Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

TƯỞNG...ĐÀN ÔNG SỢ VỢ LẼ!

Tối 20/10 thấy hiện trên danh bạ có bài mới của nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng với tiêu đề KHÔNG CÓ AI SỢ VỢ CẢ. Tò mò, tưởng đàn ông  sợ vợ...lẽ. Hóa ra là chủ yếu nói về chuyện...vô tích sự của việc sinh ra 2 ngày 20/10 và 8/3.
Xin kính thưa nhà thơ!(Hì...thưa thế thôi chứ nhà thơ Văn Công Hùng chẳng bao giờ nghe vì không biết tôi nói ở đây)
  Sau thời gian làm việc ở cơ quan, hay " buôn bán ở mom sông": buôn phổi, bán giọt mồ hôi hay buôn bán những gì có thể... để kiếm tiền nuôi chồng con, chị em chúng tôi tất bật về nhà lo chợ búa, cơm nước, lợn gà, lau chùi, quét dọn...trăm việc bà rằn. Có lẽ chẳng mấy ai phởn phơ ngồi cafe buôn dưa lê hay bốc khí lên gọi bạn bè tùm lum bia bọt, tán phét trên trời dưới đất như mấy đức ông chồng sau giờ tan sở. Vậy nên, thiết nghĩ cho chị em vài ngày trong năm được quên gia đình mà vui vẻ một chút chắc cũng không có gì quá đáng?
  Trong bài viết, nhà báo còn trích mấy lời than phiền của chị em nào đó:
Cả ngày cứ phập phồng, không biết năm nay trường có bắt đi tọa đàm 20/10 không. Liên tiếp hai ngày mất dạy ở trường nên không biết trường có thông báo gì mới không. Đắn đo mãi, gọi điện cho một cô trong tổ ''Em ơi, trường có thông báo đi tọa đàm chi không em. ''Dạ, năm nay không tọa đàm cô à ''... Hi hi thoát nạn, đỡ đau cái lưng...và đỡ chán… sao năm nay công đoàn dễ thương thế không biết. Năm nào cũng vậy, ngồi vừa mệt, vừa đói bụng, chỉ uống nước đóng chai, mà có cô vừa dạy xong 5 tiết buổi chiều, phải ở lại để tọa đàm”...

          “sợ nhất ngày 83. lại phải nghe bài ca Hai Bà Trưng và phụ nữ VN quật cường, còn ngày 20.10 thì phải nghe kể lể thành tích”.
 Xin chia sẻ với chị em mình một buổi kỉ niệm ngày PNVN của trường tôi nhé. Tôi đã tổ chức sinh hoạt như thế này cho nữ công trường tôi gần chục năm nay rồi. Mỗi kì sinh hoạt là một sự đổi mới về hình thức và nội dung để tránh nhàm chán.

    Tranh thủ tạo dáng trước khi vào chủ trì buổi sinh hoạt câu lạc bộ.



             Tôi thay mặt chị em nhận quà của Hội cha mẹ học sinh


Tiếp tục thay mặt chị em nhận quà của các giáo viên nam trong trường
( trong kịch bản không có ôm nhưng thầy phó hiệu trưởng làm sai)


Không mời được Lại Văn Sâm, tôi kiêm luôn phần dẫn chương trình cho trò chơi AI LÀ TRIỆU PHÚ. Cả MC và người chơi đều hướng lên màn hình, tôi dùng chuột điều khiển.

     Để có phần chơi này, tôi đã phải soạn ra 120 câu hỏi về chủ đề phụ nữ, chia làm 8 gói, mặc dù chỉ có 3 người tham gia chơi của 3 tổ chuyên môn.

  Sang vòng thi thứ 2 là hoạt cảnh về chủ đề BÌNH ĐẲNG GIỚI và CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH của 3 tổ.
  Mời các bạn xem hoạt cảnh của tổ tôi nhé. Trong hoạt cảnh, tôi có sử dụng bài hát cóp được bên nhà chị Song Thu.
 Hoạt cảnh dùng tiếng Nghệ nên có thể nhiều người không nghe được



Các cô trường tôi không lập blog mà chủ yếu ở bên PB, bắng nhắng khoe ảnh là chính. Thế nhưng lại vào HƯƠNG NGÀN coi. 
Coi xong thì trách: Sao chị chỉ khoe tổ mình mà không đưa tiết mục của tổ bọn em lên cho mọi người xem? Thì đây:  
Hoạt cảnh của tổ Toán -Lý

           Hoạt cảnh của tổ Sinh - Hóa.

Sau vòng thi diễn hoạt cảnh là thi đấu bóng chuyền. 
Cuối cùng là giao lưu bữa cơm thân mật vui nổ trời.

Và sang ngày 21/10...
Sau tiết 5, chị em lại vội vã về nhà, lại tất tả lo cơm nước, lợn gà, lau chùi, giặt giũ...cho đến ngày 8/3 năm sau!





   
   

39 nhận xét:

  1. Em lạc vô nhà chị qua blog của Thùy, đọc bài viết này của chị, em thấy nếu như để một năm có hai ngày của phụ nữ, vẫn còn là quá...ít, hì hì. Nói vậy chứ để thấy rằng, sự hy sinh, vất vả và đức tính lo toan chu toàn mọi thứ của phụ nữ VN vẫn muôn đời là hình ảnh thật đẹp. Chúc chị luôn an lành, sức khỏe và mọi ngày đều là những ngày được tôn vinh...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thời gian, chị cũng sẽ lang thang đến gõ cửa nhà em sau. Nghe Thùy giới thiệu đã thấy mến rồi đấy.
      Chị thì muốn, mỗi ngày sẽ là ngày cho cả hai giới đều vui, Violet ạ.

      Xóa
  2. Ui trùi ui nhìn cái ảnh chị ôm lẳng hoa cười thật tươi, bên cạnh là gương mặt và dáng đứng... khó tả của một nam nhân ...bụng hơi bự một chút, em mắc thằng bố gì cười há há lun chị. nhìn tếu lắm. Hì hì
    em gì chứ mấy vụ tổ chức này là...thua. Em nhát hít hà. có ai tổ chức làm theo thì còn họa may. Dưng mà, có được vài ngày trong năm an ủi chị em mình cũng vui chị hén. tội nghiệp mấy ông. Hễ đòi hỏi , ý kiến là lập tức bị quăng cho 2 cái ngày ...lựu đạn : 27/7 - ngày thương binh liệt sĩ, hay rằm tháng 7 - ngày cúng cô hồn. Chơi cũng ác thiệt. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...thầy phó hiệu trưởng đứng ôm chị mà mặt cứ nghệt ra, đúng không?
      Thùy mà ở gần, chị sẽ lùa em vào vở kịch luôn đó. Cái mặt em "dễ ghét" quá đi!

      Xóa
  3. Lâu lắm rồi ko ghé thăm chị. Bây giờ gặp lai, chi trẻ và đẹp quá chị ơi. Đừng giận Andi ko đến thăm nha. Cuộc sống deo trên lưng Andi nhiều thứ. Là thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, nhưng Andi cũng phải cố mang. Biết làm sao bây giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng giận, chỉ buồn thôi em. Một AN trẻ trung, vui nhộn, hài hước và sâu sắc chẳng biết lý do gì lặn một hơi như thế.
      Nhưng em đã trở lại. Thế là vui rồi.

      Xóa
  4. Buổi sinh hoạt kỷ niệm Ngày PNVN của CLB Lửa Xanh ở trường em thật vui và nội dung phong phú, ý nghĩa. Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là phần 2 với hoạt cảnh kèm bài hát chế PHỞ VÀ CƠM. Hiii...
    Chúc mừng thành tích của em và chúc em sức khỏe cùng mọi điều tốt đẹp nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Vui thật là vui nhưng em cũng mệt bở hơi tai anh ạ.

      Xóa
  5. Anh chưa quen tiếng Nghệ nên phần hoạt cảnh nghe chưa rõ lắm, nên không dám có ý kiến gì. Chỉ ấn tượng với bức "ảnh tranh thủ tạo dáng" của em thôi. Muốn "rinh" về ngay sợ để lâu người khác "rinh" mất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào về Quỳ Hợp, nghe em nói mấy ngày là quen tai thôi mà. Một cụ ở quê lên ở với con trai, sang nhà em chơi và bảo: "Tiếng Bắc nói ríu ran như chim hót, không tài chi nghe được. Chỉ có tiếng Nghệ An ta là dễ nghe thôi cô hè."
      He he...
      Tưởng rinh em chứ rinh ảnh thi cứ thoải mái đi anh.

      Xóa
    2. Trước mắt thì anh hãy "rinh" ảnh để vào "ngân hàng trái tim" đã. Sau mới đến ở gần em (càng gần càng tốt) để học nghe tiếng Nghệ....Sau đó thì mới tính đến chuyện "rinh" người được chứ. Đốt cháy giai đoạn làm sao được ?

      Xóa
  6. Đúng là do sử dụng tiếng nói "đặc sản" nên nhiều câu chị ứ nghe được mô. Nhưng cứ thấy khán giả cười thoải mái, cười rần rần là đoán rằng lời thoại rất hài hước rồi. Riêng bài hát thì mọi người hát thật nhộn em há. Vui lắm. Chúc mừng em nha

    Trả lờiXóa
  7. Ảnh em chụp đẹp lắm. Bộ đầm cũng xinh cực luôn. Nhưng chỉ tiếc là không thấy em lên biểu diễn thôi! Giấu tài thế?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em viết kịch bản đặc tiếng Nghệ chị ạ. Cô giáo dạy tiếng Anh (vai người dẫn chương trình) bình thường nói giọng Bắc rất nhẹ, nhưng nhại tiếng Nghệ thế đấy.
      Em chủ trì, dẫn chương trình suốt buổi mà.
      Cô giáo ở trường em cũng xinh chị nhỉ? Cô giáo mang bầu (bầu thật đấy) dạy nhạc, từng rinh nhiều giải to cấp tỉnh đó chị. Cô bé hát rất hay, nhất là những bài mang âm hưởng dân ca.

      Xóa
    2. Để nghe được clip nhạc trên , thiết nghĩ chị ST nên cử Lão Tuân vào...Qùy hợp ở hẳn vài năm , Nhật Thành bày cho đến nơi đến chốn ! Sau khi lão Tuân biết rồi về lại HD dạy cho chị. hehe
      Phải có vốn Nghệ ngữ mới có thể nghe được tiếng...gì như tiếng chim trong clip trên...
      ..............
      "Mùa nực với mùa gắt (Mùa nóng với mùa gặt)
      Kêu chắc đến rồi tề (Gọi nhau đến rồi kìa)
      Dừ sốt hơn bựa tê... (Giờ nóng bức hơn hôm kia)
      Khát khô mui nẻ họng (Khát khô môi, nẻ họng)

      Ung bứt toóc dới rọng (Ông cắt rạ dưới ruộng)
      Mụ cào ló trửa cươi (Bà cào lúa ngoài sân)
      Con chắt ả mô ruồi (Con chị cả đâu rồi?)
      Hắn cợi tru vô rú (- Nó cưỡi trâu vào núi)

      Bếp lạnh tanh mun trú (Bếp lạnh tanh mun trấu)
      Cho ga trọi ga bươi (Cho gà chọi, gà bươi)
      Nác chát ở mô ruồi (Nước chè xanh đâu rồi)
      Múc cho tui một đọi (Múc cho tôi một bát)

      O tê ngong rành sọi (Cô kia nhìn cũng khá)
      Ả nớ chộ cũng tài (Chị đó nom cũng tài)
      O ả có thương ngài (Cô, chị có thương người)
      Nấu cho nồi nác chát (Om cho nồi chè chát)

      Tui uống vô mát rọt (Tôi uống vào mát ruột)
      Thứ chè gay rành tài (Thứ chè Gay* rành hay)
      Nắng ra răng mặc trời (Nắng thế nào mặc trời)
      Cũng thua nồi nác chát. ( Cũng thua nồi chè chát)
      ........
      Bài thơ diễn giải nghệ ngữ này là một ví dụ. Tiếng Anh còn phải gọi bằng cụ!

      Xóa
    3. Đọc cấy ni rành ưng
      Răng dừ em mới chộ?
      Em cóp về trong vở
      Để bựa sau mà dùng
      Phần Ngự văn Nghệ An
      Có hấn là tuyệt nhứt
      Học trò tha hồ thích
      Có bài thơ như ri
      Cảm ơn lạo nhiều nha
      Bựa sau em hậu tạ
      Hơ hơ...
      Em sẽ dùng bài thơ độc đáo này vào bài giảng về TỪ ĐỊA PHƯƠNG NGHỆ AN (trong chương trình mỗi lớp có hẳn 1 tuần dạy phần Ngữ văn Nghệ An Lão ạ) chắc chắn em phải pho to nhiều bản vì các giáo viên văn sẽ xin. Cảm ơn, cảm ơn nhiều nghe Lão!

      Xóa
  8. Đề xuất của LÃO TAN quá hay. Nếu mình mà được "Chị Thu" cử làm "đặc phái viên" vào cô ráo Nhiệt Thành để tập huần "Nghệ ngữ" một thời gian thì quá tuyệt vời. Ôi, nếu được thế thì đã sướng hơn cả Điếu Cày đi Mỹ ...?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muốn thế, nạp thuế cho chị Thu gấp đôi đi, gọi là phần ứng trước. Khi nào chanh vắt sạch nước rồi chị Thu thả cho anh đi học Nghệ ngữ nhé. He he...

      Xóa
    2. Sau đây là bài TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ bằng văn vần giúp anh Tuân và các chàng, nàng nào muốn làm dâu rể xứ Nghệ hãy học cấp tộc nhé:
      Con trâu thì gọi “con tru”
      Con dâu thì gọi “con du” trong nhà
      “Mấn” là “váy”, “ngái” là “xa”
      “Đi mô?” để hỏi ai là “đi đâu? ”
      “Nác su” ý nói “nước sâu”
      “Trấy bù” để gọi “quả bầu” đấy nha
      “Gác bếp” thì gọi là “tra”
      “Lông cơn” thực chất đó là “trồng cây”
      “Ra sân” thì nói “ra cươi”
      “Đi nhởi” ý nói “đi chơi” ấy mà
      “Chúng tao” thì nói là “choa”
      “Các bạn”, thân mật gọi là “bọn bay”
      “Tê” là “kia”, “ni” là “này”
      “Mi” “mần” ý nói là “mày” “làm” thôi
      “Chộ” là “thấy”, “nhác” là “lười”
      “Mắm tôm” cứ gọi “ruốc bôi” đúng liền
      “Đọi” là “bát”, ”nôốc” là “thuyền”
      “Khủy chân” đích thị có tên “lặc lè”
      “Đàng” là “đường”, “đấy” là “tè”
      “Thế thôi” thì nói “rứa hè” là xong
      “Rừng” là “rú”,“rào” là “sông”
      “Ngá khu” tức thị “ngứa mông” thật rồi
      “Mơ” là “mớ”, “thúi” là “hôi”
      “Nỏ nhởi” ý nói “không chơi” đó mà
      “Tê” là “kia, “tề” là “kìa”
      “Cái môi” tên gọi “cái thìa” đó em
      “Đánh nhau” – “đập chắc” nhớ liền
      “Ra răng” là muốn hỏi em “thế nào”
      “Ả” là “chị”, “tau” là “tao”
      “Rứa” là “thế”, “răng” là “sao” đó mà
      “Bổ” là “ngã”, “mả” là “mồ”
      “Lọi cẳng” để nói đó là “duỗi chân”
      Vải “đen” ắt hẳn vải “thâm”
      ”Trụt quỳn” ý nói “tụt quần” thế thôi
      “Dốc” là “trôộc”, “đôộng” là “đồi”
      “Mui” là để chỉ cái “môi” trước mồm
      “Đầu” là “trôốc”, “hun” là “hôn”
      “Ló” chưa hết là “Lúa” còn đấy em
      “Ngượng ” là “rầy” “thích” là “sèm”
      Ai hỏi đến “lả” thì châm “lửa” liền
      “Nỏ” là “không” nhé đừng quên
      “Lá trù” chính xác là tên “lá trầu”
      “Mắc” là “bận”, “mô” là “đâu”
      “Ăn nể” , “ăn vã” như nhau cả mà
      Có người gọi “bọ” là “cha”
      “Nương” là “vườn”, “rẫy” gọi là “nương” thôi
      “Bù rợ” “bí đỏ” đúng rồi
      “Nước chè” quê bạn, quê tôi “nác chè”
      “Nướng” là phải “náng” đó nghe
      Gọi mang lọ “mói” thì bê “muối” liền
      Trốc cúi” là “đầu gối” chân
      Nói “đài” múc nước phải cầm “gầu” ngay
      “Chủi” là cái “chổi” đây này
      Nói “rờ” thì cứ đưa tay mà “sờ”
      “Lúc này” tạm nói là “dừ”
      “Luộc kỹ gốc” nhé, “Loọc nhừ côộc” nha,
      “Con ga” để chỉ “con gà”
      “Con bê” choa nói đó là “con me”
      “Con suối” cứ gọi là “khe”
      ”Châu chấu” ngoài đó, ở quê “cào cào”
      “Hồ” nước được gọi là “bàu”
      “Cá quả” cứ gọi “cá tràu” không sai
      “Con người” thì nói “Con ngài”
      ”Cù cu” tên gọi của loài “bồ câu”
      “tối” nói “túi”, “túi” nói “bâu”
      “Con sâu” có chỗ gọi “trâu” thật mà
      “Hổ bắt” thì nói “khái tha”
      “Muỗi”, “giòi” thì gọi đó là “mọi”, “troi”
      “Con ruồi” thì nói “Con ròi”
      Bắt “tôi” “Nhúng” đít thì “tui” “trụng” quần
      “Con giun” phải nói “Con trùn”
      “Với chắc” có nghĩa là cùng “với nhau”
      “Lộ mô” có nghĩa “chỗ nào”
      Nói “vo trôốc” là “gội đầu” đó em
      “Gạo” thì gọi “gấu” đừng quên
      Ai nói đến “trự” nhớ liền “chữ” ngay
      ”Chạc” là để chỉ cái “dây”
      Nói đi “đâm” gạo hiểu ngay “giã” rồi
      Cả anh, em mẹ tới chơi
      Đều chào là “cụ” thế thôi em ờ
      “Sạu” thì phải hiểu là “ngô”
      ”O” là bác gái và “cô” đó mà
      “Mẹ chồng” vẫn gọi “mụ gia”
      “Ràn tru” phải hiểu đó là “chuồng trâu”
      “Ròi bu” ý nói “ruồi bâu”
      Hỏi nơi “rửa bát” là đâu “lộ chồ”
      Gọi “vợ” là “gấy”nhớ cho
      Nói “Nhôông” ắt hẳn chính là “chồng” thôi
      “Dao khoắm” là “rạ” đúng rồi
      Bảo đi lấy “toóc” thì lôi “rạ” về
      “Ruộng” là gọi “roọng” đó nghe
      “Anh nha” cứ nói “eng hè” là xong
      “Suôn” là “thẳng”, “ngoẹo” là “cong”
      “Nỏ mần răng cả” là “không việc gì”
      “Gõ đầu” là “trọi trốc” mi
      “Kệ tau” ý nói làm gì “mặc tôi”
      “Trúp vả” để chỉ cái “đùi”
      “Ả nậy” – “chị lớn” biết rồi chứ em,
      “Ngong” là “ nhìn”, “coi” là “xem”
      “Mệ va” – “chị ấy” mong em chớ cười
      “Lớn” thì nói “nậy” thế thôi
      “Lõi” ngô, lõi mít nói “cồi” đừng lo
      “Cây cọ” choa nói “cơn tro”
      Gọi “tắn”, gọi “tít” “rắn” bò “rết” ra
      “Mạo” là cái “mũ” đó nha
      Trong đó từ “rạc” nghĩa là “xác xơ”
      “Anh” là “eng”, “cô” là “O”
      “Mun” trong bếp củi là “tro bếp” mà...



      Xóa
    3. Ôi. Còn dài lắm nhưng com này ko cho đăng dài trên 4000 ký tự nên tôi phải cắt bớt bài sưu tầm Từ điển Tiếng Nghệ bằng văn vần ở đây. Nhưng người "ngoại kiều" học được những từ cơ bản trên cũng có thể mấp mênh trở thành Nghệ kiều được rồi đó. He he...

      Xóa
    4. Ôi...! muốn làm "nhôông-gấy" với gái Nghệ An tại đất Nghệ An cũng phức tạp hè.Thảo nào mà mình nghe cái băng TIỂU PHẨM VUI của Nhật Thành không hiểu gì. Đọc lời com của Huỳnh Xuân Sơn cũng thấy nàng không hiểu.Nhưng hình như khi giao tiếp với người ngoài người Nghệ An chủ yếu dùng tiếng Bắc thì phải. Vì bọn mình không thấy cản trở gì trong giao tiếp cả.

      Xóa
    5. Anh Tuân "choáng" tiếng Nghệ chưa? Tiếng Nghệ đa âm và đa nghĩa lắm. Chả thế mà cố thi sỹ Trần Hữu Thung - một nhà Nghệ học - tác giả của bài thơ THĂM LÚA đã có công trình nghiên cứu tiếng địa phương và cho xuất bản cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) đầu tiên và duy nhất về một tỉnh, phát hành năm 1972 trên toàn quốc. Sách dày 500 trang, gồm nhiều bài nghiên cứu giới thiệu về tiếng Nghệ với hơn 500 đề mục và 3000 từ ngữ đặc sản Nghệ Tĩnh.
      Nhưng anh Tuân "ở đâu sẽ âu đó" ngay. Vào Nghệ An có người yêu hướng dẫn tận tình sẽ thông thạo luôn đấy mà. Sợ là sợ có đối thủ thôi. Hiii. Cả những câu sau anh cũng dễ dàng nhập tâm:
      “Hãi” ma tức là “ sợ” ma
      Nói ai “khun nậy” chính là “lớn khôn”
      “Cái ghế” thì gọi “cấy đòn”
      “Ăn vụng” – “ăn phúng” là con một nhà
      “Bà già” thì gọi “mụ tra”
      Mẹ kêu lấy “đúa” cầm ra “rổ” này
      “Tâm thần” thì gọi “ra ngây”
      “Nồi đất” thì lại gọi ngay “trách bù”...

      Anh Tuân nghe vậy gật gù
      Mần răng tiếng Nghệ cứ như trận đồ...
      He he !...

      Xóa
    6. Hì....đọc được chừng đó từ của nhà thơ QT chép lại, anh Tuân đã phát hoảng, toát mồ hôi trấy mây ra rồi, nói chi đến...học thuộc ( "mồ hôi trấy mây"- lại tra từ điển nhé). He he...
      Đúng như anh QT nói, anh ĐĐT cứ vào Nghệ, mỗi đêm em dạy cho vài bài là ổn thôi. Bước đầu chưa hiểu thì dùng động tác vậy nha.

      Xóa
    7. Được em dạy thế thì anh học cả đời cũng được. Thậm chí nếu em cho anh "lên lớp khác" thì anh sẽ bắt chước Nguyễn Bính mà ngâm nga: "Suốt đời em chỉ học cô thôi"

      Xóa
  9. Lâu lâu mới ghé thăm Thành / Thấy ai cũng đẹp cũng nhanh tay chào / Trở về chân bước lao xao / Muốn quay lại sợ em nào lỡ yêu ...
    (Mời qua xem truyện ngắn mới đăng hay nhất ... blog BĐM ... hihihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trở về chân bước lao xao
      Nếu anh quay lại, em nào cũng đòi yêu!
      Truyện ngắn đó em đọc từ khi mới đăng lên mấy phút. Một truyện độc đáo về tứ.

      Xóa
  10. Em sang thăm chị xem ảnh xem Clip chả hiểu gì, đọc Thứ gì Lão Tân viết có ghi chú vẫn ngu luôn chả thể hình dung ra...Nếu được thì em cũng muốn đi học NGHỆ NGỮ chị ui! Bức ảnh chị một mình đẹp nhất tự nhiên đi đăng bức chụp với ông gì ấy xấu mù....
    Chị vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị đang tính đem bài thơ lão Tan để ra bài tập cho học sinh với yêu cầu: "Em hãy dịch đoạn thơ sau ra tiếng phổ thông", thế là đủ để cô giáo ngồi chơi cả buổi cho học sinh gặm bút rồi đó em. Học sinh chỗ chị hầu hết quên mất tiếng quê gốc rồi.
      Em mà đăng kí học Nghệ ngữ, nghe cái âm sắc xứ Nghệ nữa thì chỉ có...lăn quay ra thôi. Rồi còn hệ thống từ ngữ riêng, âm sắc riêng của từng huyện nữa, khó hơn học tiếng nước ngoài. He he...
      Mà này, em nói nhỏ thôi, ông hiệu phó nghe được thì chị chết!

      Xóa
  11. Hôm nay mới thấy NTH, em trẻ đẹp xinh lắm. Một cách tổ chức 20-10 chị học tập đấy, chỗ chị không chú ý bỏ qua nên hơi buồn. Tối nay chị dành nhiều thời gian thăm bài viết của em, học được ở em nhiều điều, thấy vốn từ địa phương quê em phong phú lắm... Tóm lại là chị chúc mừng và mến cách viết của em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì...mấy lâu đang băn khoăn có nên gọi chị không vì thấy chị PH trẻ quá, sợ...thiệt!
      Chị à, cách tổ chức câu lạc bộ như thế làm chị em mình tươi trẻ hơn rất nhiều. Có những cuộc vui hết mình để những vất vả, lo toan trong đời sống thường nhật giải tỏa phần nào chị ạ. Tuy nhiên, có được một buổi như thế cũng mất nhiều công lắm đó chị.
      Chúc chị vui nhiều!

      Xóa
  12. Với chị thì hai ngày đó là đủ hay nhiều hay còn ít?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi thì cứ theo Đảng và chính phủ em ạ. Nhiều no ít đủ. He he...

      Xóa
  13. Mỗi tháng thì có 3 ngày
    Một năm chỉ có bằng này thôi ư?
    Thôi đừng kính gửi, kính thưa
    Chỉ 2 là đủ...cho vừa em ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi thàng thì có ba ngày
      Đủ cho các bố nhăn mày nhó môi!
      Một năm vài bận thế thôi
      Đủ cho các mẹ xả hơi nhẹ lòng!

      Xóa
  14. Thầy phó hiệu trưởng sai một cách dễ thương thế nhỉ -

    Trả lờiXóa
  15. Chị ơi, sau 20-10, em bận rộn mãi đến hôm nay. Chiều nay tập múa, em suýt ọi mửa như ốm nghén vậy. Tối nay em tạm nghỉ nên vội qua thăm chị nè! Đọc bài viết của chị về hoạt động của trường nhân "ngày của chúng ta", em thấy vui lắm, và phong phú nữa.

    Trả lờiXóa