Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

MỐI TÌNH TỘI LỖI

Mối tình tội lỗi
Truyện ngắn của Nhật Thành

  Loan khoác chiếc túi xắc nhỏ nhắn màu mận chín lên vai, quay đi quay lại trước gương ngắm nghía. Nó thật hợp với chiếc váy đỏ ngắn đến nửa đùi, để lộ cặp giò trắng mịn, nõn nà. Mặc dù đã thử đến chiếc áo thứ năm, nhưng cô vẫn chưa thật ưng ý.
  Nghe tiếng xe máy ngoài cổng, Loan chưa kịp chạy ra thì Mận đã tắt máy, chạy ào vào nhà, nằm vật ra giường.
-         Ơ, cái con này! Có chuyện gì mà đang yên đang lành đến nằm vật ra như kẻ ăn vạ thế hả? Sao không cất xe ở nhà lại phóng thẳng sang đây?
  Mận vẫn im lặng, bộ tóc thường ngày được chải chuốt, uốn búp cầu kì mỗi lần đến trường, giờ rối tung rối mù.  Rồi cô úp mặt xuống gối, khóc nức lên.
-         Có chuyện gì? Nói tao nghe xem nào? Đời được mấy cục lịch, buốn làm quái gì cho nó chóng già?
 Mận bỗng bật dậy, mắt long lên:
 - Mày giúp tao tìm bằng được kẻ đó, nghe chưa?
Nhìn cô bạn phấn son nhoè nhoẹt vì nước mắt, đầu tóc bù xù như kẻ điên, Loan cười phá lên:
- Trời ! Tìm ai? Một cô giáo hiền như cục đất mà hôm nay cũng có kẻ thù sao? Tò mò quá đi mất!
- Tao nói thật đấy. Tuân có bồ mày ạ.
 Loan sững người lại một giây nhưng kịp trấn tĩnh:
 - Sao mày biết?
 Mận ngước mắt lên, vừa đau khổ vừa ngạc nhiên:
- Thế ra mày cũng biết rồi à? Trời ơi! Chỉ có tao là ngu nhất trần đời thôi! Mận lấy hai tay vò tiếp lên mái tóc vốn đã không thể rối thêm được nữa.
- Chết, tao có biết đâu, giờ mới nghe mày nói đấy chứ - Loan vội vàng chống chế, mặc dù cô thấy  như có  một luồng điện chạy dọc sống lưng.- Thôi, đừng ở trong nhà chi cho ngột ngạt. Ra nhà tròn hồ Thung Mây uống cà phê rồi nói chuyện.
 Mận thẫn thờ đứng dậy. Loan đưa cho bạn cây lược:
 - Chải tóc lại, tao chọn cái áo mặc rồi mình đi.
 Xúng xính trong chiếc áo trắng rộng cổ với những đường ren cầu kì, lấp ló hai quả đào tiên tròn căng, trắng mịn hấp dẫn, Loan vui vẻ:
- Hợp với váy đỏ và chiếc xắc này đấy chứ nhỉ? Mày thấy thế nào?
  Chẳng buồn nhìn Loan, Mận gắt:
-         Đẹp rồi đó, đi nào. Mày cầm lái đi.
  Đêm  Thung Mây thật huyền ảo. Mặt hồ được dát bằng muôn vàn ánh bạc lung linh. Ánh sáng từ những ngôi nhà cao tầng, ánh sáng từ những cột đèn đường, từ những bộ bóng nháy giăng mắc công phu trên cây cao hắt xuống cùng những dãy nhà in bóng nước  làm cho ta có cảm tưởng như đang được chiêm ngưỡng một cung điện nguy nga ẩn hiện dưới đáy hồ. Gió thổi lồng lộng, cành liễu lả lơi trong tiếng nhạc dìu dặt của quán cà phê bên đường. Thị trấn Quỳ Hợp như một cô gái quê có dịp “ lột xác” trong dòng chảy đô thị hoá nói chung. Tuy nhiên, trong cái ồn ào, sôi động của một miền quê công nghiệp hoá, cô gái ấy vẫn giữ được chút hiền thục dịu dàng là nhờ có hồ Thung Mây  thơ mộng.
   Hai người bạn gái lặng lẽ ngồi bên nhau. Giọt cà phê chậm rãi như níu thời gian chậm lại. Mận ngồi trầm ngâm, lòng rối bời khi nghĩ đến những ngày sắp tới. Còn Loan, vừa tí tách cắn hạt dưa, vừa để tâm trí  mải miết trôi về kí ức xa xăm…


