ghi âm tiếng Việt thực tình chị rất muốn các nhà cải cách giáo dục làm sao để đỡ rối rắm. Chẳng biết qui định này có từ bao giờ (cái này có lẽ hỏi bác Phạm Ngọc Hiệp, he he...), nào là ngờ đơn ngờ kép, nào là “cuốc” “quốc”, nào là “gì”, “dì”, nào là “giành”, “dành”, “giốt” hay “dốt”, rồi viết “Kắm Muộn” hay “Cắm Muộn” (tên bản làng), rồi lại “qui định”, “quỳ xuống”, “chia li”, “địa lý”...Trong văn bản viết tay của Bác, Bác viết: Đường kách mệnh” chắc cũng muốn cách mệnh chữ viết ghi âm tiếng Việt chăng?
      Cuối cùng, mong mọi người cứ bàn luận thoải mái nhé. HƯƠNG NGÀN khi đóng khi mở là do tâm lí thất thường của chủ nhà, còn tuyệt đối không xóa vì đây là nơi lưu giữ buồn vui và lưu giữ những kỷ niệm bạn bè không dễ gì có được.

      Xóa
    2. Em đang trên di động, gõ sẽ sai nhiều và ko hết ý. Hẹn chị mai sẽ tám tiếp. Riêng về chuyện quy tắc chính tả thì chị cứ theo sách giáo khoa. SGK dạy cho hs học thì nó là quy định chuẩn của hôm nay, và của ngày mai, khi lớp hs này lớn lên (trừ khi vài năm nữa có quy định mới thì tính tiếp). U-i thì sẽ là vần ui, U-y thì sẽ là vần uy, thế là chuẩn rồi! Còn lại, ly, kỳ, mỹ, sỹ hay li, kì,mĩ, sĩ..., cách nào cũng đọc ra

      Xóa
    3. (Chưa kịp viết xong nó đã bắt xuất bản, em tiếp nè) nó cũng ra âm giống nhau thì thống nhất tất cả là i ngắn hết. Nếu mình viết y dài cũng được, nhưng phải tgoosng nhất toàn bộ văn bản. Gì hay Dì, dòng hay giòng... thì ta đã có từ điển. Nói chung các từ điển đều thống nhất với nhau về những từ ngữ kiểu này. Nếu chị có mời bác Bu hay bác Hiệp qua đây thì em cũng rất thích nghe ý kiến các bác. Vấn đề phiên âm tiếng nước ngoài của mình còn nhiều vấn đề hơn là chính tả

      Xóa
    4. Thế chị mới mong người ta sớm "qui về một mối" cho đỡ rối rắm. Bác Hiệp hay nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ chắc rành.

      Xóa
    5. Chào buổi sáng, tám tiếp chuyện hôm qua nào!

      - Về chính tả thì ta dừng lại, vì nó lạc đề rồi.

      - Về đoạn 2 người gặp nhau, em nhìn thấy dấu 3 chấm của chị chứ! Nhưng ý em là nó bị ngắt quãng đột ngột. Nếu là phim, ta cắt cảnh ở đây được, nhưng là truyện ngắn thì phải có 1 câu dẫn đại loại như: “Chưa kịp định thần thì Quyên đã thấy mình bị ấn vào một chiếc xe hơi...” (Hay gì gì đó)

      - Về mạch truyện, em nhất trí là phần thắt nút đã đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, và đây là phần rất hay, khó có thể chê được. Đến phần mở nút, chị sợ nó dài dòng nên không dám dựng cảnh cụ thể, em cho đây là sai lầm của chị.
      Vẫn biết mình không phải là tác giả, nhưng em cứ thử đặt mình vào chỗ của tác giả thử xem mình sẽ viết gì nhé!
      Uhm, chắc là em sẽ không kể lại câu chuyện cuộc đời của Hùng bằng giọng kể của một người đứng ngoài. Câu chuyện đó sẽ được chính Hùng kể lại một cách vắn tắt bằng ngôn ngữ nói đời thường. Qua cách kể chuyện, thái độ, tình cảm khi kể, tính cách của Hùng sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên hơn.
      Và nữa, tuy đây là cách mở nút có hậu, nhưng để người đọc không cảm thấy có gì đó giả giả, gượng gạo thì nhân vật vẫn cần phải có những diễn biến tâm lý. Ở đây, ta thấy cả đôi nam nữ này đều phơi phới hạnh phúc, dường như họ quên hẳn cái con Sida đang ở trong người. Nếu là một người bình thường, liệu ta có thể quên được điều đó không, nhất là khi họ còn có một con gái bé xíu? Bỏ qua tâm lý này, nhân vật sẽ chỉ phơn phớt bề ngoài, giống nhân vật cổ tích. (Trong thi pháp truyện cổ tích, nhân vật xuất hiện là chỉ để thực hiện chức năng nhằm thúc đẩy diễn biến của câu chuyện).

      Không liên quan, nhưng em thấy anh Đỗ Đình Tuân hơi khắt khe quá! Hihi!

      Xóa
    6. Ở đây cũng xin góp thêm một ý về mấy chuyện chữ nghĩa:

      - Về chuyện i ngắn hay y dài, như địa lý (địa lí), ly kỳ (li kì)... tôi thấy ngày xưa (thời tôi trở lên) hay viết y dài, đến sau năm 1975 thì hình như khuynh hướng của miền Bắc sử dụng i ngắn thay thế. Còn những từ như "thúy" (như ca sĩ Thanh Thúy, nghệ sĩ Thúy Hạnh), hay táy máy... thì chắc chắn không thể dùng i ngắn thay thế cho y dài được. Đến tận bây giờ sách vở, báo chí vẫn còn nhiều người dùng y dài như địa lý, vật lý. Mỹ Tho..., tuy đa số tôi thấy dùng i ngắn (dịa lí, vật lí, Mĩ Tho). Nhưng tôi thiết nghĩ những trường hợp này viết y dài hay i ngắn đều được cả, như ý kiến bạn OM.

      - Chuyện viết "d" hay "gi" phức tạp hơn, chẳng hạn một quyển từ điển về chính tả ngày xưa nói không có chữ "dóng" (Thánh Dóng), mà chỉ có chữ Thánh Gióng, nhưng bây giờ thì người ta viết Thánh Dóng, Thánh Gióng, rồi có nơi còn nói "Dóng" mới đúng. Từ điển thì có quyển viết thế này, có quyển viết thế khác, và có quyển viết cả "dóng" và "gióng", biết theo ai là đúng?

      - Riêng chuyện phiên âm thế nào? Ngày xưa sách báo phiên âm Phú Lăng Sa (France, nước Pháp), theo âm Hán-Việt, Hoa Thịnh Đốn, Luân Đôn... Đến thời sau Cách Mạng 1945 ở miền Băc phiên âm Anh Tanh (Einstein), Pát Tơ (Pasteur)... đại khái thế, nhưng ở miền Nam tên địa danh, nhân vật thì hoặc phiên âm như Hán-Việt Ba Lê (Paris), Nã Phá Luân (Napoleon), hoặc vẫn giữ nguyên tên theo tiếng Anh, Pháp, dĩ nhiên những ngôn ngữ khó viết như tiếng Nga, Ả Rập... thì dùng phiên âm sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này cũng có cái hay, là khi dân trí đã tương đối (người học đã khá lên) thì dễ biết người đó là ai, chứ phiên âm theo kiểu đọc sao viết vậy nhiều khi không biết tên, địa danh của nước ngoài là gì. Bây giờ tôi thấy đa số sách báo theo cách này.

      Xóa
    7. Bên trên bạn OM có viết: "Đi sau phụ âm QU sẽ luôn là Y chứ không phải I (quy, quý, quỹ, quỷ...). Tôi thấy điều này cũng khống đúng hẳn, Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội 1931), viết: Qui: con rùa, Qui: trở về, Qui trong Qui tắc, qui củ..., và Từ điển Tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê thông dụng bây giờ, ghi nhận "qui" và "quy" song song.

      Xóa
    8. Với Om:
      Ý chị thì vẫn muốn để cái dấu chấm lửng ở đó thay cho chi tiết nên không bàn đến nữa.
      Còn phần sau, đúng ra thì lúc đầu chị dựng tình huống này: Mấy ngày đầu Quyên tá túc trong nhà Hùng đã xảy ra những tranh cãi xoay quanh chuyện sống vì mình hay sống vì mọi người, rồi Hùng kiên quyết bắt Quyên đưa bé Ngân đi xét nghiệm. Quyen thì không muốn đưa đi vì cô khẳng định mẹ có H thì chắc chắn sinh con ra không tránh khỏi bị H, điều này mọi người khẳng định rồi. Hùng thì bảo chỉ khẳng định khi y học kết luận sau nhiều lần xét nghiệm. Xác suất con không bị lây nhiễm từ mẹ tuy thấp nhưng vẫn có . Đã gọi là hi vọng thì 1% cũng là quí. Rồi Hùng kể cho Quyên nghe về cuộc đời của mình, về những cảnh đời anh đã gặp...Quyên vừa thương, vừa cảm phục người đàn ông mà theo linh cảm mách bảo, cô sẽ gắn bó cuộc đời mình với anh.
      Viết như thế câu chuyện kéo thêm gần hai trang,như vậy là đến bảy tám trang A4 đó Om. Vậy nên chị buộc phải chọn cách kể tóm gọn như thế. Nhưng nói rằng Hùng giống nhân vật mang tính chức năng (như nhân vật vua trong truyện cổ tích) thì cũng chưa hẳn. Dù sao ở đây Hùng cũng được khắc họa tính cách khá rõ nét đấy chứ: rất bản lĩnh, rất mạnh mẽ, biết chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc đời để làm chủ hoàn cảnh, bề ngoài có vẻ lạnh lùng (khi mới gặp) nhưng ẩn chứa bên trong một trái tim đa cảm, biết sống vì mọi người.
      Mà có thế mới lôi Om về blog để viết truyện chứ! He he..

      Xóa
    9. Bác Hiệp ơi, đúng là ngữ pháp Việt Nam đã khó rồi: "Phong ba báo táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", em nghe câu đó từ khi học cấp 2 ấy, vậy mà cái chính tả cũng lằng nhằng nữa nên gây rối rắm bác nhỉ? Em muốn bác tìm hiểu xem vì sao lại có những qui định như thế, chắc nếu có thì bắt đầu từ việc các giáo sĩ đi truyền bá chữ quốc ngữ vào thế kỉ 19 chăng? Nếu là qui định bắt buộc thì sao lại có những thay đổi ( như i hay y chẳng hạn?). Em thì chỉ muốn các nhà ngôn ngữ học, giáo dục học hãy làm một cuộc cách mạng về chữ viết để học sinh đỡ phải rắc rối khi học. Còn nghĩa của từ thì nó được xác định trong văn cảnh cụ thể rồi. Có thể lúc đầu hơi "trái mắt", ví dụ:
      - Con để dành phần này cho u.
      - Con không muốn dành dật với em.
      Nhưng nếu lâu dần thì cũng "thuận mắt" thôi, đúng không bác?

      Xóa
    10. "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam"

      Xóa
    11. Như NT đã biết, chữ quốc ngữ của ta bây giờ không phải hình thành trong mấy chục năm, mà suốt trong quá trình phát triển của nó, từ thời các giáo sĩ phương Tây bắt đầu sang nước ta truyền đạo (đầu thế kỷ XVII). Từ đó đến nay chữ quốc ngữ đã phát triển ở cả ba miền, và chưa ngừng hoàn thiện (tuy đã hoàn thiện lắm rồi so với thời gian đầu mới phát triển).

      Cái khó của chữ quốc ngữ so với chữ Hán là thứ chữ ghi âm, chữ Hán thì miền nào cũng phải viết thế và nghĩa như thế, nhưng chữ quốc ngữ (và cả chữ Nôm) lại là thứ chữ ký âm, mà NT biết rồi, nước ta mỗi miền phát âm khác nhau, mà khi phát âm khác thì ghi chữ khác, lại hiểu sang nghĩa khác.

