Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

MỘT THỜI ĐÂU DỄ GÌ QUÊN!

   Có tiết trống, tôi đang ngồi buôn dưa lê ở phòng đổi giờ thì chuông điện thoại reo. Một dãy số. Định bấm nốt đỏ thì nhầm sang nốt xanh.
Một giọng đàn ông:
-         A lô, em yêu à. Nhận ra anh không?  
-         Vâng, em có đến 50 anh yêu cơ, anh tên gì để em tra danh sách?
-         Anh là người yêu đầu tiên.  
-         Nhưng danh sách của em xếp theo thứ tự A,B,C.
Có tiếng cười khúc khích của phụ nữ vọng vào. “ Đưa máy cho em”.
-         Này Nhật Thành, nhớ ai nữa không?
-          Chịu!
-          Nga đây. Nga “móm” Quế Phong đây .
-          Ô, Nga! Mi đang ở mô?
-         Ở nhà tau chơ ở mô. Ông xã tau vừa gọi cho mi đó.
-         Lâu ngày quá, khỏe không?
-         Bảy hai cân, răng không khỏe!Mi răng?
-         Bốn tám cân cả bì. Hi hi…
-         Vẫn như xưa à? Vẫn giống búp bê chứ?
-         Có mà búp bò chứ bê gì nữa. Lo mà đi bộ đi chứ để phát phì rứa à? Mỗi sáng tau chạy bộ hơn ba cây đó nha.
-         Khiếp, ngày xưa đi chưa chán à?
Cứ thế, hai đứa buôn chuyện mất vừa đúng một tiết. Tôi hẹn nó tết này sẽ lên Quế Phong, chẳng biết hẹn hò hay hẹn hờ. Còn chờ xem.
 Cuộc điện thoại  làm tôi bối hồi nhớ lại những kỉ niệm của 27 năm về trước…
Ngày ấy, chúng tôi vừa tròn 20. Bọn học Tân Kỳ có chung một quyết định, còn tôi học ở Vinh có tờ quyết định khác nhưng cùng  địa chỉ đến nhận công tác Quế Phong.
   Vào những năm 80 của thế kỉ XX, phương tiện xe cộ ở những vùng miền núi như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) cực kì hiếm hoi. Từ Quỳ Hợp chúng tôi phải mua vé đi Vinh, chờ một đêm ở bến xe rồi sáng ra mua vé lên Quế Phong. Về sau, do việc chờ ở bến xe rình rập nhiều nguy hiểm, chúng tôi thường xuống ngã ba săng lẻ cách nhà 12 cây số để đón xe dọc đường. Mỗi lần bắt xe dọc đường là một nỗi kinh hoàng. Này nhé, vẫy xe xong, nếu thấy xế cho chạy chầm chậm là vội đuổi theo (chao ôi, chạy đứt cả hơi mới kịp, chứ không phải như bây giờ, lơ gần như bồng lên xe). Chỉ cần ghé được một chân nơi cửa lên xuống, tay bám chặt thanh sắt phía trên. Trong tư thế lủng la lủng lẳng như vậy, nhưng phải cố mà bám cho chắc, bật ra ngoài là “Người ơi ở lại xe đi nhé” đấy. Vượt gần trăm cây số trên con đường 48 đầy những ổ gà, ổ trâu, ổ voi với những cú lắc rợn người. Nín thở mỗi khi xe qua cầu. Những chiếc cầu gỗ xộc xệch tưởng chừng có thể sập bất cứ lúc nào dưới sức nặng của xe và gần trăm con người. Xe bò rón rén từng nhịp…từng nhịp…Nín thở. “Con nam mô a di đà Phật!”. Thở phào khi hai bánh sau đã bám mặt đường!
   Lên đến trung tâm huyện, chúng tôi phải tìm nhà trọ một đêm để sáng mai gồng gánh vào trường. Từ trung tâm huyện đến xã Thông Thụ đi mất ngày rưỡi đường rừng. Ngày mưa lội nước bạc cả chân. Ngày nắng miệng, mũi, tai thi nhau thở. Càng đi vào, đường càng dốc. Có thế mới thấm thía câu thơ của Bác:
“ Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”.
Người miền núi gọi dốc là “bù”. Đi  vùng sâu gọi là “đi bù”.
“Mai sau dù có bao giờ
Nhớ bù Cà Mạ sưng vù cả chân!”
Bù Cà Mạ leo lên hết hơn 30 phút và xuống hết 20 phút.
    Cuộc sống của những thầy cô giáo hồi đó không thể nào kể hết những khó khăn gian khổ. Thực phẩm thì rau dún, tàu bay, măng rừng. Lương thực thì lên kho hợp tác nhận lúa bông về nhờ cối giã tay của dân để giã. Những ngày đầu, tay tôi bỏng rộp lên, chày giã cái trúng cái trật, gạo bắn tung tóe cả mặt đất như sao sa. Nhưng lâu dần, khi bàn tay đã có chai thì dáng giã gạo của các cô giáo cũng uyển chuyển, mềm mại chẳng khác gì các cô gái bản. Nhịp chày đôi, chày ba đều đặn thậm thình.
  Có nhiều hôm, cả kí túc hết dầu thắp, chúng tôi phải thay phiên nhau cầm đuốc để ăn cơm. Rồi bát ăn cơm cũng thiếu, muốn mua cũng phải chờ có người ra huyện. Thế là các cô được ưu tiên ăn bát, còn các thầy   sau khi nạo đu đủ lấy ruột bóp nộm, còn vỏ làm bát ăn cơm. Cũng đỡ phải rửa.
  Trường kết nghĩa với đồn biên phòng 515. Những ngày lễ tổ chức giao lưu văn nghệ, hát múa rầm trời. Có những đêm bày trò kéo co, một bên cả chục cô giáo, một bên ba anh bộ đội. Thế mà rốt cục bao giờ các cô cũng ngã đè lên nhau, cúc áo đứt cả dãy. (may là còn áo phông phía trong). Rồi cãi nhau, chửi nhau. Cạch mặt cạch mày. Rồi đặt thơ nói xỏ nói xiên. Giận chán rồi bộ đội cũng làm lành. Vì không làm lành thì biết chơi ở đâu?
  Một lần, tôi và Sử đến phiên đi hái rau. Mùa mưa, cơ man nào là rau dún. Loáng cái, chúng tôi đã hái đầy gùi (cũng gùi lên đầu như các gái bản). Hai đứa dấu rau trong bụi rồi tò mò đi theo con đường mòn. Đi mãi, đi mãi…qua một con suối thì đến một bản nhỏ. “Bản gì đây mế?” “ Huồi Đừa”. Đang ngơ ngác thì gặp Ngô Nga và Tuyết đi giã gạo về. “Ơ, răng xuống đây? Chuẩn bị họp hội đồng à?” “ Không, đi chơi cho biết.” “ Ở đó, bọn mình đi kiếm mấy quả trứng với ép xôi về ăn”. Hai đứa vào trường ( gọi là trường nhưng chỉ có 2 lớp cho học sinh trong bản học). Đợi mãi… tối mịt mới thấy hai kẻ kia vác một ép xôi to tướng về. “ Phải chờ họ hông xong, quạt nguội mới lấy được”. Thôi thì ăn rồi ngủ lại chứ biết làm sao.
  Đâu khoảng 9 giờ đêm, tôi đang ngủ lơ mơ bỗng thấy lấp loáng đuốc và nghe tiếng người Kinh. Chết, chắc kí túc đi tìm cũng nên! Tôi ra hiệu cho Ngô Nga ra gặp và bảo giấu đi.
“ Thấy hai cô xuống đây không?” “ Hai cô nào? Không thấy!”
Tiếng khóc òa lên của Nga “móm”: “ Ôi trời ơi, rứa là hai đứa bị hổ ăn thịt thật rồi!”. Rồi cả bọn khóc nhao lên. Tôi và Sử hốt hoảng chạy ra, cười nhăn răng. Trời ạ, bị đấm một bữa no luôn.
  Rồng rắn kéo nhau đến trường chính thì đã gần 11 giờ đêm. Cơm nguội ngắt, ăn với muối trắng trộn ớt cay vẫn ngon đáo để.
  Nghe kể, sau khi trường báo cáo có 2 cô đi hái rau bị mất tích, đồn trưởng cử ba chiến sĩ xuống giúp mấy cô giáo đi tìm. Họ thắp đuốc quanh quẩn  trong rừng mãi không thấy mới đi theo đường xuống bản Huồi Đừa hỏi thăm. Hôm đó, mấy cô không chỉ bị gai cào toạc quần, rách bắp chân mà khi đi qua suối, Nga “móm” còn bị trôi mất đôi tông Lào trị giá 2 tháng lương.
  Chắc tết này lên nó sẽ bắt đền mất thôi!  
                                                              11/1/2014




47 nhận xét:

  1. Theo chân NTH về nhà mình chẳng biết xưng hô thế nào cho phải lẽ, gọi là em gái được không( mình năm nay U70 rồi), đọc bài biết NT cũng là gv như mình, lại có những năm công tác ở miền núi vất vả, nhưng có những kỷ niệm đẹp để nhớ. Cuối tuần chúc nhiều niềm vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, tuổi của em em đã khai trên bài viết đó. Chị em mình đã gặp nhau ở yahoo rồi mà. Nhiều hôm sang đọc bài của chị nhưng em không để lại lời bình, lúc nào cũng vội chị ạ.
      Em kính chúc chị luôn khỏe và dồi dào cảm xúc.

      Xóa
  2. Đúng là dân văn rùi, một kỷ niệm của hồi xa lắc xa lo8 vậy mà chị của tui viết được một entry rất hấp dẫn. Phải nói y chang Mụ Phù Thủy, bút lực rất tốt. Khen hoài mấy người này mỏi miệng quá, thôi em dzề nghe chị Nhật Thành. Heeee! Chúc chị cuối tuần niềm vui gấp đôi ngày thường nghe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, dân ngoại ngữ như Ánh Nhật mà còn viết khỏe nữa là. Hay muốn chị khen thì nói một câu. He...he...

      Xóa
  3. Rồi cãi nhau, chửi nhau. Cạch mặt cạch mày. Rồi đặt thơ nói xỏ nói xiên.

    Hì, vui nhỉ. Còn chút gì để nhớ :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều lắm, nhưng kể vào thì dài lắm bạn ơi. Có tán tỉnh tí ti này, rồi gán ghép trêu chọc này, rồi không nên lại irnhau chí chóe này. Hơ hơ...

      Xóa
    2. Anh K, em mí anh một phe, chị CTT, chị NTH một phe, kéo co chơi.
      Thể lệ không mặc áo phông bên trong, chơi xong đôii thắng sẽ lãnh phần cài cúc, nhể anh K nhể?

      Xóa
    3. Xong luôn, hiệp 2 không mặc áo trong áo ngoài chi hết. Cởi trần kéo mới sướng. Chịu không?

      Xóa
    4. Em Di đưa ra cái luật gì kì cục, đã thắng còn phải cài cúc ?
      Cô Hồ nói co lí, hiệp 2 nóng người, cởi trần kéo cho mát ..

      Hì, nhắc chuyện cởi trần lại nhớ chuyện cô bạn kể. Có lần cổ đi họp xa. Hội nghị kéo dài ngoài dự kiến, phải ở lại. thế là tối ấy cổ và một hai người bạn nữa phải ở lại hội trường ngủ .. Sợ áo quần nhăn mai họp khó coi, các cô đành đi ngủ truồng .. may mà hội trường nước ta sẵn băng cờ khẩu hiệu nên đêm cũng ko quá lạnh .. cái thời ngồi nhắc lại cười ra nước mắt

      Xóa
    5. Cái vụ cởi truồng này thì các cô giáo vùng cao hơi bị "chuyên". NT không kể chuyện tắm sông đó thôi. Nhiều hôm đang tắm thì các chú bộ đội đi tuần tra qua mới ...sướng chứ!

      Xóa
    6. Há há, hai cao thủ... chịu chơi quá, ủa mà chị Thủy mô không thấy ra kéo hè? Chưa chi đã thấy mát trời ông địa rồi đây.
      Bên thắng cài cúc cho bên thua, để còn lên nhận giải. Ai lại cứ mát mẻ xế? Hihi.

      Xóa
    7. Nhắc chuyện cởi trần lại cũng nảy ra ý này. Cái này là bí kíp ngàn năm dành cho dân tắm truồng prồ nhất. Người vùng cao chuyên tắm suối đã đúc kết.
      Nếu đang tắm mà có giai giẻ đi qua, các cô chỉ cần lấy tay che mặt là đủ.
      Người vùng cao bảo, người ta chỉ khác nhau cái mặt, còn khúc dưới y choang nhau cả. Không lo, không lo!

      Xóa
    8. Kinh nghiệm này bọn chị áp dụng từ xưa rồi. Nhưng mắt vẫn nhìn qua kẽ tay, thấy "bọn chúng" ngoảnh đi hết, không dám nhìn đâu.

      Xóa
  4. Truyện kỉ niệm thật hay và cảm động quá, một thời gian khó của mọi người. Chiều ấm áp nhiều Bạn nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng mới chỉ một phần nhỏ của cái khổ thôi lão ạ.
      Cảm ơn lão sang chơi.

      Xóa
  5. Những câu chuyện đời thật thế này luôn hấp dẫn lão.Một thời cười ra nước mắt cho những cô giáo vùng cao. Các cô thiếu thốn đủ thứ. Lão rất thương đứa em gái của mình , phải lên 3 năm nghĩa vụ ở Tà Cạ - Kỳ sơn đấy , chắc còn trên một bậc ở QP.
    Những kỷ niệm thật khó quên em nhỉ.
    Lão rất buồn vì lâu lắm mới xem lại sách cũ , hư muốn hết rồi em ạ. Còn mấy cuốn lão lựa ra , quá cũ kỹ nhưng nghĩ là lời hứa , lão sẽ gửi cho em ngay vào tuấn tới. Những cuốn một thời lão say mê chắc bây giờ dù cũ cũng hy vọg làm em vui lòng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế thì vui rồi! Lão không gửi sách thì em chỉ CẢM lão thôi (một nửa mà), còn gửi thì em CẢM ƠN lão thật nhiều.
      Mong Lão luôn vui nhé.

      Xóa
    2. À quên, khi gửi lão nhớ ghi số đt để nhận được em báo cho Lão nha.

      Xóa
  6. Đúng là "Một thời để nhớ"! Chưa quên chuyện xưa thì đã đến dốc bên kia cuộc đời rồi!
    "Nhất quỷ, nhì ma...thứ ba chắc là cô giáo"? Quỷ thì không có, còn ma thì cũng không, chỉ còn cô giáo là "NHẤT"
    Các cô giáo này đi rừng nếu không may gặp hổ thì có lẽ hổ cũng phải chạy bán sống, bán chết vì sợ cô giáo ăn thịt; chứ làm sao hổ có đủ can đảm dừng lại để ăn thịt cô giáo?
    Ngày chủ nhật cần mẫn để kiếm thêm 300.000 đồng dạy ngoài giờ phụ thêm vào cái Tết cho tươm tất em nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hối đó, mỗi khi các cô Thông Thụ ra thì họ bảo: VOI THÔNG THỤ. Cô nào cũng đi thậm thịch như voi ấy, không nhẹ nhàng được.
      Ngày chủ nhật dạy 2 ca mà anh. Cô giáo có cái NHẤT là khổ chứ không được như hổ. He...he...

      Xóa
  7. Nhân danh chủ tịch nước - tặng: Huân chương lao động hạng nhất và huy chương vì sự nghiệp giáo dục cho các giáo viên dưới đây:
    1. Thành 72
    2. Nga móm
    Về những gian khổ như trong truyện trên.
    Mọi người chiểu QĐ thi hành.
    Đọc truyện thương các bạn quá. Hí! Hí!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đa tạ chủ tịch Quách! Nhưng chủ tịch đừng hí hí thế, các em người Thái lại chạy mất không kịp nhận huy chương

      Xóa
    2. Này nhé! Mình là người Thái đây, dân tộc mình chỉ kiêng từ trên mà bỏ dấu sắc(') thôi! Còn hí hí vẫn là tiếng cười rúc rích mà nhiều người ưa chuộng đấy.

      Xóa
    3. Thế a?Em sống gần người Thái, họ bảo thế.

      Xóa
    4. Tưởng là nói "yêu thế" chứ!

      Xóa
  8. Cho em chơi với. Nhưng em đề nghị mặc váy kéo co khoái hơn. Mặc váy vừa mát lại vừa năng động. Ngày xưa, sở dĩ 10 cô giáo mà lại thua 3 anh bộ đội là do các cô sai lầm chết người đó. Ai lại kéo co với 3 anh mà lại mặc tới 2 cái áo, lại chả có váy vủng gì mới thất sách chứ. Cứ mặc cái áo mỏng mỏng, dễ rách, cái váy xòe xòe là mấy anh sức đâu nữa mà kéo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất chí lí! Đúng là Thủy. Để chị truyền đạt kinh nghiệm cho lớp đàn em nha.

      Xóa
    2. Giời ôi, tưởng chị Thủy không chơi trò kéo co ai dè đã kéo chị NT xuống dưới này kéo co mặc váy. Hihi, sao chưa thấy anh trai nào xung phong nhể? Chả lẽ mỗi anh khung K "hưởng thụ" hết à?
      Há há!

      Xóa
    3. Ko khéo nếu theo chiến thuật của cô Thủy cánh đàn ông thua thật.

      Nhưng .. nếu cánh đàn ông cũng dùng chến thuật y thế thì sao nhở. Nghe nói thời xưa, Mã Viện dùng chiến thuật ấy, quân Hai bà bỏ chạy tán loạn đấy hihi.

      Xóa
    4. 27 năm trước ..
      Như vậy thời điểm xảy ra câu chuyện là khoảng 1986, 87 gì đấy ..

      Hồi ấy, lên miền núi có buồn nhưng đỡ đói. Dù gì cũng dễ kiếm rau, trái, chưa nói sắn mì, thậm chí xôi cả ép ..
      Ở xuôi đi dạy những huyện thị xa buồn ko kém, lại còn đói nữa kia.
      Tôi có cô em ra trường chắc trước cô vài năm, về dạy một trường ở nông thôn. Nó kể ngày ăn hai bữa, mỗi bữa được hai bát lổn ngổn sắn mì, trên mỗi lát sắn mì dính dăm hạt cơm .. một cọng rau lang rau muống cũng phải mua, chả kiếm đâu được. Chiều 4h ăn, đến 5h bụng đã cồn cào .. Có lần chiều ra đứng cổng trường hóng mát, tình cờ gặp một em hs đi qua, mời cô củ khoái .. Thế là từ đó, chiều nào cũng tắm rửa nhanh nhanh rồi ra cổng trường thơ thẩn hóng mát ..

      Xóa
    5. Chính xác là em ra trường năm 1986 anh ạ.

      Xóa
  9. Đọc bài viết này, em lại nhớ tới những trang nhật ký của mẹ em về những ngày đầu tiên đi dạy học (những năm 60, 70 của thế kỷ 20).
    Các chị đi dạy học vất vả thật nhưng cũng có nhiều niềm vui không thể nào quên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, nói tới chuyện đi đường rừng.Một lần hồi sinh viên bọn em đi thực tập ở Hòa Bình, chúng em đi vào rừng hái măng (là học đòi thấy trong sách vở nói thế: hỡi cô em gái hái măng rừng...Hihi.) Mà đi mãi chẳng thấy măng đâu, chỉ thấy càng đi càng sâu hun hút. Gần tối mà không biết đường quay ra. Sau mới nghĩ cách là đi dọc theo con suối mà bọn em cứ đi men theo để ra. Ui, may mà không có chú hổ nào "say mồi đứng uống ánh trăng tan" chị ạ.

      Xóa
    2. Riêng Lộc Vừng chỉ giỏi hái "măng" người thôi! Còn măng rừng còn lâu mới đào, bới được!
      Như vậy mới tạm "đã" cơn hậm hực!

      Xóa
    3. LV ơi, chị mới kể cái khổ mà vui thôi, còn bao nhiêu cái buồn khổ thì không kể đâu. Ví dụ như các thầy cô bị sốt rét
      "Anh và tôi biết từng cơn ớn lạnh
      Rét run người vầng trán đẫm mồ hôi"
      Hay mỗi lần nghe bạn trùm chăn khóc tấm tức vì người yêu ở nhà rẽ bước sang ngang...Buồn lắm, không chỉ có vui đâu em.May mà chị đã kịp chia tay chàng trước khi lên đường, đỡ mang tiếng bị người yêu bỏ. Hi...

      Xóa
    4. @Chị NT: em cũng hình dung được phần nào những vất vả đó của những thầy cô đem cái chữ lên ngàn. Hồi em học đại học, có một cô bạn em ở Thị xã Thanh Hóa. Cô ấy có chị gái dạy học ở một huyện gì đó của Thanh Hóa mà em ấn tượng nhất là mỗi năm chị ấy về nhà hai lần, một dịp là tết, một dịp là hè. Nhưng mỗi lần về là chị ấy phải đi đường rừng hai chục cây số để đi xe về Hà Nội. Rồi từ Hà Nội mới mua vé tàu vào Thị xã Thanh Hóa. Bạn em nói: đi đường rừng để ra đường có xe ô tô về thị xã thì cũng mất mấy ngày cho nên đi đường gần hơn để ngược ra Hà Nội....
      @Lão Lơ: Oạch. Lão Lơ kia, đúng là "oan gia ngõ hẹp" chưa.
      Em đây giỏi hái "măng" người
      Còn hơn có lão ngồi "cười" (vì) không "măng".

      Xóa
    5. Lộc Vừng nói phải -
      Măng gì lão ấy mà mong
      Cũng đòi hai vạch như trong mơ màng !

      Xóa
    6. Có anh, lại có Lộc Vừng
      Gặp nhau mắt cứ trợn trừng nhìn nhau!
      Muốn "măng" vào tận rừng sâu
      Xin đừng thò...thụt mất đầu nghe em!

      Xóa
  10. Đọc mãi,bài viết hay và các lời com cũng thật là dí dỏm.Cười chảy nước mắt. Một thời ta đã sống thật khốn khổ em nhỉ,chị còn ra trường từ 1979,gạo quế,củi châu,cơm độn mì hột,ăn với lá khoai....ôi! một thời không thể nào quên. Bắt chước em,hôm nào rỗi chị sẽ viết về cái thời hoang sơ ấy..
    Rất vui em lại trở về với phong cách vui vẻ trào phúng dễ thương
    Chúc em một tuần mới vui vẻ,nhiều lộc lá khi mùa xuân về em nhé
    Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị à, hôm sau em cũng sẽ kể tiếp cho chị và mọi người nghe nữa nha. Em đi 4 năm Quế Phong, gần giáp Lào, rồi tiếp tục về vùng sâu huyện nhà 4 năm nữa cơ. Tuổi xuân trao trọn cho rừng chị ạ.

      Xóa
  11. Thời trước có nhiều khó khăn, gian khổ như vậy mà các thầy cô vẫn lạc quan, yêu nghề, yêu trẻ...làm nên nhiều kỳ tích cho ngành giáo dục.
    Thời nay đã khá đàng hoàng, tiện nghi đầy đủ, sao vẫn có cô thầy chán nghề, ghét trẻ... làm nhiều chuyện động trời xấu cho nhà giáo chúng ta ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào người bạn mới đến/ Góp thêm một lời com...
      Cuộc sống đổi thay, lòng người thay đổi bạn à.
      " Từ ngày về thành phố
      Quen ánh điện cửa gương
      Vầng trăng đi qua ngõ
      Như người dưng qua đường"
      (Nguyễn Duy)

      Xóa
  12. Sang thăm cô giáo họ Hồ
    Nếu em muốn thử - anh cho ứng "hàng"!
    Thao tác em phải nhẹ nhàng
    Em đừng "hùng hục" mà càng bị sai!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu mà đếm vạch được hai
      Thì em biết đổ cho ai bây giờ?
      Hay là đổ tại lão Lơ?

      Xóa
    2. Anh như thấy bụng phất cờ
      Của anh, anh cũng vẫn nhờ em nuôi!
      Lạ thay mới "bén duyên" thôi
      Mà ta sắp sửa chung nồi, chung chăn!

      Xóa
    3. Người sao thật khéo vơ quàng
      Chăn anh có rận, em chẳng màng chung đâu.
      Lỡ ra chị thét một câu
      Em vùng dậy chạy, rận theo về nhà!
      Khà khà...

      Xóa