  Loan và Mận là đôi bạn thân từ nhỏ. Nhà hai đứa ở cạnh nhau. Bố mẹ cùng làm ở lâm trường. Chỉ khác nhau một chút thôi, một chút đủ để cuộc sống hai đứa khác xa nhau: bố Mận là kĩ sư, là cán bộ khung của lâm trường, ngày ngày cắp cặp da đi họp, ăn mặc sạch sẽ để chỉ đạo kế hoạch khai thác và bảo vệ rừng. Còn bố Loan là công nhân, bộ đồ bảo hộ màu xanh  cứ bạc dần  theo năm tháng cho những cánh rừng  ngút ngàn xanh chạy mãi tới chân trời.
   Những năm học phổ thông, Mận được tiếng là học giỏi lại chăm. Bố mua cho cô con gái yêu bao nhiêu là sách. Thành  tích học tập của Mận cứ kín dần bức tường qua những tấm giấy khen, bằng khen. Còn Loan chỉ nhì nhằng đủ để mỗi năm một lớp kẻo mẹ lại rên rẩm: “ Thêm một năm là thêm một tốn đấy, con ơi!”.
   Tuy vậy, khi Mận học bài xong và Loan đã giúp mẹ trồng được mấy luống mùng hay nhổ cỏ cho đám rau muống trồng ở mép hồ Thung Mây là hai đứa lại mê mải chơi trò ô ăn quan, chơi thẻ hoặc trò “ mẹ con” ( giả vờ đi chợ,nấu ăn, giặt giũ…với đồ dùng gia đình được làm từ lá bàng, lá mít, vỏ lon bia…). Cuộc chơi bao giờ cũng kết thúc khi Loan  vội vã chạy về nấu cơm và Mận đủng đỉnh về nhà tắm rửa chuẩn bị ăn tối.
  Tuổi thơ cứ thể trôi đi không ai để ý, giống như cây bàng trước ngõ lá cứ xanh rồi lá đỏ,  thân cây ngày một lớn dần và tán lá ngày thêm xoè rộng. Chỉ biết rằng, những trò chơi của hai đứa cứ thưa dần rồi mất đi. Loan còn bận bịu bao công việc gia đình. Bố mẹ nghỉ chế độ mất sức lao động, đàn lợn trong chuồng ngày càng đông, Loan phải tranh thủ cả buổi trưa mới xong việc. Mận vẫn miệt mài bên bàn học mà chẳng cần động tay, động chân vào việc gì khác. Bố bảo: “ Cứ học cho giỏi ắt sẽ sướng!”  Hai đứa vẫn luôn bên nhau khi đi học và lúc ở trường về. Nhiều “ bí mật riêng” chỉ “bật mí” với nhau.         
   Mận như bông hồng nhung kiêu kì, quí phái. Nhiều chàng trai ngẩn ngơ mà chỉ dám “ kính nhi viễn chi” vì bố mẹ cô bảo vệ con gái như người có của cất dấu thỏi vàng mười. Mẹ bảo: “ Con chỉ việc học, nhân duyên đã có bố mẹ lo.” Mận xem đó như một mệnh lệnh mà cô phải chấp hành vô điều kiện. Trái lại, Loan như bông sim giữa đồi, thoả thuê tắm nắng, tắm gió mà vẫn ngời sắc tím. Trái tim cô cũng đã từng đập rộn ràng trước một cậu bạn học cùng lớp, nhưng cảm giác ấy trôi qua rất nhanh.
 “ Mình chẳng dại gì vướng vào trò yêu đương lãng xẹt tuổi học trò, chỉ tổ mất thời gian, vô ích.”
   Kết thúc phổ thông trung học, Mận thi đậu vào khoa Văn trường Đại học sư phạm Vinh.  Sau khi dự buổi liên hoan cô bạn thân vào đại học, Loan viết đơn đi học lâm sinh để rồi lại khoác màu áo xanh đã từng gắn bó với bố mẹ cô gần hết cuộc đời.
  Cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi hai đứa bước vào tuổi hai mươi hai, cùng tháng mười năm ấy, đầu tháng Loan lên xe hoa cùng chàng cán bộ kiểm lâm trẻ thì cuối tháng Mận lộng lẫy trong bộ áo cưới bên anh kĩ sư lâm nghiệp mà bố mẹ cô đã “dấm” từ khi cô chưa ra trường. Mận có nhà riêng, vợ chồng Loan ở phòng tập thể. Dù nghề nghiệp khác nhau, nhưng cả hai vẫn thân thiết và chia sẻ những “đau đầu” trong việc nuôi dạy hai đứa trẻ “ nghịch còn hơn quỉ sứ”.


