Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

CHUYỆN XƯA ...



  Đó là vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Mới đó thôi mà tưởng như xa lắc xa lơ tự thuở nào! Tưởng xa lắc bởi câu chuyện tôi sắp kể ra đây có thể mọi người cho rằng nó diễn ra đâu từ ngày xửa ngày xưa…
Hồi đó, kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở đang là kỳ thi cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ gây ra những căng thẳng, những bức bối, những phiền toái mà còn rất tốn kém, rất mất thời gian. Các em học sinh lớp chín phải đối mặt với hai lần thi: thi tốt nghiệp cấp hai và thi lên lớp 10. Để hạn chế những tiêu cực có thể xẩy ra trong thi cử, sở GD đã quyết định đổi Hội đồng coi thi trong toàn tỉnh. Ví dụ Quỳnh Lưu lên coi thi ở Quỳ Hợp, Quỳ Hợp coi thi ở Yên Thành, Yên Thành coi thi ở Nghĩa Đàn v.v…
Năm đó chúng tôi coi thi tại điểm trường Phan Đăng Lưu (Yên Thành). Hội đồng khoảng năm chục người hành quân từ Quỳ Hợp lúc sáng sớm. Chiếc xe khách 50 chỗ ngồi với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Khí thế lắm! Sôi nổi lắm!
Xe đỗ trước cổng trường. Có mấy bóng phụ huynh, học sinh lấp ló. Chúng tôi nghĩ chắc đây là những người được phân công đến đón thầy cô về nhà trọ. Nhưng không! Họ chỉ đứng nhìn lom lom rồi chỉ trỏ, cười khúc khích:
- Eo ơi, dân tộc không mặc mấn bây ạ. Họ mặc quần hết tề!
- Nhìn kĩ đi, họ còn đánh phấn nữa bay tề!
- Trời, bây coi, mấy ngài tê còn đi guốc cao gót nữa chơ! Khiếp chưa, đi a rứa thì mần răng mà leo rú bây hề?
- Dân tộc cụng biết ăn mặc như ngài kinh hề.
Hóa ra dân quanh đây nghe nói các thầy cô Quỳ Hợp về coi thi nên tò mò đến “coi quân dân tộc hấn a răng”!
Ngồi la liệt nơi sân trường khoảng gần tiếng đồng hồ, chúng tôi mới thấy một cán bộ địa phương phóng xe đến:
- Bi dừ a ri, việc ăn ở thì hơi phiền một chút thầy cô ạ. Từ đây vô trong làng mất khoảng hơn hai cây số, các thầy cô chịu khó đi lại. Đường sá đây bằng phẳng chơ khung phải lội suổi trèo đèo như trên nớ. (Tức là Quỳ Hợp). Lưa ăn uống thì a ri: dừ đưng ngày mùa, họ đi gắt đến trưa ngay túi buổi, thầy cô nhờ họ nấu nướng cụng khó. Chi bằng ta ra quán, quán xá đây được cấy sặn chơ khung phẩy như trên Quỳ Hợp, coi thi xong ra đó ăn rồi về trong dân mà nghỉ.
Thầy trưởng đoàn, đồng thời là chủ tịch Hội đồng coi thi, nhẹ nhàng:
- Thưa đồng chí, chúng tôi về đây làm nhiệm vụ coi thi, một công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng, bài bản. Việc mượn nhà ở như thế tôi e rằng sẽ ảnh hưởng đến giờ giấc làm việc vì đi lại quá xa, việc đặt ăn ngoài quán chắc chắn không đảm bảo sức khỏe vì độ an toàn thực phẩm. Vậy nên tôi xin có ý kiến thế này: Nếu địa phương không mượn được nhà dân ở quanh trường, chúng tôi sẽ ghép bàn ghế lại, tá túc ngay trong trường. Về ăn uống, chúng tôi sẽ góp tiền thuê người nấu ăn cho hội đồng. Chúng tôi về đây là về công tác theo điều động của sở giáo dục, công việc coi thi “quyền rơm vạ đá” nên không dám khinh suất!
Hóa ra, nguyên nhân các gia đình quanh trường không cho mượn nhà trọ là vì “quân dân tộc ăn ở bẩn lắm, mà nghe nói lại hay có thuốc độc, hay có bùa ma chi đó. Sợ lắm, khiếp lắm, đừng cho họ vô nhà!”
Khi chúng tôi đi vào từng nhà dân để thuyết phục họ cho ở, nhiều người ngạc nhiên:
- Ô, nghe giọng các cô có vẻ như cũng người Kinh hề?
Chị Thu Việt – ngài Quỳnh Lưu chính hiệu – đáp:
- Các cô các thầy đây chủ yếu người dưới xuôi lên dạy ở Quỳ Hợp mà. Quỳnh Lưu có, Yên Thành có, Hưng Nguyên có, Đô Lương có…
- À, tui hiểu rồi. Các cô lên trên rú dạy học rồi lấy chồng dân tộc và ở luôn trên rú à?
