TÌNH YÊU MÙA XUÂN CỦA TRƯƠNG
QUANG THỨ.
(Phan Văn Từ)
Trong cái lạnh giá buốt của mùa đông đã tiềm
ấn sức sống trẻ trung của mùa xuân, bất chấp giá lạnh, những cành đào khẳng
khiu đã hé những nụ hoa đầu tiên, rồi hoa đào rực rỡ kéo nắng xuân trở về. Mặt
người cũng hồng hào hơn trước sắc hoa, trước sự dập dìu của những cánh ong. Đã
nghe thì thầm trong gió tiếng dịu dàng của hương, đã nghe tiếng nụ chồi tách vỏ
làm nên cái nặng đầy của mùa xuân.
Tiếng dịu dàng của hương
Nghe thì thầm trong gió
Tiếng nụ chồi tách vỏ
Nghe nặng đầy trong cây.
Tiếng mùa Xuân đâu đây
Nghe tim mình chộn rộn
Như có lời hò hẹn
Suốt đời mãi kiếm tìm.
Có thể tiếng lòng em
Không vọng về anh nữa
Nụ hoa đào vẫn nở
Như nỗi nhớ trước thềm
Và nếu ai lãng quên
Thì mùa Xuân vẫn đến
Mùa Xuân không lỗi hẹn
Gọi tình yêu trở về…
Nhà thơ Trương Quang Thứ đã mở đầu bài thơ Tình yêu mùa xuân của mình bằng bốn câu
thơ tả cảnh thật đẹp. Những ai chăm đọc báo tết, báo xuân sẽ nhớ đến một Trương
Quang Thứ với những bài thơ đẹp, trong lành như những hạt mưa xuân ấm nồng.
Con người luôn mở rộng vòng tay ưu ái với đời
này lại là một người chịu khá nhiều bất hạnh. Năm 1973, sau khi học xong PTTH,
anh ở lại địa phương tham gia sản xuất, giữa buổi cày ruộng, anh vấp phải mảnh
bom giặc Mỹ, chân toạc máu. Sau mấy tháng chạy chữa ở quê nhà, bệnh chuyển sang khớp. Lại những năm
tháng nằm liệt giường ở bệnh viện Việt Nam- Ba Lan, bệnh viện Việt Đức, bệnh
viện Đông y trung ương, rồi cuối cùng là bệnh viện Hà Bắc. Tai đây, anh gặp chị
Nị, cô gài Kinh Bắc này đã thông cảm sâu sắc với nỗi đau của Trương Quang Thứ,
yêu và xây dựng gia đình với anh. Năm 1977, vợ chồng họ chuyển từ Hà Bắc về
Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu quê anh. Hai lăm năm sống với người vợ và ba cháu trai
trong bầu không khí đạm bạc mà ấm cúng, văn hóa ở một làng biển cách trở với
huyện lỵ và thành phố ồn ào. Hai lăm năm, với chiếc ghế đặc biệt tư thế nửa nằm
nửa ngồi, Trương Quang Thứ đã làm việc và nghỉ ngơi. Với một người dị tật nặng
như anh, sống được đã là một nỗ lực phi thường, nhưng ở anh, sống không phải là
cứu cánh duy nhất, anh còn có hoài bão đóng góp cho đời những sản phẩm tinh
thần do chính trái tim, khối óc mình tạo nên, những bài báo, trang văn, câu thơ
đã ra đời từ cái ghế đặc biệt ấy. Hoài bão phi thường của anh được đền đáp:
cuối năm 1999, bạn bè văn nghệ đã xúm nhau giúp anh xuất bản tập thơ đầu tay,
và “Tình yêu mùa xuân” là một trong 34 bài thơ được chọn in trong tập “Tình
Trăng” của Trương Quang Thứ.
Mùa
xuân bắt đầu từ sự nỗ lực của cuộc sống. Cây tách vỏ, đâm chồi, nở hoa, tỏa
hương, và tình yêu đã đến trong cái chộn rộn của trái tim, của lời hẹn hò đâu
đó trong hoa, trong lá:
Tiếng mùa Xuân đâu đây
Nghe tim mình chộn rộn
Như có lời hò hẹn
Suốt đời mãi kiếm tìm.