-         Mày bảo bây giờ phải làm sao đây? – Câu hỏi của Mận kéo Loan về thực tại.
-         Hả? – Loan giật mình, ngơ ngác.
-         Này, mày không bảo tao ra đây để ngồi ngắm cảnh và mơ mộng đấy chứ?
 Loan xoay lại tư thế ngồi, đối diện với Mận, nhìn sâu vào mắt bạn:
-         Tao hỏi thật, mày có còn yêu Tuân không?
 Mận cúi đầu, im lặng.
-         Sao? Nói thật lòng đi để tao còn biết mà giúp chứ?
- Cậu biết đấy - Mận nói rất nhỏ - Việc trường, việc nhà, dạy chính khoá, dạy thêm, rồi con cái… Mình cảm thấy chẳng còn phút giây nào để sống cho mình. Cảm xúc yêu đương cứ cạn dần đi trong bao lo toan thường nhật. Anh ấy cũng phải hiểu cho mình chứ, sao lại còn làm khổ mình thêm nữa? Mà chẳng biết Tuân cặp bồ với ai, chỉ thấy trong xóm có mấy người đã rỉ vào tai mình điều đó. Và dạo này Tuân cũng lạ lắm. Khi mình hỏi thì anh ấy chỉ im lặng, thở dài.
 Loan chợt nhớ, có lần, Tuân đã tâm sự: “ Chẳng biết cô ấy có lúc nào nghĩ đến anh không. Suốt ngày chỉ dạy và dạy. Trưa muốn có một phút thảnh thơi thì học sinh đã kéo đến, nói cười inh ỏi. Tối có hôm cũng dạy đến gần mười giờ  mới nghỉ, soạn bài xong đã hơn mười một giờ, cô ấy chỉ muốn ngủ riêng ra để sáng mai còn dậy sớm đi chợ chuẩn bị thức ăn trước khi đến trường. Nhiều khi anh thấy mình như người thừa.”
 Loan nhìn bạn, có chút bối rối trong ánh mắt:
- Mình không có trình độ học vấn như cậu, nhưng qua thực tế, mình khuyên cậu: Nên dành thời gian cho nhau. Cậu bớt dạy thêm đi, làm để sướng chứ làm để khổ thì làm làm gì?
Mận thở dài não nuột:
- Ai chẳng biết thế. Nhưng mấy ai được như cậu, chồng làm hạt trưởng hạt kiểm lâm, vợ được nghỉ ở nhà chăm con, nội trợ. Nhìn cậu mua sắm quần áo hàng hiệu, son phấn tốn cả triệu bạc mà mình chóng cả mặt. Lương công chức hai vợ chồng mình nếu không làm thêm thì tháng nào nhiều đám cưới đã vay vàng mắt rồi, nói chi đến sắm sanh. Rồi tương lai học hành của con, nhìn vào đâu? Nghĩ thế mà phải cố, nhiều bữa dạy xong mệt bã người, chỉ muốn vứt bỏ hết đi, không thiết gì nữa.
  Loan định an ủi  bạn thì chuông tin nhắn: “ Em đang làm gì? Anh nhớ em vô cùng, hai hôm chưa gặp được em, lòng trống vắng.” Loan bấm trả lời: “ Em đang ngồi cùng Mận ở nhà tròn”. Chuông điện thoại Mận vang lên: “ Cái gì?” “ Cô về ngay!” “ Mặc tôi, anh không có quyền.” Điện thoại tắt phụp.
-         Thôi, việc đâu còn có đó, về đi. Tớ sẽ có cách.
 Mận uể oải đứng dậy:
-         Không vì con, mình nhảy xuống kia cho rồi.
-         Ấy – Loan cười - mặt hồ đang phẳng lặng đẹp thế, cậu đừng làm sóng nổi lên!
  Đêm ấy, Loan thức trắng. “ Mận ơi, ngàn lần xin lỗi cậu. Ruột gan mình giờ còn rối hơn cả tơ vò. Mình không ngờ mình lại trở thành kẻ khốn nạn như thế. Có lẽ, khi chết đi, mình sẽ bị đày xuống mười tám tầng địa ngục…”
   Sau khi làm được ngôi nhà rộng rãi, khang trang, Bình - chồng Loan - quyết định cho cô nghỉ hẳn việc cơ quan. Anh bảo:
- Lương em làm không đủ nộp bảo hiểm. Thôi, ở nhà làm ô xin cho anh, anh trả cao gấp mười lương công nhân của em. Anh chỉ cần khi nào nhà cửa cũng sạch sẽ, gọn gàng, chịu khó đưa đón con đi học. Cuối tuần anh về, ô xin trở thành bà chủ, chịu không?
  Mới đầu, Loan cảm thấy thật thoải mái. Sáng không phải tất bật lo giục con ăn nhanh cho kịp giờ mẹ còn đi làm, trưa không thấp thỏm vì sợ ngủ quên, chiều đón con về, tắm rửa  rồi ăn cơm, xem phim. Nhưng khi mọi người ghen với sự nhàn nhã của Loan, cô lại ước có việc gì làm kẻo buồn chân, buồn tay. Bình không cho cô làm gì cả. “Đừng vẽ chuyện, chỉ tổ bẩn nhà.” Thế thì Loan đi mua sắm, đi làm đẹp. Càng ngày cô càng phơi phới như đang ở tuổi hai mươi.
  Hàng đêm, khi Mận bận dạy học, Tuân thường sang nhà cô xem phim. Loan thích nghe những lời nhận xét thông minh mà dí dỏm của Tuân về những chi tiết của kịch bản. Bình của cô chẳng bao giờ ngó đến bộ phim nào, dù Loan tấm  tắc khen hay.    Cuối tuần về, anh xem bóng đá, Loan đi ngủ vì cô không thích. Lâu dần thành quen, hôm nào không có học sinh học, Tuân cũng sang nhà Loan xem ti vi. Nếu anh không sang, Loan thấy hình như phim không còn hấp dẫn. Có những hôm, phim đã hết nhưng Tuân vẫn cố ngồi nán lại trò chuyện. “ Kĩ sư có khác, ăn nói có duyên mà tế nhị vô cùng” – Loan mang theo cả ý nghĩ ấy vào giấc ngủ.
   Bẵng đi cả tuần không thấy anh sang. Rõ ràng là Loan vẫn nghe tiếng anh, biết anh không phải đi công tác. Đắn đo, ngần ngại...Ừ, có gì đâu mà ngại? Hàng xóm với nhau, mình và Mận là bạn thân, mình vẫn sang nhà Mận suốt đấy thôi? Ừ, hay nhỉ? Quí chồng của bạn là lẽ đương nhiên. Mình trong sáng, có gì mà ngại? Thế thì Loan sang nhà Mận, sang chơi thôi, bạn bè mà...
  Loan  ríu rít kể chuyện thằng cu con bị cô giáo phạt với Mận, rồi ngước lên  nhìn Tuân đang mê mải đọc báo, hỏi rõ to:
- Dạo này anh Tuân không sang xem phim nữa à? Mình em xem buồn quá!
-         Tối anh bận chút việc. – Tuân nói mà không nhìn lên.
Loan về, cảm thấy buồn vô cớ. “ Sao mình lại hay nghĩ về Tuân thế nhỉ?”.
   Đêm đó, Tuân lại sang. Xem phim xong đã hơn mười một giờ. Anh vẫn ngồi lặng lẽ.
  - Về đi anh, chắc giờ này Mận đã soạn bài xong rồi đó.- Loan nói, ánh mặt nhìn Tuân  trìu mến, ánh mắt ấy nói với anh: “ Anh về, để lại trong em nỗi trống vắng cô đơn”
 Tuân nhìn Loan, thật khó tả ánh mắt anh lúc này. Nó vừa buồn rười rượi, vừa ẩn chứa một nỗi khát khao, một niềm yêu mãnh liệt. Loan thấy tự nhiên  nhũn ra trước ánh mắt ấy. Thế rồi, như một lẽ tự nhiên, gió thổi thì cây lay, mưa rơi ắt cỏ ướt, hai người đã ở trong vòng tay nhau tự bao giờ. Tuân thì thầm, hơi thở nóng hổi, giọng đứt quãng mà gấp gáp:
  - Anh yêu em... yêu say đắm... Anh biết... như thế là tội lỗi. Anh đã cố tránh gặp em, nhưng càng không gặp... càng cháy bùng nỗi nhớ...
   Môi tìm môi, vòng tay ôm siết. Họ như mê đi trong cõi thiên thai. Những đợt sóng tình dâng lên, dâng lên, càng lúc càng ào ạt, càng dữ dội. Nó phá tan tất cả những rào cản cuối cùng. Cả hai đều tự cảm thấy rằng, họ sinh ra là để cho nhau, để được chìm trong nhau, để ngụp lặn vào nhau cho thỏa khát khao, mong nhớ. Khái niệm về thời gian, về không gian không tồn tại. Chỉ có chiếc ti vi là vẫn vô tư quảng cáo: “ Một người khoẻ, hai người vui”.
  Họ đã là của nhau. Tuy vậy, Loan trở nên mâu thuẫn với  chính mình. Cô vừa rất yêu Tuân, mong bước chân anh vào mỗi tối lại vừa sợ hãi, muốn  tránh xa anh. “Mình làm gì thế này? Mình là bạn rất thân của Mận đấy! Không! Không thể như thế được!” Loan quyết định đóng cổng sớm, tắt ti vi, ôm con nằm ngủ. Nhưng Loan nào ngủ được. Tiếng bước chân anh rất nhẹ, Loan không phải nghe bằng tai mà cảm bằng trái tim mình. Và Loan nhớ, nhớ da diết nụ hôn cháy bỏng! Nhớ vòng tay ôm riết nồng nàn. Nhớ hơi thở thơm thơm...Nó không giống hơi thở  khê nồng mùi bia rượu trộn lẫn thuốc lá của Bình vào dịp cuối tuần. Cũng lâu lắm rồi, Bình không rót vào tai Loan những lời ngọt ngào, âu yếm. Hầu như tuần nào về anh cũng say xỉn. Loan có phàn nàn thì anh gắt: “ Công việc làm ăn cần giao lưu, có uống mới ra tiền cho em tiêu thoải mái thế đấy.” Anh cũng chẳng mặn mà gì chuyện gối chăn. Một người bạn của chồng cười cười, nói với Loan: “Hạt trưởng hạt kiểm lâm có ít nhất ba bồ nhí thay nhau động viên trong sáu ngày.” Lúc đầu cô có tra hỏi, nhưng Bình trợn mắt: “ Cô đừng nghe người ta đồn bậy, đó là trò để hạ bệ nhau đấy.” Loan đành nuốt ấm ức vào lòng. Giờ thì Loan thây kệ, cô cũng chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến Bình.
  Ngày thứ năm từ khi cô  quyết định “ kín cổng cao tường”, Loan nhận tin nhắn của Tuân: “ Anh hiểu sự khó xử của em. Anh là con người tồi tệ, anh biết thế. Nhưng lí trí của anh không đủ sức ru trái tim ngủ yên. Nỗi nhớ em làm anh mụ mẫm...” Họ lại cùng nhau xem ti vi mỗi tối, họ lại đắm đuối nhìn nhau và cười hạnh phúc, họ lại dìu nhau lên cõi bồng lai tiên cảnh khi Mận đang véo von giảng bài hay cắm cúi bên chồng vở còn chấm dở.
  Loan nói trong vòng tay ôm siết của Tuân:
 - Sao anh lại yêu em? Mận là bông hồng nhung kiêu kì, quí phái; còn em là bông sim tầm thường mọc giữa đồi núi cằn khô...
 Tuân nhỏ nhẹ:
  - Anh thích cái dân dã, mộc mạc ấy của em. Nói chuyện với em, anh không bị bắt bẻ từng chữ, không bị chỉnh sửa từng câu. Nghe tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái của em, anh thấy thật thoải mái. Về nhà, anh bị “cầm tù” trong cuộc sống “mô phạm” của vợ anh, đến với em là anh đến với khoảng trời tự do. Đó là sự thật, anh không nguỵ biện đâu!
 Dù trong lòng thật sung sướng khi nghe những lời đó của Tuân, nhưng Loan vẫn vờ gắt: “ Cấm nói xấu bạn em!”. Tuân cười: “ Xin tuân lệnh!” Môi họ lại gắn kết với nhau trong hơi thở gấp gáp. Họ lại dành cho nhau những gì ngọt ngào, say đắm nhất của tình yêu.
  Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chỉ có điều, người ngoài thì thấy rõ, còn trong nhà thì chẳng thấy đâu. Nghe những câu bóng gió của bà con lối xóm,  Loan lại sợ. Cô “ cấm cửa” Tuân hai ngày rồi. Mận đâu biết rằng, khi đang ngồi với Loan, tin nhắn của chồng mình vẫn ngọt ngào trong máy bạn.


  Trời đã sáng. Đôi mắt Loan nhìn lên khoảng sáng mờ mờ nơi trần nhà. Hình như có một quả bóng bay cứ lớn dần, rồi bay lên thành một dấu hỏi thật to. Khi đụng vào trần, quả bóng nổ tung, xác rơi xuống nền nhà thành một dấu chấm hết.
                            
                                                                          Mùa đông 2011
                                                                           NHẬT THÀNH.
 
 

12 nhận xét:

  1. Mấy hôm mình bị đau mắt (chắc có lẽ bị phạt tội nói xấu chị em phụ nữ......) nên hôm nay mới sang thăm bạn. Chúc bạn buổi chiều an lành và thật nhiều niềm vui
    (Truyện ngắn của bạn mình sẽ đọc sau nhé)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mong mắt bạn chóng khỏi để nhìn đời rõ ràng hơn. Càng nhìn càng thấy chị em xấu nhiều hơn tốt đấy. Hi...

      Xóa
  2. Vi máy hỏng và vì nhiều lý do nên bây giờ anh mới vào thăm em được. Truyện ngắn này của em viết rất tốt, trước đây anh đã đc đọc và com rồi, nay vội nên chưa xem lại và nhận xét gì thêm... Em chịu khó đọc trong NNTY chút nhé...
    Anh mong em luôn khỏe vui và an lành em nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Đôi khi sự vô tình của bản thân đối với những người xung quanh mình lại khiến cho con người ta đi đến một cái gọi là sự phản bội.Nguyên nhân ko phải do ai hết mà chính là do sự vô tâm của bản thân mỗi con người,ở đây ko thể trách Mận cũng như trách chồng Loan,bởi vì họ đều do " hoàn cảnh xô đẩy " rồi dần dần cũng đã xô đẩy 2 con người bên cạnh họ ngày càng sa vào cái vòng luân lí " Chả nem" mà thôi.

    P/S:Đã lâu lắm rồi cháu chỉ học khối A,ko phải dân C nữa nên bình luận văn học ko được tốt lắm,bây giờ thì cháu chỉ có thể " nghĩ gì viết nấy" nên dì thấy chỗ nào sai sót thì bảo cháu nhé. cháu của cô: Vi Hùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dì rất vui vì cháu là dân khối A mà cảm nhận về cuộc sống rất tốt. Truyện nhắc nhở mỗi một chúng ta cần có "kĩ năng sống" cháu ạ. Nhất là trong lĩnh vực bảo vệ và gìn giữ HP gia đình thì lại càng cần có kĩ năng cao hơn nữa.
      Chúc cháu luôn có đủ nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

      Xóa
  4. Chuyện tình gay cấn ,rõ là tình yêu đi theo cảm nghĩ tự do mà khiến cho chàng trai thích dân dã âu cũng là đặc trưng cho chúng ta thấy để gìn giữ tình yêu của mình. Cảm on người viết đã để lại trong lòng những suy nghĩ cần thiết cho cuộc đời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nhân vật Mận ko vô tâm thì cái sự " thích dân dã " đó chắc sẽ ko xảy ra :D

      Xóa
  5. Mận không phải vô tâm mà vì quá chủ quan và bận bịu việc gia đình, con cái. nhất là khi kinh tế gia đình không được dư dả gì, điều này thường xảy ra trong thực tế đấy cháu ạ. Lúc nào có gia đình, cháu sẽ thấy rõ điều đó thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Em đọc rất kĩ câu chuyện này. Đọc kĩ đến nỗi em cứ cân nhắc xem mình nên viết gì. Em nhận thấy cả Loan và Mận cộng lại sẽ đủ cho Tuân. Người được cái nọ thì mất cái kia. Cuộc sống thường là như vậy. Nếu trách, cả ba cùng đáng trách. Cứ để cả ba người tách riêng ra đi, mất hết đi, họ sẽ hiểu họ cần cái gì, cái gì là quan trọng và cái gì phải biết hi sinh.

    Trả lờiXóa
  7. Nếu xét bằng lí trí, cả ba đếu đáng trách, nếu xét bằng tình cảm, cả 3 đếu đáng thương. Khi chị gửi truyện này cho anh Biên tập, anh ấy gửi mail trả lời, trong đó có đoạn : "Anh đã đọc truyện của em 3 lần rồi, in ra để đọc, thế mà anh chẳng thấy Tuân có lỗi gì cả. Vì anh cũng như Tuân mà..." Chị bảo: "Anh như Tuân, còn em như Mận, thế là anh có lỗi với em đấy!"

    Trả lờiXóa
  8. Truyện này viết chỉ để giải tỏa bức xúc thì đúng hơn là một truyện ngắn viết cho mọi người. Lão nghĩ thế.
    .... Hả? – Loan giật mình, ngơ ngác.
    - Này, mày không bảo tao ra đây để ngồi ngắm cảnh và mơ mộng đấy chứ? - Chỉ lấy một ví dụ này thôi, để thấy rằng viết cần sát hơn với thực tế. Câu thoại trên đây , của 2 cô bạn thân nhau , - có chút sáo mòn , có chút gì đó không thực . Mà không thực thì dễ mất niềm tin của người đọc . Vì thế , lời thoại của truyện cần những câu dân dã , sát với thực tế tránh những lối mòn không nên có sẽ hay hơn rất nhiều... .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng Lão ơi, đó là câu nói đúng tính cách của nhân vật đấy.Lão đã nhận ra nguyên mẫu của nhân vật Mận rồi? Chỉ có điều, Mận ngoài đời không may mắn có được "lí lịch" hoành tráng thế đâu.

      Xóa