Mời bạn cùng chia sẻ với blog HƯƠNG NGÀN của Nhật Thành.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

GIỖ

  Người đàn ông khoảng ngoài ba mươi, mặc áo màu xanh chỉ lâm và quần ka ki xanh thẫm bước nhẹ như gió thoảng, lướt đến ngồi bên mép giường:
- Sao mình chưa ăn sáng? Cháo nguội ngắt rồi kìa!
Bà cụ hé mắt nhìn rồi nói thật khẽ trong hơi thở đứt quãng:
- Mình...về...rồi à? Sáng giờ ...tự nhiên em thấy... mệt lắm.
Bà cụ cố gượng dậy nhưng vừa cất  đầu lên đã hạ xuống ngay. Mái tóc bạc phơ xõa ra che lấp mất nửa khuôn mặt nhăn nheo đang đỏ bừng vì nóng. Người đàn ông chạm nhẹ, vuốt mớ tóc sang bên tai rồi đặt tay lên vầng trán chi chít những nếp nhăn, thở dài:
- Dạo này mình già đi nhanh quá!
Bàn tay mát lạnh làm cụ thấy dễ chịu. Cơn sốt có lẽ cũng hạ đi chút  ít. Cụ thở đều hơn, tiếng nói nhỏ nhưng rõ:
- Em bước sang tuổi bảy lăm rồi còn gì?
- Ừ nhỉ, mới đó mà đã hơn bốn mươi năm...- Người đàn ông chợt mỉm cười - Lúc tôi đi, mình bảo mình sẽ không sống nổi, thế mà...
Ánh mắt anh ta nhìn bà cụ một cách âu yếm, một tay chống xuống giường, một  tay vuốt vuốt lên mái tóc trắng như cước, gần như uồm người xuống áp sát khuôn ngực gầy gò đang thoi thóp dưới làn chăn mỏng dính.
Bà cụ ra vẻ giận dỗi, hờn mát:
- Không biết ơn em lại còn trách đấy hở? Mình bỏ con lại cho em, mặc em gánh vác lo toan, bươn chải trăm nghề để nuôi chúng ăn học rồi lo nghề lo nghiệp, dựng vợ gả chồng cho chúng. Không vì chúng thì em gắng sống làm gì?
- Ờ...ờ, tôi biết mà, tôi mang ơn mình nhiều lắm chứ. - Người đàn ông lại thở dài - Lúc tôi đi, thằng Binh lên năm, thằng Nghiệp ba tuổi còn cái Lê thì đang ẵm ngửa.Giờ đứa nào đứa nấy có cuộc sống ổn định, thằng Binh lại có tí danh, thế là tôi cũng ngậm cười nơi chín suối. Chỉ thương mình...
 Gian phòng nhỏ  lặng đi. Phía sau nhà bếp, tiếng băm thịt côm cốp, tiếng cười nói râm ran, tiếng gà quang quác.  Mùi hành phi mỡ, mùi lạc rang, mùi tỏi, mùi gừng, ...cứ quyện vào nhau thơm phưng phức theo gió lan tỏa và luồn vào mọi ngõ ngách.
 Tiếng xe máy rầm rập. Hình như ba bốn chiếc nối nhau lao vào sân:
- Ra lấy bát đĩa đơi!
 Chị giúp việc te tái chạy.
 - Đúng mười mâm. Bát đĩa, môi thìa, tô to tô nhỏ đầy đủ nhá. Chỉ  đũa là không có.Giờ người ta dùng đũa một lần, trăm đũa có mười lăm ngàn thôi.
- Vâng, tôi ghi chép đây, phiền anh kí vào cho.
- Thế bà chủ đâu?
- Dạ,  bà đi làm đầu với trang điểm từ sớm!
- Khiếp! Giỗ bố chồng chứ có phải cưới hỏi gì đâu mà trang với chả điểm?
- Biết thế, nhưng hôm nay có nhiều khách đặc biệt lắm.Hi hi...- Chị giúp việc cười một cách vô duyên.