      NT nói đúng, nước ta cần có một Viện Hàn Lâm về ngôn ngữ, gồm những người thật giỏi ngồi lại với nhau, soạn ra một bộ từ điển chuẩn, khoa học để làm một qui chuẩn sử dụng toàn dân, nhưng xem ra việc này còn khá xa vời.

      Xóa
    12. Với chị NT, tranh luận và phản biện cho vui thôi, chưa thể đòing ý với nhau ngay được đâu, chỉ là để nhìn vấn đề từ nhiều phía, phải ko ạ!
      Với bác Hiệp, chuyện chính tả của mình khó lắm ạ! Theo em thì ngôn ngữ luôn luôn biến dfoori, nên mình ko lấy cái chuẩn của thời xưa làm chuẩn thời nay được. Cứ tiến lên cùng với nó, cập nhật những biến đổi ấy, và nếu có gì thấy chưa đúng củacasi mới thì mình sẽ cùng nhau hình thành một cái mới khác. Chúng ta có mạng xã hội để tự do viết lách, nên sự biesn đổi về ngôn ngữ thời nay ko nhất thiết phải nhờ đến các nhà ngôn ngữ học nữa. Biieest đâu rồi đến một hôm, chính bác và em sẽ dùng những từ mà chẳng bao giờ mình nghĩ sẽ dùng, như thik (thích), qoanh (quanh), ngèo (nghèo)...
      Về việc đi sau chữ qu, bắt buộc phải là y dài là vì qu ko hẳn là một phụ âm ghép, nhưng q thì là một phụ âm. Như vậy, u sẽ là nguyên âm. Chẳng hạn, từ Quyên, ta phải đánh vần là u-y-ê-n uyên, q-uyên-quyên. Từ Quốc, đánh vần là u-ô-cờ uốc, q-uốc-quốc... Từ đó, suy ra u-i thì sẽ là ui. Nếu viết Qui thì sẽ ko đánh vần được. Đó là quan điểm của em.
      Em xin lỗi vì gõ sai khá nhiều, nhưng tại di động của em mà sửa lỗi thì nó out mất, nên đành vậy. Blog của chị NT trở thành chỗ bàn luạn về chữ nghĩa, hay quá đi!

      Xóa
    13. Hi...nhưng mà qu ta đọc là quờ. Còn q ra đọc là cu.
      Hồi xưa bố chị còn bày cho chị đánh vần: a-y-cờ rách- ay (y - cờ - rách là y dài, còn i là i ngắn.) Hay quá còn gì?

      Xóa
    14. Quờ hay cu gì thì cũng là cái tên mà ta đặt cho chữ cái ấy thôi. Quan trọng là cách phát âm. Q là sự kết hợp giữa mặt lưỡi là hàm ếch. Qu là ngoài mặt lưỡi và hàm ếch ra còn loa môi. Theo em thì Qu là một phụ âm ghép nửa mùa, một sự kết hợp thiếu khoa học của tiếng Việt. Chỉ cần Q là đủ rồi.

      Xóa
    15. Chị thì thấy ba phụ âm: K, C, Q thì chỉ cần 1 thôi, nhiều thế rối rắm.

      Xóa
    16. @ Bạn OM, rất đồng ý bắt buộc phải "y" dài sau "qu" khi chữ y"" nằm trong chữ như quyết, quyến, quỵt... Còn bên trên là tôi "phản biện" khi OM nói bắt buộc khi đi sau "qu" phải là "y" (và OM viết quy, quý, quỷ, quỹ...). Ta thấy vẫn có khi đi sau "qu" là "i", như "qui" là con rùa (thần Kim Qui), "qui" là trở về (qui tiên), qui tắc...

      Xóa
    17. @ Bạn OM, Nhật Thành, nhân NT viết bài này ta bàn chơi cho vui (nhưng tôi thấy cũng có ích), tôi thử tìm hiểu riêng vể "i" ngắn hay "y" dài qua các thời kỳ, trong Nam ngoài Bắc, trong nhiều từ điển, sách vở tôi có, thấy có nhiều điều thú vị. Tôi sẽ viết riêng một entry về "i" ngắn "y" dài này bên nhà (chỉ riêng về "i" ngắn "y" dài thôi thấy cũng mệt rồi), các bạn đón coi nhé. Bổn tiệm kính mời, hì hì!

      Xóa
    18. Với chị NT, từ lâu rồi em đã suy nghĩ về cái vụ C, K, Q và cũng thấy như chị, sao tiếng Việt rắc rối quá!
      Với bác Hiệp. Em hiểu ý bác. Bác đưa ra ví dụ về những từ mà người ta vẫn sử dụng xưa giờ, từ đó kết luận nghiễm nhiên là nó đúng, không cần phải chứng minh. Còn em thì đang cố chứng mình (bằng cách đánh vần tiếng Việt) rằng nó chưa đúng. Càng về sau này thì sách báo càng nghiêng về Quy hơn là Qui. Mình có thể thấy rõ điều này khi giở xem bất ký tờ báo, quyển sách nào gần đây. Cả Kim Quy thì người ta cũng không dùng i ngắn nữa.
      Em không nghiên cứu ngôn ngữ và không làm nghề liên quan đến ngôn ngữ, nhưng em thực sự hứng thú khi được trò chuyện với bác. Chỉ sợ là ta đang ở nhà chị NT và đang làm loãng chủ đề chính cần bàn. Vậy nên thật vui khi bác mở một diễn đàn Y và I để mình trò chuyện tiếp.

      Xóa
    19. Trang của chị cứ bàn thoải mái mà, chuyện ngôn ngữ, chuyện văn chương, chuyện đời thường, chuyện lịch sử...được tất, miễn là đem đến những niềm vui hoặc hiểu biết cho mọi người.
      Nhưng bác Hiệp đang định viết bài như vậy thì em hoan nghênh lắm. Chờ!

      Xóa
    20. Trò chuyện những vấn đề "gai góc" này với tinh thần cởi mở thì thật thú vị, NT không phiền thì tôi xin kể tiếp chuyện hồi tôi đi học lớp năm, lớp tư (lớp 1, 2 bây giờ), ở vào những năm cuối của thập niên 1950 ở Saigon.

      Khi ấy trường Tiểu học chỗ tôi ở đi học lại chia thành 2 ca, ca buổi sáng dạy đám con nít miền Bắc gia đình di cư (bởi khu vực này dân di cư năm 1954 đông), giáo viên người miền Bắc, dạy đ1nh vần a, b (bê), c (xê)... khi đánh vần ghép chữ thì đọc (chẳng hạn chữ Quy), Q (đọc là cu), u (vẫn đọc là cu), y Quy... Xưa tôi học viết "qui tắc", chứ không phải "quy tắc", thần Kim Qui chứ không phải thần Kim Quy. Chữ Qui vẫn đọc y như chữ Quy. Q (cu). u (cu) i Qui... Ba đánh vần là B (bê) a Ba.

      Buổi chiều ca dành cho trẻ con người miền Nam, với giáo viên miền Nam, học đánh vần khác hẳn, theo kiểu a, b (bờ), c (cờ)..., đánh vần chữ Quy là y, Quờ y Quy... Ba đánh vần là a Bờ a Ba...

      Có lẽ cái dấu ấn đầu đời ấy còn để lại trong tôi đến giờ...

      Tôi sẽ viết một bài riêng về chữ "i" và "y" khi đứng sau chữ "qu", thông qua các từ điển xưa nay ở cả 2 miền Nam Bắc.

      Xóa
    21. Vâng, em đang chờ ạ! Hy vọng là sẽ thú vị lắm đây!

      Xóa
  10. Cóp về đây câu trả lời của nhà văn Trần Quang Thiệp: "Chị Kháu Lão Ham Chơi và bạn Hương Ngàn ơi...Họ thay đổi lại rồi...chưa xác định giải mà mới chỉ có Top 40/299 vào chung kết mà...Có nghĩa là chưa kết luận..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa, thi cử kiểu gì mà kỳ vạy ta?

      Xóa
    2. Chị nghĩ Trần Quang Thiệp đùa. Hôm 28/11 Hoài Nam có bảo chị: "Bạn có thể đến dự buổi tổng kết tối nay được không?" chị có đùa: "nếu được giải nhất thì để mua vé máy bay".
      Chị đang chờ để đọc các tác phẩm đạt giải để học hỏi thêm, đó là điều chị quan tâm nhất về cuộc thi này Om ạ.

      Xóa
  11. Tôi sang mới chỉ đọc sơ qua, giờ "mắt nhắm mắt mở" rồi, mai qua đọc kỹ mới được, hihi!

    Trả lờiXóa
  12. Nếu NT cần góp ý thì MRC có 1 ý kiến nhỏ
    Truyện này nói 1 cách tổng thể thì tương đối hay, cái kết có hậu làm người đọc hài lòng. nhưng vì có lẽ yêu cầu của truyện ngắn là giới hạn số từ nên việc tóm tắt nội dung đưa vào đoạn kết hơi ngắn gọn nên trở thành SỐC ( đi hơi xa với thực tế 1 chút ) nên người đọc phần đầu nhập tâm cuốn vào câu truyện, đến phần cuối thì thấy ( chỉ ở trong truyện mới thế... )nên chỉnh sửa 1 chút nội dung là ok!...
    Lời góp ý chân thành ko tự ái đấy nhé!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn Mưa. Không phải nó xa thực tế mà nó hơi lướt nhanh quá. NT đã trình bày ở trên chỗ trả lời Om rồi đó Mưa. Đừng lo NT tự ái, vì tự ái là yêu mình. He he...

      Xóa
  13. Nếu coi đây là một bài tập làm văn hoặc một bài văn mẫu (cố nhiên là dưới dạng truyện ngắn) thì chí ít cũng phải cho bài này điểm đẫy khung. Nhưng nếu xem đây như một sáng tạo nghệ thuật thì chưa thể bằng lòng. Bởi lẽ truyện viết còn giản dơn, nặng nề, thiếu tinh lọc và chưa đủ độ thấm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, nhờ ban giáo khảo dễ tính nên bài tập làm văn này đã lọt vào vòng chung khảo rồi đấy anh Tuân ạ. Nó được xếp vào tốp đầu trong 299 truyện tham dự cuộc thi.

      Xóa
    2. Để dự thi nhắm một mục đích nhất thời nào đó thì nếu không cho vượt khung cũng phải cho đẫy khung. Còn để đọc, để sống được trong lòng đọc giả thì phải đầu tư thêm cho gọn và thấm hơn.

      Xóa
    3. Vâng, em hiểu. Nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm anh Tuân ạ.

      Xóa
  14. Tôi đã đọc hết truyện, có một vài ý nhỏ:

    1. Về bản thân truyện: với tôi đây là một câu truyện đọc dễ chịu, bởi cái kết có hậu (tôi không chú ý đến tình tiết "thực tế" hay "hư cấu", đã nói là truyện thì tác giả có quyền sử dụng mọi thủ thuật khi viết miễn hợp lý). Bây giờ có tuổi tôi nghiêng vế cách viết dễ chịu này, vì không muốn "tra tấn" thần kinh mình nữa. Còn muốn nói chuyện hay hay không, có thể đoạt giải, thì tôi phải đọc được những tác giả dự thi khác. Ở VN trong các cuộc thi, muốn dành kết quả cao người ta còn phải xem thành phần BGK để liệu "dọn món" vừa miệng quý vị ấy nữa.

    2. Riêng về chuyện từ ngữ, cũng xin góp một ý kiến nhỏ:

    - Khi viết "tuổi hợi, tuổi dần", NT nên viết "tuổi Hợi, tuổi Dần", để nhấn mạnh cái đối nghịch "Dần - Hợi", vả lại Hợi, Dần ở đây là để chỉ một cá nhân chứ không phải là hợi, dần chung chung, cũng như tôi thấy sách vở viết "trận bão năm Giáp Dần", cuộc chiến năm Mậu Thân".

    - Khi viết "người đàn ông râu quai nón" thì "râu quai nón" là viết thường, vì là danh từ chung, nhưng sau đó chẳng hạn viết "anh Râu Quai Nón ơi", thì "Râu Quai Nón" phải viết hoa, vì đã trở thành danh từ riêng.

    - Còn những chuyện chữ nghĩa khác như i ngắn y dài, d hay gi... thì viết tới... mai cũng chưa hết chuyện.

    Hì hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái "râu quai nón" ấy thì em biết rồi. Nhưng em nghĩ "năm Giáp Dần" thì rõ ràng phải viết hoa vì đó trở thành tên riêng (gọi cụ thể tên của một năm) nhưng "tuổi dần" thì "dần" đó có phải là tên riêng không nhỉ? Điều này em vẫn băn khoăn.
      Hôm em gọi cho một số nhà văn xứ Nghệ tham gia, có một nhà văn lão luyện có hỏi: "Vậy ban giám khảo gồm những ai? Em đã đọc tác phẩm của họ chưa?" Em bảo chưa, ông ấy cười: " Thơ văn là một món ăn, muốn món mình nấu được điểm cao thì phải biết khẩu vị của người chấm thích ăn thế nào!" Ôi trời, em thì chỉ nghĩ viết tham dự cuộc thi như một sự trải nghiệm, viết vì đã nhận lời với Om,thế thôi.

      Xóa
    2. Tôi vẫn nghĩ "trận bão năm Giáp Dần", là để chỉ một trận bão cụ thể vào một năm nào đó nên người ta mới viết hoa chữ Giáp Dần. Nếu ta nói tuổi hợi tuổi dần là xung khắc thì tôi thấy đúng, bởi "hợi", "dần" ở đây là chỉ chung những người tuổi này, không cần viết hoa. Nhưng "hợi", "dần" trong truyện của NT là để chỉ nhân vật có tên tuổi, "hợi" ở đây là anh con trai của bà Hai, còn "dần" là Quyên. Khi ta đã xác định được như thế, tôi nghĩ cần phải viết hoa "hợi" và "dần", cũng như gọi tên 2 nhân vật này vậy.

      Người ta nói cầu Ông Lãnh, Cầu viết thường để chỉ cây cầu do ông Lãnh binh Thăng xây, nhưng khi nói chợ Cầu Ông Lãnh thì chữ Cầu phải viết hoa vì khi đó chữ này là tên riêng rồi.

      Xóa
    3. Hì..., em lại nghĩ "con mình tuổi hợi sao lại rước cái của nợ tuổi dần kia về làm gì?" là không viết hoa đâu đấy.
      Còn chợ Cầu Ông Lãnh thì lúc này nó trở thành tên riêng của chợ rồi, bác Hiệp nhỉ?

      Xóa
    4. Quan điểm của em là tuổi Hợi, tuổi Dần là tên riêng của năm Hợi, năm Dần. Xuân, Hạ, Thu, Đông là tên riêng của mùa. Trái Đất, Mặt Trăng là tên riêng của hành tinh. Trường Cao đẳng Quỳ Hợp là tên riêng của trường, nhưng Trường cao đẳng (ko viết hoa) Quỳ Hợp thì là tên riêng của cái trường cao đẳng đó nên chữ cao đẳng ko viết hoa. Em lý giải thế, các bác thấy thế nào ạ?

      Xóa
    5. Nhưng "mùa xuân" có viết hoa đâu? Câu "Trái đất thân yêu lòng chúng em xiết bao tự hào" ngoài "Trái" viết hoa đầu câu thì "đất" viết thường? Theo quy ước, tên một đơn vị, tổ chức, giải thưởng...thì viết hoa chữ cái đầu tiên của cụm từ: Trường trung học phổ thông Quỳ Hợp.

      Xóa
    6. Quan điểm của riêng em thôi mà! Viết để in thành sách thì em buộc phải theo quy tắc chung, nhưng viết trên mạng, viết cho riêng mình thì em sẽ viết cái gì mình cho là đúng. Biết đâu mai mốt người ta lại viết theo em thì sao! Hehe!

      Xóa
    7. Mình đồng ý với quan điểm của OM . Tuổi của năm (Dần, Hợi...) hoặc thứ trong tuần - không dùng số đếm (thứ Hai., thứ Ba) ngày (mùng Bốn, mùng Năm), tháng ( tháng Năm, tháng Sáu), mùa ( Xuân, Hạ, Thu, Đông) đều phải viết hoa. Có những chữ ko quy định phải viết hoa hay viết thường nhưng thời đại hoặc hoàn cảnh thực tế của một trường hợp nào đó quy định viết cho phù hợp mang tính nhấn mạnh và phân biệt rõ rệt. Ví dụ như khi ta đọc hoặc nhắc liệt kê các ngày mùng một, mùng hai, mùng ba... Hoặc thứ năm, thứ sáu, thứ bảy... bình thường thì không cần viết hoa. Nhưng đã nhắc riêng đến một ngày, tháng, năm, mùa nào đó vào một bối cảnh cụ thể thì phải viết hoa rõ ràng....
      *Câu của Nhật Thành trong truyện ""con mình tuổi hợi sao lại rước cái của nợ tuổi dần kia về làm gì?". Nếu không viết hoa "hợi", "dần" là không đúng, dễ lẫn lộn vào những từ khác trong câu vì không có tính phân biệt.
      * Câu:- Con để dành phần này cho u.
      Và: - Con không muốn dành dật với em.
      Chữ "để dành" câu trên là tính từ và trạng từ nên "dành" viết "d" là đúng. Còn chữ "dành dật" ở câu dưới là động từ nên phải viết là "giành giật" (gi)...
      Đó là nói một số trường hợp cụ thể chứ thực ra tiếng Việt của ta dùng ngữ pháp và chính tả rất phức tạp và không thống nhất. Ví dụ như từ "giày xéo" là động từ thì "giày" viết "gi" là đúng. Nhưng từ "giày dép" là danh từ, sao "giày" lại viết "gi" mà "dép" lại viết "d"... Rắc rối quá!... Hihi...

      Xóa
    8. Dành/Giành, Dày/Giày... không phụ thuộc vào việc nó là danh từ hay động từ. Xét về mặt nào đó, "để dành" cũng là động từ đấy chứ ạ! Quy ước chính tả cho các từ này có từ lâu rồi, và mình bắt buộc phải tự nhớ thôi, anh Quang Thứ.

      Xóa
    9. Chẳng có một sách nào trong nhà trường dạy bài bản về vấn đề này cả, đây chỉ là qui ước theo thói quen thôi anh Quang Thứ ạ. Vậy nên NT mới nói lúc đầu có thể trái mắt: kiểu như "Em không dành dật của anh." "Tôi đi dày ba ta" v.v...nhưng lâu dần cũng sẽ thuận mắt.
      Còn khi đã nói tuổi dần, tuổi hợi thì dần và hợi không gọi là tên riêng, nếu viết hoa thì do ý chủ quan của người viết chứ không phải do qui định.

      Xóa
    10. "Còn khi đã nói tuổi dần, tuổi hợi thì dần và hợi không gọi là tên riêng, nếu viết hoa thì do ý chủ quan của người viết chứ không phải do qui định".

      Cái này thì đồng ý với NT, và cũng đồng ý luôn cả với OM và bác Quang Thứ khi muốn viết hoa Tý, Sửu, Dần, Mẹo... Hì hì hơi... ba phải.

      Khi tôi nói bên trên là NT nên viết hoa Dần, Hợi, có viện mấy lẽ. Thứ nhất là viết hoa Dần, Hợi, để nhấn mạnh cái "xung" (xung khắc) tứ hành xung mà ông bà ta thường nói "Dần, Thân, Tỵ, Hợi" (hoặc dần, thân, tị, hợi tứ hành xung), cũng là nhấn mạnh cái ý xung khắc của bà mẹ chồng trong tuổi Dần, tuổi Hợi. Thứ nhì là Dần, Hợi ở đây là để chỉ những nhân vật cụ thể, có thể coi như thay cho tên thật của họ. Tôi nghĩ đấy cũng là một "thủ thuật" trong việc viết lách nói chung.

      Còn viết như NT thì đâu có sai về mặt quy định của ngữ pháp.

      Xóa
    11. Thì đúng là vậy mà bác Hiệp. Như nhà thư QT ấy, thơ thì viết "mùa Xuân" nhưng lời còm lại viết "mùa xuân".

      Xóa
  15. Thông báo của BTC cuộc thi vào 19h28 ngày20/12/15:
    Các anh chị thân mến, nhận được sự đóng góp nhiệt tình này thật sự là điều quý báu dành cho BTC cuộc thi, và một lần nữa rất mong các anh chị sẽ tiếp tục đồng hành cùng VNP+. Hiện nay do cuộc thi đã đóng lại, tất cả lịch trình đăng tải bài cũng đã được thống nhất theo BTC nên AD xin phép các anh chị là vẫn giữ lịch trình cũ (tiếp tục đăng 40 bài, và sau đó sẽ có tổng kết) để không xáo trộn kế hoạch đã được thống nhất từ ban đầu. AD thật sự biết được các anh chị đang rất muốn được xem Top 10, AD cũng giống như vậy trong thời gian vừa qua. Nhưng kế hoạch đã lên, AD không thể thay đổi nên mong các anh chị sẽ cùng AD mình chờ đợi thêm một chút xíu thời gian nữa thôi nha.
    Một lần nữa cám ơn các anh chị và chúc các anh chị cùng gia đình có một năm mới ngập tràn niềm vui và may mắn!
    [ ADMIN ]
    Vậy là chưa tổng kết sao ta? Thế đêm 28/11 thì tổng kết gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy BTC cuộc thi này có vẻ lung tung quá!

      Xóa
    2. Đính chính lại là thông báo vào 19 h 28 ngày 29/12 nha.

      Xóa
    3. Cho em cái link để lúc nào rảnh em sang đọc các truyện khác. Hôm trước em vào được, hôm nay lại quên mất đường

      Xóa
    4. Truyện khác là truyện nào cơ? Nếu trong trang chị thì em chỉ việc vào gu gồ gõ HƯƠNG NGÀN là được. Còn nếu các truyện dự thi đề tài này thì chị cũng đang tìm. Hiện mới đọc của chị KHÁU LÃO HAM CHƠI và của anh Trần Quang Thiệp ở bên PB.Truyện của Trần Quang Thiệp có cách kể hấp dẫn nhưng tiếc rằng đề cập đến H còn quá ít. Truyện chủ yếu ca ngợi ông chủ quán thịt chó làm ăn phát đạt, hay làm từ thiện. Phần kết ong ấy bị đứt tay chảy máu vừa lúc có một thằng nghiện tai nạn trước quán, anh ta ra đưa đi bệnh viện và biết được người bị nạn nhiễm HIV. May mà sau đó đi xét nghiệm thì ông chủ quán đó không bị lây. Thế thôi.

      Xóa
    5. Hôm trước, tự nhiên mò mẫm thế nào, em vào trang FB có đăng các truyện ngắn tham dự cuộc thi. (Lúc này, cái link chị cho đã ko vào được, và anh Quang Thứ cũng xác nhận là ko vào được, nhưng ko hiểu sao em lại vào và thấy có ít nhất cả chục truyện ở đó)

      Xóa
    6. Cái link vào chỗ có thể lệ cuộc thi ấy bây giờ không vào được, đường link Phạm Hoài Nam cóp cho chị cũng chỉ thông báo: trang này không tồn tại! Mọi hôm chị vào và có đọc một số câu chuyện chứ chưa phải là truyện ngắn. Giờ thì chịu rồi.

      Xóa
    7. Em tìm thấy rồi, vào trang chủ của họ, họ có làn lượt đăng tải các truyện ngắnhttps://www.facebook.com/vnpplus/

      Xóa
    8. Tối qua chị bận chấm bài học kì. Sáng nay tranh thủ vào trang em chỉ dẫn và mới đọc vài truyện. Để lúc rảnh đọc tiếp xem có gì hay ho ở những truyện khác không đã nha.

      Xóa
  16. 1- Bu tui chưa được đọc nội dung thể lệ cuộc thi “HIV và bạn” nhưng chắc chắn BTC muốn qua cuộc thi này làm cho mọi người không kì thị xa lánh với bệnh nhân HIV, mà gần gũi giúp đỡ họ trong mọi mặt của cuộc sống. Sự quan tâm chia sẽ của cộng đồng sẽ là nguồn động viên với bệnh nhân HIV, giúp họ không quá tuyệt vọng mà sống lạc quan hơn, yêu đời hơn.
    2- Với nội dung và yêu cầu như vậy thì các truyện ngắn dự thi “HIV và bạn” phải làm nỗi bật lên tình thương yêu của cộng đồng. Nó như một nguồn sáng giữa những mảng tối của kì thị, của dị đoan cổ hủ, của thói dửng dưng trước nỗi đau đồng loại. Nói vậy để thấy sự thông cảm và yêu thương Quyên của Hùng là trụ cột của câu chuyện. Ở đây tác giả lại theo thi pháp cổ điển, dàn đều tình tiết theo thứ tự thời gian. Thoạt đầu là sự căm uất của bà Hai, với bà, Vũ chết là do cái tuổi dần của Quyên khắc với tuổi hợi của Vũ. Bà đuổi Quyên ra khỏi nhà, cô bế con về nhà em trai lại bị cô em dâu xét nét vì dư luận cho rằng Quyên đã nhiểm HIV. Đến khi biết chắc mình bị HIV thì Quyên quẩn trí muốn kết liễu đời mình cho nhẹ nợ. Chưa kịp nhảy xuống sông thì Hùng xuất hiện, đưa Quyên về, cô trở thành vợ của Hùng.
    3- Cái đinh của câu chuyện là tình yêu sét đánh của Hùng với Quyên. Anh chàng này định sống độc thân cho đến hết đời. Tất cả tâm lực của Hùng là xoay xở công việc cho những người bệnh như mình có việc làm, có thu nhập để sống. Nhưng Quyên xuất hiện làm thay đổi ý định của anh ta. Sự chuyển hướng tình cảm này là một quá trình, một chuỗi dài ngày tháng, để người nọ tìm thấy mình trong người kia. Đến độ không có người kia hì mình không còn là mình nữa. Lý giải được tâm trạng này của Quyên và Hùng cho thấu đáo sẽ làm rõ được tính văn học của truyện ngắn. Nhận xét về quan hệ Hùng Quyên bạn Song Thu nói “từ chỗ Quyên gặp H ấy mình cứ có cảm giác gượng gạo”. Bạn Om cùng có ý kiến như Song Thu chỉ diễn đạt khác “để người đọc không cảm thấy có gì đó giả giả, gượng gạo thì nhân vật vẫn cần phải có những diễn biến tâm lý. Ở đây, ta thấy cả đôi nam nữ này đều phơi phới hạnh phúc, dường như họ quên hẳn cái con Sida đang ở trong người”. Nhà giáo Đỗ Đình Tuân có nhận xét ngắn nhưng vô cùng xác đáng "nếu xem đây như một sáng tạo nghệ thuật thì chưa thể bằng lòng. Bởi lẽ truyện viết còn giản đơn, nặng nề, thiếu tinh lọc và chưa đủ độ thấm”
    4- Theo cách lập luận trên của bu thì câu chuyện nên bắt đầu từ khi Hùng gặp Quyên ngay khi cô sắp lao xuống sông. Thoạt đầu Hùng chỉ thuần túy làm cái việc cứu người. Tiếng sét ái tình chỉ bùng lên sau một thời gian Hùng tiếp xúc với Quyên. Những tình huống mà tác giả đã dàn trải theo trình tự thời gian sẽ được hiện lên trong hồi tưởng của Quyên, hoặc trong chuyện kể của cô với Hùng. Như vậy các mảng tối kia sẽ là cái phông cho tình yêu của Hùng càng thêm bừng sáng.





    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều hết sức quí qía ở làng Blogspot chúng ta nói chung và ở trang Hương ngàn nói riêng là sự chân thành và chu đáo của mọi người trong lời nhận xét, chia sẻ, không khen giả vờ hay góp ý chiếu lệ như bên Phây.
      Mỗi bài viết,nhất là tác phẩm văn chương của NT đều được mọi người mổ xẻ một cách cẩn thận với mong muốn tác giả có thêm những kinh nghiệm để viết tốt hơn ở các tác phẩm sau. NT thật sự biết ơn mọi người và luôn cố gắng để hoàn thiện mình.
      Riêng ở truyện này thì em cũng đã trăn trở nhiều khi đặt bút. Nó khó ở chỗ là phải viết theo định hướng,và chính theo định hướng của cuộc thi nên chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những gò ép. Em đã thử bắt đầu bằng nhiều cách: Bắt đầu từ đêm biểu diễn văn nghệ với bài hát "Ba ngọn nến lung linh", bắt đầu bằng chi tiết Quyên được cứu, bắt đầu bằng niềm vui vỡ òa của đôi vợ chồng có H khi nhận phiếu xét nghiệm âm tính với HIV của bé Ngân...nhưng cuối cùng em chọn cách kể truyền thống, theo trình tự thời gian. Cọn nhiều vấn đề khác nữa em rút ra được sau khi đọc các truyện ngắn dự thi khác.

      Xóa
    2. Ui trời, mọi người vào trang ni cứ mê mải luận bàn về truyện dự thi của Nhật Thành nên quên bẵng mất việc chú mừng em tôi nhân dịp giáng sinh và năm mới zùi.
      Song Thu mở hàng cho lời chúc đầu năn nha:
      Chúc em mãi mãi trẻ xinh
      Văn hay, luận giỏi gia đình an khang
      Hương thơm bay khắp non Ngàn
      Các con ngoan giỏi lại càng đáng yêu!

      Xóa
    3. Em cảm ơn chị gái yêu quí!
      Cành đào đã nẩy chồi non
      Trong se lạnh, sợi nắng luồn như tơ
      Thêm năm, thêm tuổi, thêm già
      Nhưng văn thơ vẫn nở hoa sáng bừng!
      Chúc anh chị mãi yên lành
      Tình yêu như tuổi xuân xanh ngày nào!

