Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

CHUYỆN CỦA CHIẾC VÁY HỒNG



 Sáng chủ nhật đẹp trời, tôi được đem trưng bày trong tủ kính của một cửa hàng quần áo sang trọng. Tôi cảm thấy mình thật nổi bật bởi màu hồng tươi tắn và một dáng hình mềm mại thướt tha. Từ trong tủ kính, tôi ngắm nhìn thỏa thích người qua kẻ lại. Nhiều người liếc mắt nhìn tôi đầy thiện cảm. Cũng đúng thôi! Tôi xinh đẹp, sáng sủa, gọn gàng đáng yêu thế này cơ mà! Đâu cục mịch cù mì như mấy gã quần bò đứng bên kia, cũng không lôi thôi luộm thuộm như mấy chị váy dạ hội dài lết bết bên này.
   Bỗng một cô bé  đặt gánh rau xuống, dừng lại ngắm nghía! Trời ạ, sao cô bé ăn mặc cẩu thả thế? Nhìn kìa: cái quần xỉn màu, ngắn cũn cỡn không che hết đôi chân khẳng khiu đen đúa, cái áo rộng thùng thình, lem nhem những mủ chuối, mủ rau. Khuôn mặt cô bé gầy, đen xạm, mái tóc vàng hoe, cột vểnh lên như đuôi con gà trống choai! Duy chỉ có đôi mắt là rất sáng, rất trong. Đôi mắt ấy nhìn chăm chắm vào tôi với vẻ thèm muốn, ước ao. Trong lòng tôi vừa  hãnh diện, tự hào nhưng vừa lo lắng, sợ hãi. Nếu cô bé mua tôi thì sao? Chẳng lẽ vóc dáng xinh đẹp, kiêu sa, quí phái của tôi lại gắn với thân hình còm cõi, gầy gò kia sao? Tôi khẽ rùng mình… Cũng may, cô bé chỉ đứng ngắm một lát, ngó vào giá tiền rồi quảy gánh rau  cất bước. Trước khi đi còn ngoái lại nhìn tôi với một vẻ luyến tiếc không muốn rời.
  Tôi đang lén nhìn theo cô bé với một nỗi cảm thông … đãi bôi thì bất chợt bị lột ra khỏi ma-nơ-canh:
-         Chị và cháu xem chiếc này này. Phải nói là hết chê! Trời! Cháu xinh xắn mũm mĩm như thế mà mặc cái váy này thì khác nào thiên thần! Nói thật, tiên cũng còn thua ấy chứ!
  Trước mặt tôi là một người phụ nữ . Chiếc váy đỏ chói chang trên người cô ấy chỉ đủ che một phần cơ thể, để lộ ra đôi chân dài  nuột nà, đôi tay trần mát rượi. Rồi cổ…Rồi ngực… Cứ là  mịn như men sứ. Phía sau, một cô bé cũng trắng nõn, cũng mịn màng, cũng mát rượi. Cô bé mặc chiếc váy ren trắng, mắt tròn, má tròn, miệng tròn, trông xinh như búp bê!
-         Con thích chiếc này không?
Đôi mắt cô bé nhìn tôi một cách hờ hững:
-         Ở nhà con đã có bao nhiêu là váy, mẹ cứ mua thêm làm gì.
-         Con mặc thử xem.
 Cô bé ngúng nguẩy, dẩu đôi môi đỏ hồng nũng nịu:
-         Nãy giờ thử bao nhiêu cái, con mệt chết đi được.
-         Thì thôi, nhờ chị gói cho tôi cái này.
 Rồi cô cúi xuống thủ thỉ:
-         Con phải thật lộng lẫy trong đêm sinh nhật mới được.
   Cô rút ví. Ngón tay thon thả với những chiếc móng sơn đỏ chót gẩy nhẹ mấy tờ po li me mới cứng trong tập còn nguyên sê-ri, những tờ tiền chưa hề vướng giọt mồ hôi…

Tối.
 Phải nói là tôi đã sung sướng biết bao, hạnh phúc biết bao khi được khoe sắc trong buổi tiệc mừng sinh nhật cô bé tròn mười tuổi. Tiếng chúc mừng, tiếng cụng li, tiếng nhạc, tiếng hát cứ là rộn ràng, inh ỏi, tưng bừng… Cơ man nào là quà, là hoa.
-         Chúc bé Mai luôn xinh đẹp, học giỏi! Nào, chúc mừng sinh nhật! - Một chú ấn vào tay bé cái phong bì, mắt liếc nhanh về phía người bố đang khui chai rượu ngoại.
-         Cháu giống mẹ nên xinh là đương nhiên rồi, chị Như nhỉ? Cô cũng mừng sinh nhật cháu này – Một cô vừa đưa phong bì vừa cười duyên dáng.
-         Xinh như mẹ, thông minh như bố, sau này bé còn tiến xa, đúng không anh chị? – Một bác bóng bẩy trong bộ com lê tiếp lời và đặt chiếc phong bì lên bàn – Đây là quà sinh nhật cho hoa hậu tương lai của bác này.
  - Trời ạ, các cô các chú cứ bày vẽ... Anh chị cảm ơn tấm lòng của các cô các chú nhá. – Cô Như cười rạng rỡ, liếc nhìn chồng đang lần lượt rót đầy những li rượu. Mùi rượu ngoại cứ dịu dịu, cứ mơn man làm tôi ngây ngất. Phong bì vẫn tiếp tục được đặt trước mặt cô chủ của tôi với những lời chúc có cánh.  Cô chủ cứ dửng dưng, không vui cũng chẳng buồn. Không vui, bởi trong ngày sinh nhật mà chẳng có đứa bạn  nào đến (hay không dám đến?). Không buồn, bởi cô được mọi người quan tâm, săn sóc, chúc mừng. Tôi nghĩ thế và liếc nhìn đám áo váy đang bị nhốt im lìm trong tủ kia với một sự kênh kiệu không thèm dấu giếm!
 
 Ngày hôm sau.
-         Dọn dẹp nhà cửa rồi giặt chậu đồ trong nhà tắm nhé. –  Cô Như nói trống không .
-         Vâng, chị biết rồi ạ.-  Bác giúp việc nhỏ nhẹ.
-         Nhớ giặt tay, đừng giặt máy hỏng hết đồ đấy. – Lời nói lẫn trong tiếng xe nổ máy và bị gió vuốt ngược trở lại khi chiếc xe phóng đi.
  Bác giúp việc lôi chậu đồ ra khỏi nhà tắm. Tôi nằm chung với những váy, những áo, những quần, những đồ lót, những khăn, những mũ,…trong chiếc chậu to đùng đoàng.  Sau khi xả nước vào chậu cho ướt hết, bác cẩn thận rưới nước giặt vào, thứ nước  thơm lừng, tan nhanh, thấm vào từng thớ thịt, làn da chúng tôi. Tôi có cảm giác hơi xon xót nhưng sau đó dịu dần. Một lát, sau khi  lau dọn  phòng khách bừa bộn đêm qua, bác quay lại chậu đồ. Bỗng bác trố mắt, hốt hoảng:
-         Thôi chết rồi! Chiếc bút bi! Biết làm sao đây?- Bác lẩm bẩm, giọng như sắp khóc, cầm chiếc bút bi quẳng ra ngoài.
 Bác giơ tôi lên. Một vệt mực đen in rõ trên làn da hồng tươi của tôi! Vò, chà, xát. Tôi đau điếng đến trào nước mắt. Lại ngâm xà phòng, lại vò, lại chà, lại xát. Tay bác đỏ tấy lên, nhưng vết mực chẳng mờ đi được là bao.
 
  Cuộc đời ta thường có những khúc quanh, những lối rẽ mà nhiều khi ta không thể lường trước. Mỗi khúc quanh, mỗi ngã rẽ nó làm thay đổi số phận của mình. Bởi thế, chẳng ai biết được đời mình là sướng hay khổ, may mắn hay bất hạnh, giàu hay nghèo nếu chưa đi hết con đường số phận!  Và tôi cũng vậy.  Buổi trưa hôm đó, cuộc đấu khẩu giữa mẹ cô chủ và bác giúp việc đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
-         Khi giặt, chị phải kiểm tra chứ! Cả một cái bút bi mà không thấy là sao?
-         Chị xin lỗi! Tại chị thiếu cẩn thận…
-         Xin lỗi! Xin lỗi mà được sao? Cái váy bằng cả tháng lương của chị đó, xin với chả lỗi!
-         Dạ, chị biết…nhưng giờ có nói gì thì…thôi, lần sau chị…
-         Có lần sau nữa sao? – Người mẹ kéo dài giọng – Đợi đến lần sau thì chị còn làm hỏng bao nhiêu thứ vì cái cẩu thả, luộm thuộm của mình!
-         Dạ…
-         Không dạ với vâng gì cả - chị ta vừa xịt keo lên mái tóc bồng bềnh vừa gay gắt – tiền lương tháng này của chị coi như đền cái váy.
-         Em ơi! – giọng bác giúp việc vữa ra trong nước mắt -  xin em rủ lòng thương…  con chị…
-         Thôi thôi! Thời buổi này cái gì nó cũng sòng phẳng, ngay cả anh em cũng khó nói chuyện tình nghĩa, nhé. Nếu thấy thiệt thòi thì chị cầm lấy cái váy, coi như tôi trả tiền công cho chị. Thế là được, chứ gì?
 Bác giúp việc quẹt nước mắt:
-         Thôi, cảm ơn em. Chị không dám…cái váy dù sao cũng còn mới…
 Người mẹ không ngoảnh lại, tô thêm mấy đường son vào cặp môi đỏ mọng rồi lạnh lùng:
-         Chị cầm về cho con nó mặc.  Để đó con bé  nhà em nó cũng không mặc nữa đâu! Chị không cầm, em cũng vứt.
 Tôi ra khỏi ngôi biệt thự sang trọng mà không kịp nói lời tạm biệt cô chủ  của tôi, bởi buổi trưa cô bé ăn tại trường để chiều học tiếp.
  Tối đó, tại ngôi nhà nhỏ của chị giúp việc, tôi bất ngờ gặp lại cô bé có đôi mắt rất sáng, rất trong kia. Khó có thể diễn tả được niềm vui sướng hạnh phúc ngời lên trong ánh mắt cô khi nhìn thấy tôi. Cô úp mặt vào tôi, hít hà mùi xà phòng thơm tho quyến rũ, rồi lại tung tôi ra ngắm nghía.
-         Cô Như tặng thật sao mẹ?
-         Con bé này, chẳng lẽ mẹ lừa con?
-         Ôi! Cô ấy tốt bụng quá đi mất! Sao cô biết con đang ước cái váy này mà tặng nhỉ? Hay cô ấy là cô tiên trong chuyện cổ tích bước ra hả mẹ?- Cô bé cứ líu lo – Có một vết mực nơi thân váy mẹ ạ, nhưng không sao, mai con mua nước tẩy là sẽ tẩy sạch tinh thôi!
-         Con cho lợn ăn rồi chứ?
-         Dạ, con cho rồi mẹ ạ. Tối nay con nấu canh măng với lại đậu phụ sốt cà chua. Mẹ tắm đi rồi con dọn cơm nhé.
  Tối đó, sau khi học bài xong, cô bé lại đem tôi ra. Cô thì thầm với người đàn ông trong ảnh:
-         Bố à, con có váy đẹp rồi này! Váy họ tặng, không mất tiền đâu bố! Bố ở trên trời có vui không? Con thì vui lắm bố ạ.
 Cô  bé mở trong cái hộp vuông bằng bàn tay ra, cầm xấp tiền được vuốt phẳng phiu, sắp theo thứ tự mười ngàn, năm ngàn, hai ngàn và xòe ra trước ảnh bố, thủ thỉ:
-         Bố xem này, con góp được hơn hai trăm tiền rau rồi đấy! Có váy mặc tết rồi, con chỉ cần hai mươi ngàn mua tất, tám mươi ngàn mua giày, thế là ổn! Còn lại con sẽ  bán rau góp thêm ít chục nữa, mua cho mẹ chiếc áo phao bố ạ. Mẹ dạo này yếu rồi, không đi phụ hồ được nữa, mẹ đi giúp việc cho người ta, hai mẹ con tằn tiện cũng đủ ăn đủ mặc, bố đừng lo. Cái váy đẹp thế này mà chị chủ nhà của mẹ tặng con đấy. Bố thấy cô ấy có tốt không? À bố ơi, tết này con và mẹ sẽ về quê, mẹ nói thế. Chà chà, con mặc váy hồng, đi tất trắng, diện đôi giày mới. Bố thấy con có xinh không? Xinh quá đi chứ, bố nhỉ? Ngày bố đi xa, con mới năm tuổi thôi. Giờ con mười tuổi rồi này, con lớn rồi này. Con không đi học thêm như các bạn, con ở nhà chăm vườn rau, chăm đàn gà, thái rau cho hai chú ỉn. Nhưng bố đừng lo, con tự học được, con của bố thông minh và giỏi giang như bố mà, đúng không bố? Giá mà ngày ấy bố không ngồi trên chiếc xe khách định mệnh ấy…  
  Hai giọt nước mắt ứa ra, lăn trên đôi má đen xạm của cô bé. Tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng trong một cảm giác thật khó tả.  “Bé ơi, hãy cố gắng lên nhé, tôi sẽ luôn ở bên bé, cùng bé dự các cuộc vui với bạn bè, cùng bé về quê thăm ông bà. Tôi sẽ  luôn làm cho bé thật sự được nổi bật. Và sau này, khi bé lớn lên, tôi sẽ kể với mọi người rằng, cô bé lọ lem có chiếc váy hồng ấy, nay đã là một thiếu nữ xinh xắn, giỏi giang và cực kì tốt bụng” Tôi khẽ thầm thì như thế.
                                                       Mùa đông 2018
(Tạm để đây nhớ blog cất hộ để sửa sau nha)


3 nhận xét:

  1. Hy vong những truyen ngắn như thé này sẽ ra lò cho moi người đoc.
    Truyen hay ở chõ khong gò bó và có sức lan tỏa cảm xúc, chinh phuc người đoc. So với những chuyen ngắn trước đay truyen này đoc xong còn muo1n đoc lai. Chúc mừng em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nó đã có mặt trong 2 tạp chí số Tết. Cảm ơn người khách chung thủy hiếm hoi của Hương Ngàn.

      Xóa