Người đàn ông xoa xoa bóp bóp những ngón tay gầy gò của bà cụ, tò mò:
- Giỗ tôi năm nay làm những mười mâm?
Bà cụ khó nhọc trở nghiêng mình, tiếng thều thào nghe như hơi thở:
- Lâu rồi...em trở thành người thừa trong nhà mình...Làm bao nhiêu mâm, mời ai là việc riêng của chúng...
- Ước gì chúng vẫn còn bé nhỏ như xưa...- Người đàn ông nắm chặt tay bà cụ, mắt  nhìn vào một khoảng không vô định.
Bà cụ chỉ thở dài, không nói gì. Cụ bỗng thấy người thoắt nóng thoắt lạnh. Đầu óc cứ chơi vơi, chơi vơi. Cả thân thể dần nhẹ bẫng đi tựa như đang biến  thành làn khói mỏng. Trong trạng thái nửa hư nửa thực ấy, tiếng của người chồng cứ mơ hồ, cứ lãng đãng lúc gần lúc xa.
- Tôi nhớ có lần mình mới đặt mâm lên cúng thì bọn trẻ đi học về. Thằng  Binh ngó lên bàn thờ: " Ôi, có xôi thịt hả mẹ?" " Ừ, để thắp hương cho bố xong đã nhé." Thằng Nghiệp và con Lê đứng ngẩn ra, hít hít. Thằng Nghiệp xịu mặt: "Thơm quá! Thơm thế này thì đói chết đi được!Khi nào thì được ăn?" "Đợi cháy hết hương đã con!" Con Lê ngó nghiêng: " Hương cháy chậm thế bao giờ cho hết?"Rồi khi mình đang lúi húi ngoài vườn, thằng Nghiệp leo lên ghế, với tay tút mấy que hương, châm lửa đốt cháy rừng rực. Thằng Binh hoảng, chạy ra mách mẹ, mình đã phạt thằng Nghiệp quì xuống. Nhìn nó bặm miệng, nước mắt nhòe nhoẹt trên má mà  tôi thương con đứt ruột. Tại nó thiếu quá, đói quá mình ạ. Cả năm trời ăn rau xanh cả ruột, ăn nhút ăn cà mặn cứng cả lưỡi, chờ đến giỗ mới được vài miếng thịt. Nó thèm là phải. Mình thắp hương cầu khấn xin tôi lượng thứ. Tôi có trách gì bọn trẻ đâu. Tôi chỉ trách ông trời không cho tôi cùng mình nuôi con cho tròn bổn phận.
 Bà cụ rút tay thu vào chăn. Ngoài sân, tiếng bàn ghế xê dịch lột sột, tiếng cốc bát soạn lách cách.
- Nhanh tay lên các cô ơi! Sắp mười giờ rồi đấy! - Chị giúp việc vừa thét lanh lảnh, vừa sắp bia ra từng bàn.
- Dạ, mâm cúng xong rồi chị ơi.
 - Thế thì bưng lên đi em, nhanh lên, ông chủ đón thầy  về rồi đấy!
Chị vừa dứt lời, chiếc toyota lướt êm ru vào cổng rồi dừng sát sân. Binh cùng lão thầy cúng lỉnh kỉnh đồ nghề bước xuống.
- Xong hết chưa chị Thao?-  Binh gọi to.
- Dạ thưa, xong rồi đây ạ.- Chị giúp việc nhanh nhảu chạy ra, mồ hôi rịn trên thái dương làm đám tóc mai dính bết.
- Tốt - rồi ông quay sang lão thầy cúng: - Mời thầy vào hành lễ thôi ạ.
- Gọi bà cụ với con cháu ra đi.- Lão thầy  cúng nói giọng Thanh Hóa khàn khàn.
- Chú Nghiệp ngoài Hà Nội không về được, nghe nói chuẩn bị đón đoàn thanh tra, vợ chồng  o Lệ ở tận trong Cà Mau. Còn cụ thì... thôi . - Binh khoát tay và bước vào gian thờ, bóc một bó hương, châm khói nghi ngút.

Người đàn ông đứng dậy dợm bước đi, lại ngồi xuống:
- Mình à, mình có lên trên nhà với tôi được không?
Bà cụ mở đôi mắt mệt mỏi:
- Lâu lắm rồi, chúng nó chẳng cho em lên nhà trên đâu mình!
Bàn tay lạnh buốt xoa nhẹ từng vòng trên khuôn ngực thoi thóp. Người đàn ông lại thầm thì:
-  Giờ mình đừng buồn nữa, con cái nên gia nên thất, kinh tế đứa nào cũng vững, thế là thanh thản rồi.
- Vâng, thanh thản rồi...- Bà cụ nói như thầm thì rồi nấc lên một tiếng.
 Trên nhà lớn, ở gian hậu cung, thầy cúng  ê a đọc. Tiếng chuông quyện theo khói hương âm âm trong gian thờ được trang trí bày biện đẹp mắt. Bà cụ thấy mình bồng bềnh bồng bềnh trôi theo làn khói hương đang nghi ngút. Những âm thanh cuộc sống trần thế biến thành sợi tơ mỏng mảnh lọt vào đôi tai đã ù đi của cụ và mất hút. Cụ cảm nhận rất rõ hơi lạnh từ bàn tay người chồng truyền vào trong cơ thể mình. Và mạch máu theo đó đông dần lại.
  Ngoài sân, khách khứa đã rầm rập rầm rập. Bà chủ cũng kịp về, tay bắt, miệng cười. Mấy cô trong cơ quan  tấm tắc khen hôm nay  trông chị trẻ và xinh quá. Còn cô Thêm phụ trách văn thư thì cứ xuýt xoa: " Ôi mái tóc xoăn vàng óng ả này thật hợp với khuôn mặt phúc hậu của chị làm sao!". Bà chủ cười híp cả đôi mắt một mí đã bắt đầu chảy xệ, kín đáo liếc tay phó chủ tịch huyện đang ngồi trịnh trọng nơi chiếc sập gỗ chạm trổ tuyệt đẹp, tay nâng li rượu cognac được rót từ cái chai hình con phượng đẹp mắt, chúc mừng gia chủ vừa được đề bạt làm trưởng phòng nội vụ.
  Lúc đó, trong căn phòng tối lờ mờ nơi nhà dưới, có hai linh hồn đang từ từ dìu nhau dập dờn bay về cõi niết bàn./.
                                                       Cuối năm Ất Mùi
                                                             Nhật Thành

38 nhận xét:

  1. Em Tem vàng nhé.
    Câu chuyện phảng phất màu sắc liêu trai. Là một ý tưởng hay chị ạ. Dùng cái ảo để làm rõ hiện thực trần trụi của đời sống. Nhưng đọc xong rồi thấy nặng nề quá chị ơi. Chẳng lẽ tình người sống không bằng dù chỉ một phần rất nhỏ của tình người chết? Thở dài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giỗ, dịp ta tri ân người đã mất. Giỗ, dịp con cháu quây quần để tình thân được củng cố. Nhưng thực tế cuộc sống hiện nay trong đám giỗ hình như càng ngày càng mất đi giá trị nhân văn đó, LV ạ. Chưa nói điều đau lòng hơn, anh em tụ tập lại ăn uống, có chén rượu vào còn gây xích mích,cãi cọ, thậm chí đánh đập nhau...
      Những người con mất bố khi còn quá nhỏ, có lẽ hình ảnh bố trong chúng mờ nhạt quá. Hồi nhỏ, giỗ đối với chúng là được ăn xôi thịt. Lớn lên, trưởng thành, giỗ lại là dịp mời bạn bè...Nhiều điều ta thấy được qua các cuộc giỗ.

      Xóa
  2. Em đọc thấy rờn rợn sao ý.. Tim như nghẹn lại...Emm chả biết tả sao nữa.Chợt nhớ em đã từng thấy đồng cảm với một bài thơ em copy vô đây chị nhé!
    Một Lời Mẹ Dặn

    Mẹ tôi chín chục tuổi đời
    Ra đi chỉ có một lời dặn con
    Tấm hình mẹ lúc còn son
    Thờ bên ảnh bố hồi còn bên nhau

    Đành rằng mấy chục năm sau
    Bố hai bốn mãi mẹ đâu được già
    Hiểu lời lệ ứa mắt nhòa
    Gặp cha mẹ muốn vẫn là đôi mươi

    Thành ra bao việc trên đời
    Thay cha để được gặp nơi suối vàng
    Ghi công cha có bảng vàng
    Công mẹ thầm lặng còn vang muôn đời (Nguyễn Duy Kền)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muộn rồi, lúc nào rảnh chị nói sau nhé.

      Xóa
    2. Tám tiếp với Xuân Sơn:
      Bài thơ đã nói được điều sâu thẳm trong lòng người mẹ. Trong câu chuyện này, hình ảnh người chồng trong tâm trí của cụ vẫn trẻ trung, vẫn những cử chỉ dịu dàng, âu yếm như hồi còn sống. Cụ khư khư giữ lấy hình ảnh ấy để mà vượt qua tất cả. Và một ngày,họ lại được sống bên nhau như xưa...Âu đó cũng là một hạnh phúc đang đợi chờ phía trước! Đọc GIỖ, Xuân Sơn liên tưởng đến MỘT LỜI MẸ DẶN nghĩa là em đã hiểu được điều ẩn trong chi tiết truyện. Cảm ơn em!

      Xóa
    3. Bài thơ MỘT LỜI MẸ DẶN của Nguyễn Duy Kền hay tuyệt nhỉ?

      Xóa
    4. Nhân vật Thêm đi giỗ mà lại khen: " Ôi mái tóc xoăn vàng óng ả này thật hợp với khuôn mặt phúc hậu của chị làm sao!".Còn anh Hải Thăng đọc bài chẳng có ý kiến ý cò gì về GIỖ lại khen bài thơ của Nguyễn Duy Kền là làm sao? He he...
      Đùa anh thôi, đúng là Xuân Sơn đã "tha" về đây một bài thơ gợi nhiều suy nghĩ!

      Xóa
    5. Không đùa, thì thật thì thi có mà buồn chết! Hì hì!

      Xóa
  3. Cô ơi, mắt của MX bị cay rồi! Không chịu được. :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MX sống thêm vài chục năm nữa, trải nghiệm thêm nhiều điều từ cuộc sống nữa thì có khi mắt không còn cay đâu Ma. Cô rất trân quí sự rung động của Ma. Hãy giữ cho con tim mình luôn dạt dào cảm xúc như thế nhé.

      Xóa
  4. Đúng là câu chuyện về giỗ. Nó phảng phất rờn rợn trong tả thực của tác giả. Khi có khói hương, con người như được hút vào tĩnh không và có cảm giác phiêu diêu của đức tin. Nhưng sự thật thì hình như lại thiếu đức tin ỡ cả những người ruột thịt trong gia đình.
    Câu chuyện là mặt sau của tấm huy chương thành đạt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện có những gam màu buồn.
      Thứ nhất, đối với người đã chết, trong đám giỗ này ai nhớ đến họ? Con trai không nói được một lời với bố mà chỉ đón thầy cúng về làm thủ tục. Con dâu lo đi làm đầu, trang điểm để tiếp khách. Người giúp việc xăng xái lo việc cho ông bà chủ. Con ở xa không về, đứa thì bận công việc, đứa lại quá xa...Vậy giỗ này là để làm gì?
      Thứ hai, bố đã chết được làm giỗ ồn ào phô trương, bỏ mặc mẹ còn sống lặng lẽ ra đi khi bát cháo sáng còn nguyên và đã nguội ngắt. Đúng thôi, ngày thường có chị giúp việc, hôm nay chị bận túi bụi...
      Tất cả là chuyện thường ngày cả thôi, phải không lão?

      Xóa
  5. 4 bạn ở trên nhận xét đều có lý cả, nhưng cái lý này lại thuộc về cảm nhận của mỗi người.
    Em thấy chị đã cố gia công để người đọc nhìn thấy một thực trạng đáng buốn của xã hội qua văn hóa giỗ, từ đó dấy lên một cảm giác buồn đau và xót xa. Tuy nhiên, đọc xong, em không có cảm giác ấy mới lạ chứ! Với em, câu chuyện kết thúc có hậu. Con cái của 2 ông bà từ nghèo khó đã thành đạt, nhà cửa đề huề. Bà nhắm mắt xuôi tay như thế ắt là hài lòng rồi. Thứ nữa, ông lại về đón bà đi, vậy là kiếp sau 2 người vẫn được gặp nhau, chứ chưa hết duyên. Tình yêu đẹp đấy chứ!
    Túm lại là em hài lòng.
    Vài chục năm nữa có lẽ em cũng mong mình được ra đi như vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phía sau tấm huy chương lấp lánh thành đạt của con cháu là cả một mảng xám xịt ít ai nhìn thấy.
      * Vùng nông thôn văn hóa còn thấp - kể cả những người có chút học vị - cộng thêm tính chất cố hữu của cách sống nửa vời của một bộ phận "nửa thị nửa thôn" làm nên những câu chuyện này.
      * Bà cụ trong câu chuyện chẳng biết hạnh phúc thế nào chứ trong thâm tâm của bà chắc phải nhịn nhục lắm . ( Từ lâu chúng nó chẳng cho bà lên nhà trên ( Nơi phòng khách cũng là nơi thờ phụng , kiểu nhà phổ biến ở nông thôn ) bà dấu tiếng nấc khi nói với ông , thèm khi con còn bé dại thưở nào....) Bà như người thừa , mời mọc ai, làm mấy mâm là việc của chúng...Xin nói rõ đoạn này - Bữa giổ có khi chỉ mời những người cùng công tác , làm ăn , Họ nhìn vào thực tế mà quên khuấy mất anh em họ hàng như bên mẹ chẳng hạn , thậm chí là Dì ruột nhưng hơi luộm thuộm cũng cố tình quên không mời, thử hỏi buồn không trong ngày giỗ?