      Xóa
  17. Có lẽ ở đời "người như mình xưa nay hiếm", hiếm không phải theo khuynh hướng giỏi giang tài ba; mà là hiếm ở cái lập dị. Ở đời người ta thường ứng với "Văn mình - Vợ người; người ta làm thơ, viết văn để đăng báo, in sách kiếm tiền không chí ít cũng là để lấy danh. Còn mình làm thơ viết văn để khuây khỏa nỗi buồn và để chữa căn bệnh trầm kha mặc cảm. Nhiều bạn thơ động viên mình gửi thơ, truyện cho các báo, gửi thơ đi thi mình đều vân dạ rồi thôi. Ấy vậy mà cũng có hai lần mình gửi thơ đi thi. Một lần ở cấp CLB xóm về đề tài khuyến học lần này được giải khuyến khích trị giá giải thưởng 100.000 đồng VN. Lần hai ở CLB cấp khá hơn thì không được giải ấy vậy mà mình chả buồn tý tỵ ty nào mới hay chứ. Chẳng qua mình đã thấm nhuần câu: Muốn đuổi khách ra khỏi nhà/Đọc thơ được giải họ ra tức thì. Mình được các bạn thơ cho đọc các bài thơ được giải đợt ấy thì nghiệm thấy tác giả câu thơ trên tài thật. Chớ buồn Nhật Thành nhé!
    Hì hì hì cặp vợ chồng trong truyện này trùng tuổi với cả hai vợ chồng mình, chỉ khác là mình vẫn còn sống khỏe mạnh, vẫn làm thơ, vẫn yêu đời và vẫn.... . Nhưng hiện nay mình cũng thấy"thèm đất, thích nghe kèn" rồi. Hôm rồi về quê dự đám tang, mình đã giáp mối với phường bát âm đến thổi cho một ngày; mình nằm trên giường mặc áo đỏ nghe chơi (Vì ở quê nhà không có ai ở). Đến khi lâmm chung mình cóc cần phường kèn nữa, Nhật Thành thấy thế nào? À mà này, mình thì không tin nhưng mình thấy không dưới chục cặp tuổi tác như vậy chồng ra đi rất sớm, kể cả anh ta giỏi và thành đạt.
    Còn về truyện này mình thấy Nhật Thành vẫn viết theo mô tuýp cũ hơi tùy tiện. Nhất là cái nút khi chi ta chuẩn bị rời tay trẫm mình xuống sông. Hùng H không thể không bối rồi khi tiếp cận với nạn nhân. Đoạn này NT nên thêm đôi dòng miêu tả diễn biến tâm lý của anh ta. Khi đã yên vị trên xe thì cuộc hội thoại như thế là rất hay và đúng với phong cách của người từng trải.
    Túm lại mình thấy OM nhận xét đúng và chân tình.
    Tiện tay cầm dùi, đứng gần trống võ vài phát cho NHÀ SẤM nghe chơi - Đúng sai mặc kệ nhé!
    Hì hì hì có tức thì cũng phải nhận lời chúc này nhé!
    Sang năm mới xin chúc Nhật Thành có nhiều tác phâpr văn xuôi hay, nhiều thi phẩm tuyệt cống hiến cho bạn Blog. Chúc hai cháu mạnh khỏe chăm ngoan, học giỏi.
    Thân ái: Hải Thăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói gì thì nói, khi tham dự một cuộc thi nào đó mà mình không được giải có nghĩa là mình còn kém, anh Hải Thăng ạ.Nhưng biết mình kém để cố gắng chứ không phải để buồn.Với em viết văn trước sau cũng chỉ là làm cho đời sống tinh thần của mình phong phú hơn thôi, không phải là nghề.
      Em đã từng biết một anh Hải Thăng tự làm thơ điếu mình, giờ lại biết thêm anh đã nằm nghe tiếng kèn đám ma cho mình. Anh là con người đặc biệt đấy.
      Còn nhân vật Hùng chẳng có gì bối rối cả, vì anh ta không phải lần đầu tiên nhìn thấy những người vì tuyệt vọng phải tìm đến cái chết, chắc chắn thế! (Hì, em cũng bảo thủ đến cùng chứ anh tưởng ngoan lắm à?)
      Cảm ơn lời chúc đấu năm mới của anh. Mẹ con em sẽ cố gắng sống thật vui vẻ.

      Xóa
    2. Thì anh ta không bối rối, mình bắt anh ta phải bối rối có sao đâu.
      Nói thật nhé: Mình mà làm giám khảo cũng sẽ không cho giải truyện này. Vì sao?
      Vì: Tương lai sán lạn của các nạn nhân mắc bệnh thế kỷ tươi đẹp như vậy thì chả dại gì mà mình không thoải mái đi. Cũng như mấy cậu thất nghiệp phạm tội đi tù, khi mãn hạn được bố trí công việc í! Trong khi đó những người ngoan, học giỏi có bằng cấp thì lại thất nghiệp hoặc tốn kém tiền của mà không có việc làm.
      Hà hà hà nói vậy cho vui thôi còn ối cái bất công Nhật Thành ạ.
      Nhớ điều này cho nhé: Cấm không được lấy tình tiết nằm nghe khè đám ma mình đưa vào truyện đâu đấy. Mình đã ấp ủ tình tiết này trong một truyện ngắn rồi đấy. Há há há cứ lo xa vậy vẫn hơn.

      Xóa
    3. Anh Hải Thăng nghe dự định viết truyện lâu lắm rồi đấy. Nhanh lên không em đóng blog không vào để đọc của anh nữa đâu!

      Xóa
  18. Ôi lại thêm một bài nữa rất xôm tụ và trong lành. Chị NT, em tán thành ý kiến của chị OM về phần hai của truyện ngắn này. Hihi. Em đọc hết phần 1, đang ... phê phê thì đến phần 2 hơi bị hẫng. Hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khiếp, hoe Vy tụt xuống dưới này chị không nhìn thấy.Chị đã nói rồi mà, viết theo các cách khác nó dài. Lần sau rút kinh nghiệm vậy. Hoe Vy theo đường link Om chỉ trên vào đọc các truyện khác về chủ đề này nhé. Họ đăng khá nhiều truyện dự thi nhưng chị mới ưng mỗi truyện ngắn ĐỒNG HOANG.

      Xóa