Nhà thơ đã dành trọn hai khổ thơ đầu, hay
nói theo phép tính số học, nửa đầu bài thơ để tả cái “ nặng đầy” trong sinh nở
của trời đất, cây trái mùa xuân. Cũng có chút “tim mình chộn rộn”, nhưng chưa
hẳn là ám chỉ con người đang yêu. Chỉ đến khổ thứ 3 của bài thơ, con người mới
thực sự xuất hiện. Và như các bạn đang yêu, đã yêu từng trải nghiệm: Tình yêu
bao giờ cũng liền kề với trách giận. Sự trách giận ở đây lại cũng không xác
định cụ thể, là lời trách của cô gái vì đã chủ động rời bỏ em nên: “ Có thể
tiếng lòng em/Không vọng về anh nữa”, cũng có thể hiểu là khẳng định của anh
chàng, vì em đã bỏ anh đi với người con trai khác nên: “Có thể tiếng lòng
em/Không vọng về anh nữa”. Cái hay và cái đúng, cái độc đáo của câu thơ chính
là ở đây. Sự đổ vỡ trong tình yêu không thể từ một phía, và trách giận trong
tình yêu cũng chỉ là để yêu thương nhau hơn, vì nụ đào đã nở rồi kia, đẹp như
nỗi nhớ:
Có thể tiếng lòng em
Không vọng về anh nữa
Nụ hoa đào vẫn nở
Như nỗi nhớ trước thềm
Sự ấm nồng tươi trẻ của đất trời mùa xuân đã
gắn kết tình yêu lại. Để có mùa xuân non tơ, sinh nở, cây đời đã lớn lên, vượt
qua tiết hạ oi nồng ngày thu vàng lá, đêm đông lạnh giá u buồn. Quy luật của
thiên nhiên là bất biến: hết hạ sang thu, qua đông là mùa xuân đến. Mùa xuân là
tất yếu, đã là con người tất yếu phải có tình yêu, tình yêu là mùa xuân, điểm
khởi đầu và nơi tái sinh con người:
Và nếu ai lãng quên
Thì mùa Xuân vẫn đến
Mùa Xuân không lỗi hẹn
Gọi tình yêu trở về…
Với “Tình yêu mùa xuân”, Trương Quang Thứ đã
khẳng định sự vĩnh hằng của mùa xuân tươi trẻ, sinh nở, cái tình yêu đem lại
cho cả cuộc đời. Chưa có gì mới trong cấu tứ, nhưng bằng lối ví von rất gần với
ca dao, bằng lối thơ 5 chữ rất gần với ví dặm Nghệ Tĩnh, bài thơ đã có nét
duyên riêng và đó chính là điểm tâm giao giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Lời thơ của
Trương Quang Thứ đã cất cánh cho âm nhạc Hồ Hữu Thới, âm nhạc Hồ Hữu Thới đã
chắp cánh cho thơ Quang Thứ, như hương thơm của hoa nhờ gió xuân mà tỏa lan.
Chị nhận tem vàng đã NT ơi. Giờ phải đi chợ rồi, chia xẻ sau nhé.
Trả lờiXóaChị cứ đi chợ, cúng rằm đi. Tem cất dành chị yêu nhé.
XóaBài bình quá hay vì khi đọc bài thơ này lão chưa cảm nhận hết cái đất trời và tình yêu trong đó. Có thể ví bài bình như nền nhạc vút lên để cất cùng tiếng hát bay bổng vào sự thăng hoa cảm xúc.
Trả lờiXóaĐọc thơ lão nghĩ đến anh - Hình ảnh đáng khâm phục. Anh lập gia đình những năm bị bao vây kinh tế ấy - thật sự khó khăn . Luôn phải chiến đấu với cơm ăn áo mặc. Nếu những vùng miền khác khó khăn 1 thì dân xứ Nghệ những năm ấy khó khăn hơn nhiều lần. Trong khó khăn ấy , sự vươn lên vượt khó của chính bản thân anh đã đành , hình bóng người vợ anh mới thật đáng quý. Không ngoa để nói về một người phụ nữ với tấm lòng vàng! - Một người chồng tàn tật và cả ba đứa con ăn học trong giai đoan ấy lão chợt rùng mình....
Có thể thấy thơ anh suốt dọc những sáng tác của mình , đều lấp ló khi rõ khi ẩn , một tình yêu chân thành và lớn lao luôn dành cho ' em " trong thơ - tiếng hát ngợi ca...
Trong một tờ báo , lão từng đọc một bài viết về anh và thật ấn tượng về nghị lực phi thường trong cuộc sống và tâm hồn của anh. ...
11 giờ trưa ngày 8/8.2014, em nhận được sách tặng của nhà thơ Phan Văn Từ, định sẽ gọi cảm ơn nhà thơ thì chiều đó nghe tin nhà thơ đã qua đời tứ tối hôm 7/8. Trong cuốn sách cuối cùng, VUI CÙNG BẦU BẠN, nhà thơ tập hợp những bài phê bình, giới thiệu thơ của bạn bè, của các câu lạc bộ thơ trong tỉnh.Mỗi bài viết đều thể hiện cái TÂM, cái TÌNH, cái TÀI đáng trân trọng của nhà thơ. Mỗi bài viết không thể đọc 1 lần. Phần 2 của cuốn sách là những bài của bạn bè viết về tác giả NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI, . Nhà thơ đã theo cái nghiệp viết của mình đến hơi thở cuối cùng, vui với bạn bè đến ngày cuối cùng của cuộc đời.
XóaCho em ké cái com của lão Tân với nhé.
XóaEm muốn biết nội dung bài báo ấy lão ợ.
Lôc Vừng nếu muốn đọc bài báo này - cho em chọn - gửi qua mail . hoặc cho lên blog. Lão muốn...muốn chiều em ! hehe
XóaHì. Lão gửi qua mail đi, nếu muốn...chiều em.
XóaHừ, ghen tị với Lộc Vừng quá đi!
XóaMình xin được ghé ngang để cảm ơn Lão Tan, Cảm ơn Nhật Thành và Lộc Vừng đã quan tâm, đồng cảm chia sẻ nỗi đau thương đến cùng cực của đời mình! Ở đây mình ko muốn nói đến bài thơ trên và nghiệp viết của mình, cũng ko muốn nhắc đến "một túp lều tranh hai trái tim vàng" với cuộc sống đói nghèo lam lũ còn thảm hại gấp chục lần Chị Dậu của gđ mình thời bao cấp: Vợ dại, chồng ốm, con thơ ở vùng quê ven biển miền Trung gió Lào cát trắng "đất cằn bông lúa trổ non / loi thoi mùa thối gầy còm chiêm khê / đói nghèo người giã từ quê / xứ này xưa dám ai về làm dâu?"...Đến bây giờ nghĩ lại thời kỳ đen tối ấy mình mới rùng mình và thường ngồi khóc chứ trước đây ko thể khóc và phải kiên cường vượt lên để "tồn tại hay ko tồn tại ?". Lúc đó, vợ chồng mình ko dám thương bản thân mình mà thương con cái quá! 3 đứa con trai của chúng mình lên 5 tuổi đã biết nấu cơm bằng củi rều ướt quạt phía nào cũng khói. 6 tuổi vào lớp 1 đã phải chăn trâu cắt cỏ, kiếm củi, bán kem, mò cua bắt ốc, làm ruộng cùng mẹ. 10 tuổi đã cấy hái, giần sàng cầm cày sạn chai tay. 3 anh em cùng chung nhau đôi dép đứt quai phải lấy liềm hơ lửa nóng dán lại để thay nhau tới trường, áo phao mùa đông cũng phải 2 đứa gần tuổi nhau chung nhau luân phiên mặc tới lớp. Có lần cô chủ nhiệm còn đuổi học vì chúng vi phạm nội quy ko có áo mới và dày dép trong buổi chào cờ. Con chị Dậu còn mót đc những dải khoai trong nhà để ăn lúc đói, con mình đã có những ngày mưa bão mẹ vắng nhà, gạo khoai hết, vườn ngập trắng băng, thằng con đầu 10 tuổi đã băng qua khe (suối) ra đồng để bứt lá khoai về luộc ăn trừ bữa bị nước cuốn trôi may có người vớt đc. Ăn rau cũng ko đủ bữa vậy mà các cháu còn biết nói dối mình đã no để nhường phần cho em và bố mẹ... Hồi đó ngăn sông cấm chợ, nấu rượu, buôn bán gì đều bị bắt. vợ mình chỉ mang 2kg tép cá khô ra làm quà cho quê ngoại cũng bị công an, phòng thuế tịch thu. vợ chồng làm đủ nghề vẫn đói quay quắt!... Thôi ko kể nữa kẻo mình lại khóc nhòe mắt ko viết đc... Nhưng "trời còn để có hôm nay", sông có khúc, người có lúc, mình ko kể công vợ chồng mình mà muốn kể về những đứa con nghèo khổ ngoan hiền giỏi giang của mình, chúng vừa học vừa làm gia sư, nay 3 đứa đều đã tốt nghiệp đại học và làm việc, đảm nhận chức vụ đáng kể ở các cơ quan nhà nước. Nhà mình giờ đã xây mới đàng hoàng to đẹp hơn do con cái đóng góp. Báo tin cho các bạn mừng. Giờ nếu mình, khóc là để ai điếu cho một thời khốn khó. Khóc vì vui mừng đã "tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Xin đc chia sẻ và cảm ơn, các bạn, các em rất nhiều vì đã quan tâm đến mình!...
XóaHì...anh thì muốn khóc vì nghĩ thương con một thời khốn khó, còn em giờ lại buồn cười khi nghĩ đến ngày xưa...Ít nhất em đã 3 lần chết hụt vì đi xúc tép ngoài sông chạy không kịp với cơn lũ miền rừng. Có lần, cả gia tài thầy mẹ sắm cho em là một cái quần vải đen, nó tã quá, vá víu chằng đụp mọi chỗ. Hôm đó, sau khi xúc tép, bọn em tắm rửa để về, thấy quần mình rách quá, em nghĩ: thôi, vứt đi rồi về đòi mẹ may cái mới. Vứt cho quần trôi rồi mới sực nhớ ra: giờ lấy quần đâu mặc về nhà? Từ sông về nhà đi qua xóm, hơn 1 cây số. Cuối cùng đành cởi áo lót, cột ngang hông và...biểu diễn thời trang có một không hai trước bàn dân thiên hạ.
XóaNhật Thành chắc ăn gian rồi, Thời đó khổ thế, bọn con gái nhỏ tuổi làm gì đã có được áo lót mặc như thời nay. Nên khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, em phải cởi áo ngoài làm xà rông thay quần, còn người thì để trần như phụ nữ người dân tộc Stieng ở Tây Nguyên để đi về nhà. Nếu có gặp bọn con trai ngó nghiêng xăm xoi thì đành lấy tay che mặt thôi. Đúng không nào. Hiii...
XóaXin thưa với nhà thơ, áo lót là áo mặc trong đấy ạ. Ngày xưa con gái thường mặc 2 áo, áo trong mỏng, cộc tay, còn áo ngoài thì dài tay.
XóaAnh cảm ơn Nhật Thành đã dành tình cảm cho anh và nhà thơ Phan Văn Từ bằng cách đã đăng bài GIỚI THIỆU BÀI THƠ HAY của anh do Phan Văn Từ viết lời bình lên Blog HƯƠNG NGÀN!
Trả lờiXóaVới nhận xét này ngoài cảm ơn em ra, anh muốn giới thiệu đôi nét về nhà thơ Phan Văn Từ với bạn bè và xem như một nét tâm hương gửi tới người anh đồng nghiệp - tác giả thơ của ca khúc NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI vừa qua đời ngày 7/8/2014
Bài thơ T9NHF YÊU MÙA XUÂN này của anh được in trên Báo Xuân Nghệ An, tạp chí Sông Lam và phát trên Đài PTTH Nghệ An Xuân1998. Lúc đó nhà thơ Phan Văn Từ làm Trưởng ban Văn Nghệ của Đài NTV, Sau khi bài thơ được phát, anh Từ có viết bài bình trên và giới thiệu trên báo Văn Nghệ và làm phim ca nhạc 15 phút phát sóng trên Đài NTV do các Nghệ sỹ Hồng Hạnh, Danh Cách, Phương Lan thể hiện...
Phan Văn Từ rất tốt với bạn bè, đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như anh, anh Từ thường mang máy ghi âm, quay hình đến nhà để tác giả tự đọc thơ rồi thu băng để giới thiệu trên Đài với mục đích để tôn vinh và anh có thêm 2 khoản tiền nhuận bút và "nhuận miệng (công đọc) cho tác giả mà khỏi phải thuê nghệ sỹ...
Phan Văn Từ đã có trên chục tập thơ và tiểu luận cùng nhiều giải thưởng danh giá từ Trung ương tới địa phương, ở tuổi 74 nhưng ông vẫn sáng tác rất sung sức. Tiếc thay gần một năm nay nhà thơ bị mắc căn bệnh quái ác ung thư thận. Tuy nhiên vừa chống chọi với bệnh tật, ông vừa miệt mài viết những khi dứt cơn đau. Ngày 3/8 vừa qua anh đi dự giao lưu thơ nhạc về biển đảo và tập huấn Thơ ca cách mạng có cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đến thăm Phan Văn Từ tại nhà riêng ở Vinh, anh Từ vui lắm và còn tự vào nhà lấy ra khoe rồi đề tặng tập sách Phê bình - Giới thiệu: VUI CÙNG BẦU BẠN vừa xuất bản cuối tháng 7 vừa qua (trong đó có bài bình trên)
Nhưng sáng qua anh được nghe bạn bè báo tin dữ nhà thơ Phan Văn Từ đã mất lúc 21giờ 30 ngày 7/8/2014 (nhằm ngày 12/7 năm Giáp Ngọ).
Tiếc thương nhà thơ Phan Văn Từ, đọc bài Nhật Thành đăng này, với tư cách là người em, người bạn thơ của Phan Văn Từ, qua đây anh xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông và báo tin cho bạn bè gần xa được biết nhà thơ NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI đã đi vào cõi vĩnh hằng!...
Cũng qua đây xin được gửi tới bạn bè blog ca khúc MÙA XUÂN TÌNH YÊU, thơ Trương Quang Thứ, nhạc Hồ Hữu Thới, trình bay:NSND Thanh Hoa:
https://www.youtube.com/watch?v=U8IrVBMXwDk
Chúc nhà thơ có thêm nhiều nàng để ...không lỗi hẹn với mùa xuân.
XóaEm đọc ké, và biết thêm được nhiều điều.
XóaCuộc sống thật đáng trân trọng, vì có những con người đáng trân trọng.
Đã hiểu về Quang Thứ qua Internet, đã cảm phục Quang Thứ về nghị lực và nay lại cảm phục Quang Thứ về tài hoa.
Trả lờiXóaCám ơn anh Quang Thứ, anh Phan Văn Tứ, anh Hồ Hữu Thới và chủ nhân Blog.
Và chủ nhân blog xin cảm ơn anh Thọ Trường đã đọc bài.
XóaXS chia sẻ sự mất mát với thân nhân nhà thơ Phan Văn Từ...Cầu mong hương linh ông sớm rong chơi cõi vĩnh hằng!
Trả lờiXóaCám ơn chị đã cho đọc bài bình hay...
Anh Thứ kín như bưng chị ạ! hồi mới biết thơ anh ấy em dám mang bài này ra bình, lẩm cà lẩm cẩm sao ấy! vậy mà anh ấy im re chẳng nói gì làm cho em viết ấm ớ cũng mang đăng...nay đọc bài này thấy xí hổ quá chị ơi!
Có lần nhà thơ trách chị: NT bình thơ của mọi người mà không bình thơ cho anh. Chị bảo: Em chỉ chủ yếu bình tếu táo để trêu đùa các nhà thơ là chính, thơ anh em chưa đủ sức cảm nhận. Cuối cùng, chị cũng rón rén viết đôi điều cảm nhận về bài thơ NHỚ MẸ. May mà nhà thơ không nỡ chê.Nhưng chê thì cũng ...làm gì được nhau? He...
XóaXin cúi đầu tiển đưa người đã khuất
Trả lờiXóaCám ơn NTH đã đăng entry nhiều thông tin và lời bình, qua đó cảm nhận thêm nghị lực và tình yêu của nhà thơ !
Cảm ơn MTH đã ghé nhà chơi.
XóaChị chào em! cả tuần nay cứ bận rộn chăm sóc anh nên, đăng bài lên, để đó, chẳng ghé thăm ai cả. Trưa nay, khá hơn, chị dạo quanh một vòng. Vào nhà em, đọc thơ, đọc bài bình rồi đọc comment của mọi người, hiểu thêm nhiều điều.
Trả lờiXóaEm thật có năng khiếu bình thơ. Cám ơn em! Đồng thời cúi đầu tiễn biệt người đã khuất. Mong anh siêu thoát ở cõi vĩnh hằng!
Chị ơi, đây là bài bình của nhà thơ quá cố Phan Văn Từ, tác giả NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI đó chị.
XóaCầu mong anh sẽ cải thiện sức khỏe hơn nữa!
Nhà văn NTH bình thơ TQT thì còn chen vào nói gì được nữa, chúc bạn buổi chiều vui vẻ nhé.
Trả lờiXóaLà lời bình của nhà thơ Phan Văn Từ anh ạ.
XóaÝ anh Mẫn muốn nhắc và khen bài bình của Nhật Thành về bài thơ NHỚ MẸ của TQT trước đây ấy mà
Xóa?
Đọc bài thơ, bài bình và những Comments của chị và mọi người mới hiểu thêm đằng sau mỗi cái nick , đằng sau mỗi bài thơ là một cõi nhân sinh với nhiều số phận khác nhau.
Trả lờiXóaEm thực sự khâm phục nghị lực sống, và hồn thơ, tình thơ của các anh!
Dù một người đã ra đi về miền Cực Lạc nhưng tình thơ vẫn ấm nồng với cuộc đời.
Chị đồng ý tuyệt đối với em, Ếch ạ.
XóaThế giới blog của chúng ta còn rất nhiều điều kì diệu cần khám phá,phải không em?
Thực ra chưa đọc đến bài bình thì ta vẫn cảm nhận được là bài thơ rất hay! Nhưng nhờ bài bình, người đọc mới hiểu thêm cái giá trị của "Tiếng nụ chồi tách vỏ
Trả lờiXóaNghe nặng đầy trong cây."
khi biết thêm về hoàn cảnh của nhà thơ Trương Quang Thứ.
Cám ơn chị đã giới thiệu bài này.
Thơ TQT là sự chắt lọc những gì trong trẻo nhất của cuộc đời dâng tặng con người.
XóaViết bài mới đi em. Vườn địa đàng tươi lại rồi đấy.
Ôi mấy hôm con cháu về, bận rộn quá chẳng ghé thăm ai được. Đọc bài này định nhận tem vàng rồi quay lại ngay nhưng rồi mọi việc cứ cuốn mình đi . Để rồi, hôm nay trở vô, đọc lại thơ, lời bình và những lời com mới hiểu ra nhiều nỗi niềm của bạn bầu trên mạng. Đúng là, một thời khốn khó, mỗi người mỗi cảnh ngộ riêng chẳng mấy ai sung sướng gì. Nhưng sống nghị lực và thành công như anh QT thì quả là đáng nể phục ngưỡng mộ thiệt đó nha.
Trả lờiXóaQua trang blog Hương Ngàn này, ST xin chia sẻ cùng anh QT vì những khó khăn mà anh chị và các cháu đã trải qua. Xin chia vui cùng gia đình anh vì niềm vui đang được hưởng.
ST xin kính cẩn nghiêng mình trước tác giả bài bình thơ. Cầu mong linh hồn Người sớm siêu thoát về miền cực lạc