Mọi người nhìn nhau cười.
Chỗ ở coi như ổn. Còn ăn uống chúng tôi vẫn phải ra quán.
Theo lời ông cán bộ địa phương thì là “quán ở đây sặn chơ khung phẩy như trên Quỳ Hợp”. Nhưng trong khi ở Quỳ Hợp, nhà hàng, quán xá chi chít chen nhau như nấm sau mưa thì ở đây, dọc đường gần trường, chỉ có mấy cái quán sơ sài, phía góc quán họ quây một cái chuồng nhốt vịt, ai có nhu cầu vịt luộc, mì tôm thịt vịt, vịt nấu xáo…thì gọi. Ngồi ăn thịt vịt, tận hưởng thêm mùi tanh tanh, thum thủm, nồng nồng của hỗn hợp khí do kết hợp phân, lông, lòng, tiết…từ khu nhốt và làm thịt vịt đưa đến, kể cũng có những đặc trưng khó lẫn với vùng quê khác!
Cơ khổ cho những cái bụng dân miền núi chưa thích nghi với đặc sản thịt vịt nơi đây! Rất nhiều giáo viên khi coi thi phải ôm bụng chạy vì Táo Tháo đuổi!
Thầy Hựu coi thi cùng phòng với tôi, thấy tôi mặt tái xanh tái xám, lắp bắp: “ Thầy…coi hộ em… em…” rồi ôm bụng thì vừa cười vừa bảo: “ Thôi, đi nhanh đi không ra cả quần!” . Sau khi …xong xuôi, tôi ngắt một nắm lá bơm bớp, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, vì thế thời gian còn lại tạm yên. Thầy Hựu nheo nheo mắt:
- Nhật Thành có cảm nhận chi về nơi đây không rứa?
Tôi ghé tai thầy:
- Ngồi trong nhà xí, em chợt nẩy ra mấy câu.
- Đọc đi mồ!
- “ Đến đất Yên Thành bụng bất yên
Nhấp nha nhấp nhổm dạ thêm phiền!
VỊT ĐẠI chưa ăn đà vại…
CÁ RÔ chưa nhắm đã cố ra!”
Thầy cười to, vừa lúc thanh tra đi qua, cuối buổi họp rút kinh nghiệm, phòng tôi bị nhắc nhở là coi thi thiếu nghiêm túc!
Lại nói tay thanh tra, anh ta là giáo viên cấp 3 của huyện Nghi Lộc được cử đến thanh tra thi ở điểm Phan Đăng Lưu, còn rất trẻ. Gã ra oai ngay từ phút đầu, hầm hầm hổ hổ đi dạo liên tục các phòng, phòng nào cũng dừng lại nhắc mấy câu. Học sinh sợ xanh mang. Thế nhưng khi có người có ý kiến là thanh tra đi nhiều quá, gã lên giọng:
- Tại tôi sợ các đồng chí ở trường miền núi thiếu kĩ năng coi thi, buông lỏng cho thì sinh, rồi vi phạm qui chế thi nên buộc phải dạo nhiều vòng để nhắc nhở.
Thầy Hựu thủng thẳng:
- Tôi thấy đồng chí mới là người vi phạm qui chế thi!
Gã nhìn người thầy giáo già với mái tóc bạc phơ, hơi chợn một tí, nhưng rồi chỉ tay vào mặt thầy:
- Tại sao đồng chí ăn nói hàm hồ thế? Tôi nghĩ đồng chí có tuổi rồi, cũng nên nói năng cho nó nghiêm túc!
Thầy Hựu là người Hưng Nguyên, xung phong lên công tác ở Quỳ Hợp từ thời mới thành lập huyện. Thầy từng kinh qua nhiều chức vụ, trong đó có nhiều năm làm thanh tra của ngành. Thầy lại từ tốn:
- Tôi tính để đồng chí nghe: môn Vật Lý thi 60 phút, đồng chí dừng lại ở mỗi phòng ít nhất 5 lần, mỗi lần 5 phút, vị chi là mất gần nửa thời gian làm bài, chưa kể việc đồng chí dạo vào trong phòng thi gõ giày cồm cộp, lôi thẻ học sinh em này ra kiểm tra, lôi giấy nháp của em kia ra đọc, làm thí sinh mất tập trung, mất bình tĩnh. Tôi hỏi như thế có phải đồng chí vi phạm qui chế không?
Gã cứng họng, nhưng cũng nói vớt vát:
- Tôi được sở giao nhiệm vụ thanh tra nên cũng chỉ là vì sự nghiêm túc của kỳ thi thôi. Đã cầm đến dùi thì phải đánh, biết làm sao?
Chủ tịch đành đấu dịu:
- Thôi, chúng ta cũng nêu ra để rút kinh nghiệm, đừng lời qua tiếng lại thêm căng thẳng!
Kết thúc 3 ngày coi thi với nhiều kỉ niệm đáng nhớ ( còn nhiều chuyện cười ra nước mắt nữa nhưng kể ra dài dòng), trước khi lên xe về “rú”, tôi tặng đồng chí thanh tra mấy câu thơ:
“ Một khúc nân nân gọi là dùi
Gặp trồng dương oai khua khỏe thay
Dứt tiếng cuối cùng im như thóc!
Đánh mãi chẳng mòn, chỉ trơn thôi!”
Gã đỏ mặt: “Cô cũng thật là…”


Lưu lại đây làm kỷ niệm những năm cuối nghề dạy học!

1 nhận xét: