Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

MỘT CUỘC KIẾM TÌM

Chiếc xe lăn bánh qua thị trấn. Ngắm nhìn nhà cửa cao tầng san sát, cửa hàng, cửa hiệu la liệt hàng hoá lướt qua cửa sổ xe, chị bắt chuyện:
- Cha ông ta bảo: “Đi ra biết đó biết đây”. Quả thật, lâu nay tôi cứ tưởng miền núi chỉ có rừng rú, dân sống trong thung, cheo leo trên sườn núi, ai ngờ ở đây còn sầm uất hơn cả thị trấn quê tôi.
-         Bác quê ở đâu? Lên đây có việc gì thế ạ?
Chị chưa kịp trả lời thì chiếc xe phanh kít lại. Tài xế mở nhanh cửa xe, nhảy xuống:
-         Bác có sao không? Sao bỗng nhiên lại lạng vào đầu xe thế? Thật hú vía!
   Ngay đầu xe, một người đàn bà đã luống tuổi ngã sóng soài. Đầu tóc, mặt mũi, quần áo ướt bê bết: sợi phở, lòng gà sống, cà chua, rau, cơm...dính khắp người trông phát khiếp. Bên cạnh là chiếc xe đạp cà tàng và cái xô nhựa đã vỡ, chảy lênh láng một thứ nước hồn hợp, trơn nhầy những dầu mỡ, thức ăn thừa...
 Lấy ống tay áo quệt ngang mặt, người đàn bà ngồi dậy, vẫn chưa hết run:
-         Tại cái xô nặng quá, lại bị lệch...Tôi luống cuống, tôi xin lỗi...Cũng may cháu phanh kịp, nếu không thì...
 Loáng cái, những người hiếu kì đã vây kín.
-         Gì thế? Tai nạn à?
-         Giữ xe lại, gọi cho công an đi.
-         Phóng nhanh vượt ẩu cho lắm.
Một cô gái lách đám đông vào, hốt hoảng:
-         Bác Thơm, bác có sao không?
-         Không...Bác không sao đâu ! - Người đàn bà ngượng ngiụ
  Vừa lúc, chiếc xe máy rồ tới. Một người đàn ông đầu tóc tốt rợp, quần áo nhàu nát, bẩn thỉu như cái xe của hắn, nhảy lại như con thú dữ:
- Con mụ kia! Lại làm sao nữa thế này? Chán sống hả? Chết được thì chết vứt đi cho ông nhờ! Đồ ăn hại !
Vừa nói, hắn vừa lôi xềnh xệch người đàn bà tội nghiệp vào vệ đường, mỗi câu, một cú đá. Mắt hắn vằn đỏ.
Mọi người xông vào, lôi hắn ra.
-         Sao bác đánh vợ vô lí thế? Bác ấy không may ngã  trước xe tôi...
Hắn sừng sộ, nhe hai hàm răng vàng xỉn với những chiếc răng to gớm ghiếc:
- Mày làm mụ ngã chứ gi? Đền đi, đền nhanh!- Hằn hét lên, nắm lấy cổ áo tài xế.
  “ Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nghĩ vậy, tài xế móc túi đưa hắn tờ năm trăm. Hắn cười nham nhở, lên xe, quay sang người đàn bà:
-         Không về còn ngồi đó mà ăn vạ à?
 Nói rồi, hắn  rồ máy phóng đi.Mọi người lắc đầu nhìn theo,ngán ngẩm.
Chị bước lại gần người đàn bà tên Thơm, nhẹ nhàng:
-         Thôi, chị về tắm rửa thay đồ đi.
Chiếc xe tiếp tục lăn bánh.
” Chao ôi là thân phận đàn bà ! Không có chồng cũng khổ, nhưng có chồng chắc gì đã sướng?”. Chị xót xa nghĩ thầm.
   Con đường lại ngoằn ngoèo chạy như lách trong những dãy núi trùng điệp, nhấp nhô. Chị phóng tầm mắt ra xa. Cả một vùng rừng bạt ngàn keo. Núi này nối tiếp núi kia một màu thẫm xanh  chạy mãi tới cuối chân trời. Phá rừng rồi trồng rừng. Con người có thể phá đi tất cả và  cũng có thể tái lập tất cả. Muôn đời muôn kiếp rồi vần thế.
   Người phụ xe quay lại, chắp nối câu hỏi đang dang dở:
-         Bác lên đây có việc gì thế ạ?
-         Ừ... à...tôi tìm một người quen.
-         Bạn cũ hả bác? Hay anh em?
Biết trả lời sao cho đúng? Bạn cũ ư? Đã gặp nhau bao giờ đâu mà bạn? Anh em cũng không phải. Người âý chẳng máu mủ ruột rà gì cả, nhưng ... chẳng lẽ lại nói: Tôi đi tìm một người chưa hề quen biết !?
 Thấy khách không nói gì, người phụ xe cũng không tiện hỏi thêm.
 Càng đi, con đường càng quanh co, dốc nối dốc. Chiếc xe hết lắc bên này lại đảo bên kia. Chị khấn thầm: “Anh sống khôn chết thiêng, phù hộ độ trì cho em có đủ sức khoẻ và sự minh mẫn để tìm ra người ấy!”
    Chẳng biết do lời khẩn cầu hay do những viên thuốc chống say xe mà chị vẫn tỉnh táo suốt cả chặng đường dài.
   Xe dừng lại ở một bản nhỏ. Khác với những hình dung của chị, ở đây thật hiếm thấy những ngôi nhà sàn . Thay vào đó là những căn nhà khá khang trang: tường sơn, ngói đỏ. Một dãy quán cũng bán đủ các loại hàng hoá từ quần áo, giày dép, xô chậu đến cái kim, ống chỉ, đồ trang sức...
- Đây là địa điểm bác cần đấy ạ.- Phụ xe vui vẻ - Xe chúng cháu còn lên một quãng nữa rồi mai quay về.
- Bác cảm ơn hai cháu nhé. - Vừa nói, chị vừa xách chiếc túi du lịch bước xuống. Chiếc xe lại ì ạch bò lên con dốc cao, để lại phía sau một đám bụi dày đặc.
-         Ở đây có gì ăn được không cụ?Chị ngồi xuống ghế cạnh chiếc bàn tre nhỏ.
-         Mì tôm thôi! - người chủ quán  già nhưng trông còn nhanh nhẹn, đáp cộc lốc.
-         Thế thì cụ  cho con một bát.
Đã xế chiều, cái nắng của những ngày đầu thu vẫn còn đượm lắm. Cả một vùng đồi núi trước mặt nham nhở, lở loét trông thật thảm hại. Những thửa ruộng bậc thang hình như đã bỏ hoang lâu ngày, hoa cỏ may xơ xác, phơ phất trong gió chiều nhẹ thổi.
-         Cụ cho tôi hỏi, bản này có một người miền xuôi lên đây, tên là Thơm không ạ?
Bà cụ nói giọng kinh khá sõi, nhưng chầm chậm từng tiếng:
-         Người miền xuôi lên đây thì thiếu gì. Lên buôn bán, lên làm quặng, lên làm thuê. Họ ở đầy trong bản ta đó.
-         Nhưng người này lên đây lâu lắm rồi, phải đến mấy chục năm...
- Tên Thơm à ? Già rồi chứ gì? Thế thì ta biết. Ai trong bản này mà chẳng biết mẹ con nó. Nhưng nó ra ngoài thị trấn được hai năm rồi. Nhà nó trước ở trên đồi kia kìa !
 Chị nhìn theo tay chỉ. Một khu đồi lởm chởm đất đá. Những đụn đất từ lòng đồi đào lên đỏ lòm như máu.
-         Ra thị trấn rồi à ? Thế mà tôi lại từ thị trấn vào đây tìm…
-         Ừ, thì mai lại theo xe mà ra thôi, tối nay vào nhà ta ăn cơm, ngủ lại, ta không lấy tiền đâu mà lo. Chị là thế nào với nó ?
-         Dạ, tôi là…một người cùng quê.
  Chị theo cụ về ngôi nhà sàn duy nhất của bản. Những cây cột lim to như cột đình, vách nhà thưng gỗ rất cầu kì, sàn cũng lát bằng một thứ gỗ thật đẹp. Đêm ấy, khi bản làng đã chìm vào giấc ngủ, giọng kể chuyện của cụ vẫn đều đều như tiếng vọng từ một quá khứ xa xăm…
- Nó lên đi làm thuê. Ai thuê gì cũng làm: phát rẫy, cấy lúa, rào nương…Cái bụng nó thì càng ngày càng to. Nó siêng năng, thật thà nên cả bản ta ai cũng thương. Nó ở nhà này ít lâu lại chuyển sang nhà khác. Khi không có việc làm, người ta cũng nuôi. Hôm ấy, nó đi bắt con hến ở ngoài khe (cái khe  bây giờ đỏ lòm thế nhưng trước đây nước trong lắm, cá nhiều, ốc hến cũng nhiều), thế là nó đẻ con rơi ngay trên bãi cát, ta đi rẫy qua trông thấy, gọi người ra bế cả hai mẹ con về.Mẹ thì ướt như con chuột, còn đầu thằng bé dính đầy cát với cỏ rác…
 Lặng yên. Thời gian như ngưng lại. Chị nóng lòng giục:
-         Thế rồi sao? Thằng bé có sống được không?
- Sống chứ! Nó như cây măng rừng, đã chồi ra khỏi đất rồi thì cứ thế mà trỗi dậy, vươn thẳng lên bầu trời để tắm cái nắng, cái gió của ngàn xanh. Hồi đó bản ta còn đói lắm. Ông trời nhiều năm nổi giận, không cho mưa xuống, cây lúa trên rẫy không ra bông được. Con nít bản ta mới sáu, bảy tuổi đã biết cầm con dao, cái xuổng vào rừng đào củ mài, kiếm măng đắng.  Nó đẻ vào cái dịp đói, chỉ có ít ngô thôi. Thằng bé được ăn ngô từ khi mới lọt lòng...
  Cụ lại ngừng lời. Kí ức một thời nghèo đói ùa về. Cụ muốn lặng sống với nó để thương cho một quãng đời lam lũ, cơ cực đã đi qua nhưng không dễ gì quên. Còn chị, hình ảnh một đứa bé đỏ hỏn, ướt át như con chuột con được ủ trong tấm vải dệt thô cứng mà ấm áp tình người ấy cứ ám ảnh trong đầu. Đêm lại lặng lẽ trôi trong giọng kể đều đều của cụ:
- Thế mà nhờ trời, hai mẹ con đều khoẻ. Con nó được một tháng thì bản dựng cho ngôi nhà tranh trên đồi đó. Người trong bản có gì ăn cũng đều cho hai mẹ con: bắp ngô, củ sắn, vắt xôi, hay có khi chỉ là bát canh rau rừng bỏ thêm con ốc, con cua. Ta đến thăm nó thường xuyên. Nó khóc và bảo: “ Tôi làm phiền bà con bản ta nhiều lắm. Chẳng biết khi nào cho hết khổ...” Ta nói với nó: “ Mày đã thành người của bản ta rồi, phải học cách sống của người Thái thôi. Khổ mà không kêu thì không thấy khổ, muốn nước mắt không rơi thì đừng có khóc. Thế đấy”. Nó nghe rồi lặng im. Thằng con nó cứ thế, theo bao mùa mưa mà lớn lên. Nó chẳng khác gì những đứa con của bản: đen trùi trũi, tóc vàng hoe như cái đuôi bò, suốt ngày mặc độc một cái quần đùi. Tay cầm chắc con dao rồi thì theo mẹ lên rẫy, lên nương trồng lúa, trồng ngô.
-         Thế nó không đi học à?
 Cụ đứng dậy, lại lấy khay trầu:
-         Có ăn không?
-         Dạ, cụ cho con một miếng. – lúc này chị mới thấy nhạt miệng.
Hai người ngồi lặng lẽ nhai trầu. Miếng trầu miền xuôi hay miền núi đều thơm  và ấm như nhau.Cụ lại hạ giọng trầm xuống:
- Học hành gì đâu. Thời đó bản ta còn lạc hậu lắm. Con cái chẳng mấy đứa được đến trường.Quần áo mặc đi học cũng không có. Trường học thì mái tranh xập xệ, trời mưa ngồi trong cũng ướt như ở ngoài. Bàn ghế học sinh, giường cô giáo, bàn họp của trường...tất cả đều dùng tre nứa ghép lại. Chưa hết năm thì con mọt nó đã làm cho sập xuống. Khổ thế nên có cô giáo đầu năm còn đi vận động các em đến trường, giữa năm đã chạy dài về quê... Trong bản đầy người thất học, nói chi đến thằng bé.
   Chị cố nén một tiếng thở dài.
Bà cụ lại ngồi bó gối, trầm ngâm:
- Thời nào theo thời đó. Con cái không học thì mười hai, mười ba tuổi đã lấy vợ, lấy chồng rồi bám lấy rừng mà sống. Rẫy này làm vài năm, cây ngô, cây lúa không tốt nữa thì bỏ đi phát rẫy khác. Nhưng con trai nó thì đến mãi ngoài hai mươi tuổi cũng chưa lấy được vợ. Nó khoẻ như con trâu rừng. Con gái nhiều đứa thương nó đấy, nhưng nhà nó không có bạc nén, không có trâu nên cha mẹ con gái  không gả cho. Nhưng rồi có lẽ nó hiền lành, siêng năng nên ông trời cũng thương, đưa đến cho nó một con vợ. Đó là một cô gái hay vào bản bán thuốc lào, cá khô, mắm ruốc. Lúc đầu, thỉnh thoảng tối rồi mà chưa hết hàng thì nó xin nghỉ lại nhà hai mẹ con. Lâu dần, hầu như đem nào nó cũng ngủ lại. Thế là nó có vợ. Không phải cưới xin gì cả. Vợ nó cũng siêng nhưng cái miệng hay chửi chồng lắm. Đứa con đầu lòng bị con “phí”  bắt khi mới được hai ngày. Nó ôm con khóc. Nhưng ông mo bản ta đã lấy đi, chặt đôi ra rồi chôn xuống đất.
-         Khiếp, sao ông mo ác thế?
- Không ác đâu, làm như thế để con ma nó không theo về bắt đứa khác.  Thế nên, hai năm sau thì vợ nó lại sinh được một đứa con trai kháu khỉnh lắm.
  Cụ lại im lặng, thở dài. Đêm bước đi trong tiếng côn trùng nỉ non buồn bã.
- Mấy năm sau, bỗng nhiên bản ta rầm rộ người lên khai thác quặng. Họ đào xới, lật tung đất đá lên mà kiếm tiền. Người trong bản ta nhiều người bỏ ruộng, bỏ nương mà tìm quặng. Con nít có đứa không muốn đến trường. Có tiền mà ! Tiền thì ai chẳng ham. Mỗi ngày đi đãi mót lại đất của người ta cũng được năm chục ngàn, đi học thì được cái gì ? Cha mẹ nghĩ thế, con cũng nghĩ thế. Nhưng cũng chỉ số ít thôi. Dân bản ta nay đã biết thích học cái chữ để thoát nghèo rồi. Thoát mghèo bằng cái đầu của mình chứ không phải bằng những đợt trợ giúp của chính phủ.
 Thằng con nó nhập hội, có ngày kiếm được khối tiền. Nó bảo sẽ cố gắng làm được cái nhà, không thể chui rúc trong lều mãi được. Vợ  nó thì chuyển sang nấu ăn cho các hội đào quặng. Đang yên đang lành, bỗng một buổi trưa, nó vác dao đuổi chém tên trưởng hội, mặt nó đỏ bầm lại, máu tuôn xối xả từ vai thằng kia.Nó gầm gừ như con thú dữ. Nó chửi con vợ lăng loàn, con vợ đĩ thoả.Cảnh vợ và tay trưởng hội đang tồng ngồng trên giường, mê mải, hì hục quấn nhau như hai con trăn không bao giờ nó quên được.Và nó bỏ đi . Mẹ nó hốt hoảng ra thị trấn tìm kiếm mấy ngày rồi thất thểu trở về. Ít lâu sau, con dâu và đứa cháu nội cũng biến mất tăm mất dạng. Thế là con Thơm lại trở về cảnh lầm lũi, cô quạnh như con mèo già đáng thương.
-         Thế sao bây giờ bà ấy lại ra thị trấn ?
- Ấy,  ông trời cứ bắt ta đi theo đường định sẵn mà ta không hề biết trước. Ai ngờ,  cái nhà của nó ở lại nằm trên một đống tiền. Người ta mua lại mảnh đất ấy với giá năm trăm triệu đồng.  Năm trăm triệu ! Cái con số mà bảo ta viết ra, ta cũng không viết được, cái số tiền mà bảo ta đếm, ta cũng đếm trước quên sau, chẳng biết bao nhiêu tờ thì đủ . Con Thơm gần như ngất xỉu đi. Nó ốm mất cả tuần vì lo. Cũng may, thằng con trai nghe tin nên lù lù trở về, nó bảo mẹ :
- Mẹ chẳng phải lo gì cả. Con sẽ mua hẳn một ngôi nhà ở thị trấn. Mẹ ra ở với con. Chuyến này, con sẽ làm ăn lớn đàng hoàng... Thôi, con gà cũng sắp thức dậy gáy rồi đấy. Ngủ đi rồi mai ta bảo cháu gái ta đi cùng mà tìm nó.
 Chị vào gường, nằm mãi mà không sao chợp mắt được. Chị cũng không dám nói thật với bà cụ tốt bụng rằng chị đâu phải là người quen...
  Năm 1972, mười sáu tuổi, chị bước về nhà chồng. Sống với nhau được một tuần thì anh ấy lên đường vào Nam đánh giặc. Và chị trở thành goá phụ khi mới tròn mười tám tuổi, chưa kịp có đứa con nối dõi tông đường theo nguyện vọng của gia đình anh. Tuổi xuân chị trôi đi trong những bận rộn chăm sóc bố mẹ chồng đau ốm. Hai cụ lần lượt qua đời, để lại ước nguyện cuối cùng: “Con cố gắng tìm  hài cốt của nó về cho gần cha mẹ”.  Chiến tranh qua đi mấy chục năm rồi. Danh sách những liệt sĩ chưa tìm thấy mộ vẫn dài dằng dặc như con đường Nam tiến khi xưa...
  Thế rồi, thật may mắn làm sao, sau bao nhiêu năm lặn lội kiếm tìm, nhờ sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm, chị đã đưa được anh về. Trong cuốn nhật kí của anh, vào trước ngày mất, có viết: “ Nếu con có hi sinh, xin cha mẹ hãy tìm gặp cô Thơm, là thanh niên xung phong, ở làng ...xã Diễn Kỉ, huyện Diễn Châu. Con biết, cô ấy đã mang giọt máu của con trở về làng....Anh xin em tha thứ cho anh, trong hoàn cảnh bất ngờ, anh đã phản bội em...Chiến tranh em ơi, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc, ta khó mà làm chủ bản thân mình...”
  Đến Diễn Kỉ,  người cháu trai ngậm ngùi: “ Nghe bảo cô bỏ nhà đi từ dạo đó. Chẳng ai biết đâu mà tìm. Ba năm trước, người làng có gặp cô hiện đang sống trong một bản người Thái ở huyện Quỳ Hợp. Mấy lần cháu lên đưa về nhưng cô  không chịu.”
 Cuộc đời nhiều khi nó có những cái vòng vèo đến lạ. Người chị cần tìm lại chính là người đàn bà đã ngã vào trước đầu xe hôm qua. Ngôi nhà rộng và khá đẹp, nhưng có cảm giác hoang lạnh. Lặng yên hồi lâu như để sống lại những ngày sôi nổi, trẻ trung và cũng vô cùng hiểm nguy, gian khổ khi xưa, người đàn bà lau nước mắt, những nếp nhăn càng thêm sâu hoắm:
- Nó mua ngôi nhà này hết ba trăm triệu. Còn tiền, nó đầu tư mua đất, làm quặng.Chẳng biết lời lỗ thế nào, một đêm tôi đang ngủ, nó chợt về dựng dậy và bảo: “ Nhà này con bán cho người ta rồi, nhưng mẹ đừng lo, con sẽ chuộc lại. Con thoả thuận với người ta cho mẹ ở, khi nào con về hãy hay.”. Tôi chết đứng như trời trồng, toàn thân lạnh toát. Thế là ngày hôm sau, tôi đã trở thành người ở cho một kẻ lạ. Bà con  hàng quán ở đây thương tình, bảo tôi đến lấy nước rác mà nuôi con lợn con gà...
  Hai người phụ nữ lặng lẽ trong đêm.Ngoài vườn, những chiếc lá khô xào xạc...
 - Thôi, dọn về ở cùng tôi. Tôi là vợ liệt sĩ, con chị là con liệt sĩ. Chắc trên trời cao, anh ấy cũng thoả lòng.
 - Nhưng còn con tôi ? Tôi sẽ ở đây để đợi nó về…
 Trước khi lên xe, chị nhắc lại câu đã nói nhiều lần trong đêm :
Chị cứ đợi con, tôi đợi chị. Chắc chắn, chúng ta sẽ đoàn tụ trong một ngày gần đây. Hồn anh ấy trên trời cao linh thiêng lắm đấy

43 nhận xét:

  1. Lão đọc chỉ để gianh giật tem vàng và mơ lĩnh thưởng . Truyện viết truyền cảm , khá lôi cuốn và có cấu trúc , mạch chuyện hay. Trên nền cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ người đọc vừa xúc động vừa cảm nhận thấy sự mất mát , đức tính hy sinh muôn thưở của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tặng tem vàng cho lão ( nhưng thưởng thì đừng mơ vì với lão, em cần nhận xét dài hơn cơ, càng dài càng tốt, ngắn thế này thưởng làm gì phí của! He...)

      Xóa
  2. ” Chao ôi là thân phận đàn bà ! Không có chồng cũng khổ, nhưng có chồng chắc gì đã sướng?”.
    Phận đàn ông bây giờ cũng thế thôi.
    Hôn nhân chưa hẳn là hạnh phúc nhỉ?
    Giải thích:
    1/ Người có số!
    2/ Cái nghiệp. (hậu quả của kiếp trước).
    3/ ...
    4/ Chẳng có cách nào là "phải" tuyệt đối cả. Lý giải cho phận người đỡ buồn thôi.
    Một cảnh đời được tả rất sinh động. Truyện gợi nhiều suy tư.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần lớn, hôn nhân là hạnh phúc chứ R. NT đồng ý với R là con người ta nhiều khi do kiếp trước "ăn mặn" nên kiếp này "khát nước". Vậy thì phải tu cho kiếp sau thôi, R nhỉ?

      Xóa
    2. kiếp trước "ăn mặn" nên kiếp này "khát nước".Chỉ là một trong nhiều lối giải thích của con người cho con người chịu sống trên trần gian này thôi.

      Xóa
  3. mỗi người có một cuộc đời và số phận của mình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế anh nhỉ? " Bắt phong trần phải phong trần? Cho thanh cao mới được phần thanh cao."

      Xóa
  4. Em viết hay quá, anh đọc mà như bị cuốn vào từng chi tiết của cốt truyện, chúc em luôn vui vẻ và khoẻ mãi để viết mãi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời khen của anh Mẫn, em sẽ cố gắng ạ.

      Xóa
  5. Truyện viết chân thực, các tình tiết sinh động, hấp dẫn, nhiều cảm xúc khiến người đọc thật sự cuốn hút và xúc động...
    Chúc em luôn khỏe vui và có thêm nhiều tác phẩm hay nữa nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thích những bài thơ đăng gần đây của anh. Ít ra cũng làm người đọc đỡ trằn trọc.
      Chúc anh luôn hạnh phúc nha.

      Xóa
  6. Thương thay thân phận đàn bà
    Trách người thì một, trách ta thì mười!

    Câu chuỵện có hồi kết còn trong dấu (...) Không biết hai người phụ nữ đều là vợ của liệt sỹ có về ở cùng nhau hay không? Có lẽ người đàn bà bất hạnh kia vẫn không dọn về nhà người phụ nữ đo mà còn phải chờ đợi người con trai duy nhất của mối tình trong chiến tranh trở về?

    Câu chuyện rất thực mà chúng ta thường gặp trong cuộc chiến...Tuy nhiên, em viết dài (nếu em chia ra thành 2 entry thì chắc hợp lý hơn) bởi chắc chắn có nhiều người không thể đọc liền một mạch để có nhận xét đầy đủ như mong muốn của tác giả và mọi người được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì chỉ có một người được gọi là vợ liệt sĩ thôi anh, còn người kia thì chưa ( như thiếp 12 vậy mà. He...)
      Theo em, chỉ đến đó thôi để ta hiểu về người phụ nữ: mất mát, hi sinh lặng lẽ và giàu lòng vị tha.
      Thôi cứ để dài thế. Người đọc mỏi đâu nghỉ đó anh à.

      Xóa

  7. Trăm năm hay mãi ngàn năm
    Ta nằm ta ngủ âm thầm suy tư
    Trăm năm đời quá ngẩn ngơ
    Mẹ ru ta ngủ thẫn thờ vì ta
    Thuở ta vừa mới sanh ra
    Đã mang tiếng khóc oa oa chào đời !
    Trăm năm trong một kiếp người
    Mẹ ru ta ngũ không lời thở than
    Mẹ ơi lời ngọc tiếng vàng
    Mẹ ru như thể cung đàn ngân nga
    Lời yêu ôi quá ngọc ngà
    Còn vang vang đọng lòng ta thuở nào
    Tình nào ôi quá thanh tao
    Là tình của Mẹ hát rao một thời
    Trăm năm tình ngắn Mẹ ơi
    Mẹ đâu còn nữa trong đời cùng con !
    Tóc mây một mái hao mòn
    Lời yêu đã cạn, tình còn thiên thu.......
    Trăm năm tình , một cơn mơ
    Mẹ ra đi mãi con chờ trăm năm !
    Trăm năm hay mãi ngàn năm
    Để con mất Mẹ âm thầm khóc la
    Trăm năm trong kiếp người ta
    Cô đơn trong cõi chan hòa lệ rơi...
    Mẹ hy sinh cả cuộc đời
    Mẹ là ánh sáng một trời thương yêu
    Đau thương giờ biết bao nhiêu
    Nhớ thương Mẹ lắm những chiều bơ vơ
    Mẹ ơi thương Mẹ thẫn thờ
    Nữa đêm con ngủ nằm mơ thấy Người
    Trăm năm trọn một cuộc đời
    Ôm chăn nhớ Mẹ chơi vơi nỗi buồn
    Lệ tình đẫm gối tuôn tuôn
    Khóc thương Cha Mẹ đoạn trường xiết bao !
    Đời là một giấc chiêm bao
    Hẹn ngày tái ngộ cõi nào Tây Phương...

    (Con kính dâng lên Cha là Ông Phan văn Cung và Mẹ là Bà Nguyễn Thị Tánh)

    -






    Trả lờiXóa
  8. HĂM CHỊ MANH GIỎI HP MM VÀ BA TRONG NĂM MỚI !

    Trả lờiXóa
  9. Đọc câu chuyện chị kể! dẫu dài nhưng cách viết lôi cuốn và các cuộc đối thoại đã cuốn người đọc theo. Tới dấu ba chấm thì mới biết là hết đấy ... Chiến tranh đâu chỉ đề lại hậu quả cho người trực tiếp cấm súng phải không ạ? Những người mẹ người vợ mang nỗi đau âm thầm dai dẳng .......
    Chúc chị vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn XS nha. Ngày xưa, người phụ nữ khổ thế, giờ bù lại, XS lo mà...yêu đi ( là làm thơ tình mà tặng chị ấy. Hi hi...)

      Xóa
  10. Những ngả đường của tình yêu thương, dẫu có xuất phát trăm ngàn lối khác nhau, nhưng đều có điểm đến chị ạ.
    Kí ức chiến tranh là thế, rất nhiều những cảnh đời trái ngang. Những gì cả thế giới biết, chưa phải là tất cả.
    Câu chuyện này quả có hơi dài (so với khuôn khổ blog) nhưng sự cuốn hút của những số phận và cách kể chuyện đan xen hiện tại và quá khứ đã làm mất đi cảm giác dài đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị vẫn hay có thói con cà con kê vậy mà. Viết một mạch thấy sang trang 4 rồi mới giật mình...phanh lại.Cũng đã cắt đi một số chi tiết nhưng vẫn dài.

      Xóa
  11. Thế rồi sao hả chị? Người đàn bà ấy có về ở với người đã đi tìm mình không? Chị để cái kết cho mọi người tự suy đoán phải không ạ? Em hi vọng mọi điều sẽ tốt đẹp cho người đàn bà ấy. Tội nghiệp quá chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về hay không là ở tấm lòng của người đời Thủy ạ.

      Xóa
  12. 1/"bắp ngô, củ sắn, vắt xôi, hay có khi chỉ là bát canh rau rừng bỏ thêm con ốc, con cua..." thì rất hay nhưng bắp ngô hình như thừa 1 từ, ở quê Mộc gọi là trái bắp, còn trong sách giáo khoa ghi là ngô. Thành xem lại chi tiết nầy (truyện ngắn, ít đất, ít chữ nên phải thật tiết kiệm mới hay)
    2/"Chuyến này, con sẽ làm ăn lớn đàng hoàng... Thôi, con gà cũng sắp thức dậy gáy rồi đấy." Không biết đằng sau dấu chấm lững có được viết hoa không nữa, bạn là giáo viên thì chắc rã hơn Mộc!
    3/ "Nhưng còn con tôi ? Tôi sẽ ở đây để đợi nó về…" Câu nầy thì lại có dấu hỏi (?) nằm giữa câu. Nếu như là dấu chấm thì có được không hả bạn ?
    4/ Về nội dung thì chặt chẽ, mạch lạc, hay kết thúc hơi lơ lủng, dúng bản chất dòng văn học thứ 3: để bạn đọc kết luận hộ chứ không phải tác giả hay nhân vật kết luận, đây là cách viết rất khó, bởi vì không có cái "tôi" tác phẩm làm chủ. Trung Quốc thường hay sử dụng phương pháp nầy và họ đã thành công. Bởi, "chắc chắn chúng ta sẽ đoàn tụ" vì nhân vật tin vào "sự linh thiêng" của ai kia ... đấy thuộc về thì tương lai, nó không những lơ lửng mà xa vời, không biết có được không nữa ... hơi ác!
    Mộc ghé thăm bạn, đọc đi đọc lại thấy sướng cả nội dung và hình thức truyện, rất đáng học tập, còn những góp ý trên là theo phản xạ tự nhiên của một người cũng từng viết truyện ngắn và tứng được bạn đọc khen/chê dữ dội, thế thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão dừng lại lời còm của Mộc và khá tâm đắc cái tình nghệ sĩ của người mang dòng máu nghệ sĩ trong lời còm .
      Thắc mắc của Mộc là có cơ sở, nhưng thực tế phương ngữ lại đúng như tác giả viết. Miền nam goi bắp , miền bắc gọi ngô . Vùng miền núi và một số trung du miền trung gọi là bắp ngô .Qua những gì thể hiện , tác giả có một vốn sống khá vững khi viết về vùng miền núi , vùng đồng bào dân tộc Thái , nên cấu trúc truyện sống động và gần gũi đời thường. Đây chính là điểm mạnh của tác giả khi viết truyện này và cũng là yếu tố làm câu chuyện trở nên hấp dẫn , lôi cuốn.
      Đúng là truyện ngắn ít đất , cần dè xẻn chi tiết , tiết kiệm, như lời Mộc nhận xét. Qúa ham kể chuyện dễ sa vào lan man những gì không cần thiết. Truyện ngắn là nghệ thuật khắc họa nhân vật và cuộc sống , đừng đắp quá nhiều màu sắc vào một bức tranh . Và theo quan điểm văn học , viết càng ngắn càng hay . Ngắn gọn là lấp ló của tài năng !
      Xin cảm ơn Mộc - mặc dù là nhà của...vợ ( hehe) lão cũng manh dạn gõ mấy lời từ khởi xướng đọc thấy sương sướng của Mộc !

      Xóa
    2. cảm ơn sự chân tình của ... chồng, chúc cả nhà ta vui hết mùa xuân nầy lun nha!

      Xóa
    3. - Chuyến này, con sẽ làm ăn lớn đàng hoàng... Thôi, con gà cũng sắp thức dậy gáy rồi đấy. Ở đây bà cụ đang nhắc lại lời anh con trai cho khách nghe, chợt thấy trời đã sắp sáng nên bỏ lửng một chút rồi giục khách ngủ. Dấu (...) cũng có giá trị như kết thúc câu anh à. Còn cũng vì kiệm lời nên câu nghi vấn em bớt đi 2 từ: " Nhưng còn con tôi thì sao?" Ngữ pháp VN vẫn cho phép thế, đúng không anh?
      Rất vui vì anh đã đọc kĩ và có những nhận xét em luôn mong đợi ở bạn bè.
      Anh chúc hết mùa xuân thì hơi dài đó nha. Làm vợ lão Tan thì chỉ được một hồi thôi, vì lão còn bận ...nhiều vợ khác. He he...

      Xóa
    4. lão ấy là mình ... dây đấy, tuy có hơi xương xẩu nhưng thuộc hàng hiếm, hihihi!

      Xóa
    5. Hàng hiếm, khó kiếm, nhưng không được dấu diếm. Thế mới khổ anh Mộc à.

      Xóa
    6. Mình cũng xin được chen ngang vào một chút thế này: câu thứ 4 của BÌNH ĐỊA MỘC thì mình hoàn toàn tán đồng và nhất trí với bạn, vì mình cũng đã có lời com sơ qua đầu tiên cho truyên này rồi.
      Về câu 1/: ở miền Bắc và Bắc Trung bộ gọi ngô là một loại cây lương thực. (tiếng Hán gọi hạt ngô là đại mễ - hạt gạo lớn). Trong cây ngô có gốc ngô, rễ ngô, lá ngô, hoa ngô (cờ) và bắp ngô. Bắp ngô có thể coi như là quả (trái) ngô mọc ở giữa thân. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ NƯỚC NGÔ NON đã viết về một bà má Quảng Trị mời các con chiến sĩ giải phóng quân quà từ cây ngô thế này:
      Cửa Việt bom dội trắng tay
      Chỉ còn mấy bắp ngô này con ơi
      Con về giữa buổi nắng nôi
      Quà đồng chỉ có thế thôi, gọi là...

      Nghẹn ngào mẹ chẳng nói ra
      Ngẹn ngào chiến sĩ nhận quà ngô non
      Ít ngô mà lại nhiều con
      Mẹ cười móm mém: hãy còn nước đây...
      Bài thơ còn 2 khổ nữa nói về nước (bắp ngô) luộc, nhưng như vậy cũng đủ ta hình dung và hiểu Nhật Thành dùng từ "bắp ngô" theo phương ngữ miền Bắc và Bắc miền Trung là phổ thông và hoàn toàn chính xác.
      Câu 2/: "Chuyến này, con sẽ làm ăn lớn đàng hoàng... Thôi, con gà cũng sắp thức dậy gáy rồi đấy."...Các dấu chấm lửng (...) sau chữ "đàng hoàng" trong trường hợp này, xem như dấu chấm hết câu (.), tiếp đó ta có thể viết hoa cho chữ đầu của câu tiếp theo...
      Câu 3/: "Nhưng còn con tôi ? Tôi sẽ ở đây để đợi nó về…" Dấu chấm hỏi ở đây dùng trong trường hợp câu nghi vấn, thay cho các từ "thế nào", "ra sao", thì sao". V.v... Đây là một cách dùng từ giản tiện, cô đọng, có sức nén của truyện ngắn, càng biểu đạt ý nghĩa, làm giàu cho ngữ pháp Việt Nam...
      Đôi điều mình góp ý và chia sẻ để rộng đường dư luận, rất mong được BÌNH ĐỊA MỘC cũng như chủ nhà và bạn đọc cảm thông nhé... Xin cảm ơn!

      Xóa
    7. Cảm ơn anh đã làm "sáng sự lẽ" những điều mà anh Mộc băn khoăn. Tuy nhiên, giải thích ngắn gọn như...chồng em (he he...) và em cũng tạm ổn rồi ạ.
      Xin phép gọi tạm một chút thế không sao đâu nhá.

      Xóa
    8. í quên, đi Tương Dương về chắc vui? Xin chúc mừng nha.

      Xóa
    9. Cảm ơn anh Thứ đã góp ý thêm, nhưng sau khi đọc các cmt của các anh, các chị Mộc mò và google thì họ bảo đằng sau dấu chấm lững có viết hoa hay không thì cũng tùy và chưa ngả ngủ, kể cả đằng sau các dấu chấm than (!) dẩu hỏi (?) nữa mà chỉ có sau dấu chấm (.) là tuyệt đối viết hoa.
      Về ý thứ 3 cũng vậy, hình thức là dấu chấm hỏi không đẹp, làm khựng lại câu văn vốn rất cần sự liền mạch trong truyện ngắn, ý thứ 2 là hãy để cho độc giả tự hiểu như Mộc đã trình bày lúc đầu. Vậy nên, giải quyết vấn đề vừa thấu tình đạt lí trong bất kì một tình huống nào quả thật là khó. Tuy nhiên Mộc cũng chỉ là người ham viết và hơi nhạy cảm trong ngôn ngữ nên chỉ nói thế thôi chứ Mộc cũng phải học hỏi anh Thứ và các bạn khác nhiều nữa ạ!

      Xóa
    10. Thân gửi anh Bình Địa Mộc!
      Cảm ơn anh đã cảm thông và chia sẻ với tôi. Thật ra, tôi cũng ko dám nói là mình biết gì hơn anh đâu, nhưng cũng mạnh dạn nêu ra những cách hiểu và cảm nhận của mình để chúng ta cùng tham khảo. Chứ cái sự hiểu về các vấn đề nó mênh mông lắm anh à. Cho nên tôi cũng chỉ dám nhận mình là một cậu học trò nhỏ, phải cố gắng học hỏi đến hết đời vẫn chưa đủ. Nhất là "phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam", nó luôn biến hóa, chuyển động ko ngừng. Những điều chúng ta trao đổi với nhau ở trên cũng chỉ là những khái niệm tương đối thôi.Tùy từng ngữ cảnh mà có thể dùng các dấu, câu sao cho linh hoạt và phù hợp anh ạ. Ngay như từ ngữ, bây giờ cũng đã xuất hiện thêm rất nhiều từ mới lạ rồi. Có thể nó chưa hẳn đã hay hoặc chính xác nhưng cũng làm mới, làm giàu cho kho tàng tiếng Việt và giúp câu văn có sự vận động, lấp lánh hoặc góc cạnh và sáng tạo hơn...
      Tôi thỉnh thoảng vẫn sang nhà anh đọc, tuy ko để lại lời bình nhưng vẫn thầm khen và học cách viết của anh - nhất là thơ lục bát rất linh hoạt, na ná như là biến thể, làm cho câu thơ trở nên mới mẻ và ấn tượng... Chúc anh sức khỏe, thành công và mọi điều thật tốt đẹp anh nhé!

      Xóa
    11. Với anh Bình Địa Mộc:
      Anh yên tâm nhé, riêng về vụ dấu câu thì có trong chương trình học phổ thông mà em vẫn dạy cho học trò đó anh. SGK chính thống của Bộ GD anh à. Câu trần thuật có thể kết thúc bằng dấu (.), dấu (:), dấu (...). Trong văn cảnh trên có thể kết thúc bằng dấu (...) được.
      Còn câu nghi vấn ấy trong lời thoại cũng bình thường thôi, vì khi nói( đọc), ta thay đổi ngữ điệu thay cho từ dùng tạo kiểu câu nghi vấn. Anh nói đúng, chỗ đó khựng lại một chút thì theo em hay hơn ạ.
      Em rất quí những lời nhận xét mang tính thảo luận như thế này, cảm ơn anh thật nhiều.

      Xóa
    12. Thưa anh Trứ và em Thành thân mến!
      Mộc chơi blog cũng không lâu lắm nhưng đại thể là không phải lính mới ... toanh nên hiểu người và biết ta lắm lắm, tuy nhiên Mộc cũng rút ra một cách thức chung rằng chơi blog là một quá trình sàn lọc, học hỏi và tu tâm - tu tính - tu từ rất quý. Và, không ở đâu bằng chốn nầy, ngươi ta có thể tự xấu hổ, tự vã vào mặt mình, tự khẳng định mình ... nói chung các loại ... tự, kể cả tự sướng một cách âm thầm không ai biết, đó là cách để ta tự tồn tại, còn nếu để bàn dân thiên hạ biết về mình thì ôi thôi mình đã xếp bút nghiêng như một số người một thời đình đám nhưng bây giờ lặng lẽ, thậm chí không dám ... thò đầu ra mạng vì ... sợ giang hồ ném đá bởi ... đã dại dột chơi chiêu" thùng rỗng kêu to" rồi, Đặc biệt, trên thế giới ảo nầy tuy khuất người khuất mặt nhưng có những ý kiến đóng góp lập tức trở thành bạn, thành quân sư, thành thầy (về mặt nào đó) như Thành đã từng sửa sai cho Mộc vậy, nhưng có những cmt lợi dụng sự sơ sót của bạn để thoa má, lặng mạ, khinh miệt ... rất đáng buồn. Mộc gặp hết rồi, va đập hết rồi để rồi cuối cùng Mộc vẫn là Mộc bởi cái tình blog mới đáng quý, đáng trân trọng làm sao, còn tài năng tài thì đương nhiên "mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười rồi" hihihi!

      Xóa
  13. Em sang thăm và Chúc chị ngày nghỉ cuối tuần bình yên và dạt dào niềm vui

    Trả lờiXóa
  14. Em viết như nhà văn ấy nhỉ? Đúng là "Thân em như hạt mưa sa.." Sắp đến ngày của chị em mình rồi!
    Chị Ngựa đọc chuyện rồi đọc comment của mọi người và reply của em chị thấy vui lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng vọc vạch chút cho vui vậy mà chị.
      Chúc chị chuẩn bị ngày 8/3 thật vui chị nhé. Em cũng đang làm chương trình cho Câu lạc bộ.

      Xóa
  15. Anh vào Quỳ Hợp "kiếm, tìm"
    Chuyện xưa chắc đã im lìm trong tâm?
    Bao nhiêu thiếu phụ khóc thầm?
    Mối tình dang dở thăng trầm tháng năm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ hay! Tìm ai? Kiếm ai? Định tìm cả hai người đàn bà đó chắc? Sợ bao nhiêu thiếu phụ khóc thầm mà không sợ thiếp khóc lu loa lên à? Hu hu...

      Xóa
  16. thật xúc động khi dọc xong câu chuyện hay..hiểu thêm 1 cuộc đời buồn của người phụ nữ..dù chiến tranh đã qua rất lâu mà âm hưởng của nó còn lưu lại rất nhiều, rất lâu từng thân phận người khốn khổ..chúc mừng nhà văn đã ra lò câu chuyện hay...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu ngày a2 mới ghé thăm em đó nha.Nhưng thôi, vì được khen nên em cũng bỏ qua. He he...

      Xóa