      Xóa
    2. Đúng là Om với chỉ số thông minh 115!
      Trong đám giỗ này, chỉ có một người duy nhất nhớ đến người đã khuất một cách da diết. Nỗi nhớ ấy làm cụ thấy mình được an ủi và sau đó là thanh thản ra đi. Bố chị hồi trước vẫn thường dặn: "Cúng giỗ không cần phải mâm cao cỗ đầy, cái đó dành cho người sống, chỉ cần lòng thành kính tưởng nhớ đến người đã khuất là đủ để họ được vui. Và như thế mới là ý nghĩa của việc cúng giỗ."
      Vài chục năm nữa, bà Om vẫn váy xống, son phấn đi dự hội nhé. Đừng mong như thế uổng phí! He he...

      Xóa
    3. Lão đọc vanh vách ra thế thì em chịu rồi. Truyện này em đã nuôi ý tưởng cả thời gian dài, nói được chừng đó thôi lão ạ. Cảm ơn lão thật nhiều vì quá hiểu em!

      Xóa
    4. Cái đinh phản ánh hiện thực đau lòng của bài này là câu:
      - Lâu lắm rồi, chúng nó chẳng cho em lên nhà trên đâu mình!
      Nhưng nếu hiểu nghĩa khác đi thì bà ốm như thế, nằm đây cho lành, đi lên nhà trên ồn ào làm gì!
      Tất nhiên bạn OM thì ko phải type người cư xử với cha mẹ như vậy, nhưng nếu em là người mẹ thì em ko buồn! Thật đấy!

      Xóa
    5. Mươi lăm năm nữa , có một bài văn của đứa trẻ tiểu học ở bên Q7 tả về bà Nội theo yêu cầu của đề, như sau:
      " Nhà em có nuôi một bà Nội. Bà chả làm gì , suốt ngày nằm đắp chăn ôm Iphone lên Phây. Lâu lâu bà lại ló đầu ra hỏi: "Cơm chín chưa bây" ? hehe

      Xóa
    6. Ặc, Lão chưa hiểu về bà này rồi. Bả chả bao giờ ngồi yên 1 chỗ đâu,nhất là lại nằm đắp chăn thì quên đi nhé! Đứa bé sẽ tả thế này:
      Nhà em có nuôi một bà nội. Suốt ngày bả ôm máy ảnh đi ra đi vào chụp choẹt lung tung. Hễ bố mẹ em không canh chừng là bả trốn ra ngoài, phóng xe ầm ầm rủ bạn đi shopping. Nhà em có 5 bao tải toàn giày bốt của bà.

      Xóa
    7. Thêm nữa này: Ngoài 5 bao tải toàn giày bốt,bà còn mấy bao tải toàn quần... hoa rất đẹp. Hễ phóng xe ra phố là bà lại lôi quần đẹp ra mặc. Bố mẹ em không phải lúc nào cũng canh chừng được bà. Cho nên một ngày bà phóng ra ngoài đường ít nhất cũng khoảng 2 lần. Có hôm bà phóng đi lâu quá bố em đi tìm mãi thì "bắt" được bà ở trong tiệm sách cũ. Hôm khác thì "thuổng" được bà về từ cửa hàng tạp hóa - bà ghé vào ngắm giấy gói quà, ngắm đủ thứ linh tinh rồi ngồi lại luôn ở đó để... vẽ trang trí cái này cái kia cho bọn trẻ con.Bố em bảo là bà con "ten" lắm. Em rất yêu bà em. (khà khà)

      Xóa
    8. Thêm nữa: Bố mẹ bảo bà: "Mẹ nên ra ngoài ít thôi, kẻo bố lại ghen tuông lắm chuyện" Bà trợn mắt: "Tao mà không đi ra ngoài, ở lì trong nhà thì thà chết còn hơn!" rồi bà tiếp: "Yên tâm đi, ông nội đã chịu đựng được bà gần bốn chục năm rồi,chịu thêm bốn chục năm nữa chẳng sao đâu!" He he...

      Xóa
    9. Còn câu này bổ sung nữa Om: "Làm bao nhiêu mâm, mời ai là việc riêng của chúng..." Giỗ chồng mình giờ thành việc riêng của con mình, mà đã là việc riêng thì cụ đâu có quyền biết, đâu có quyền xen vào? Buồn nhất là còn sống mà bị trở thành người thừa trong chính gia đình mình.


      Xóa
  6. Chị OM thoáng thật đấy. Hihi. Riêng em vẫn cảm thấy nặng nề dù vẫn biết đó là hiện thực của cuộc sống hiện đại. Các cháu chắt có thể vô tư mà vui mà ăn xôi ăn thịt. Nhưng con thì...
    P/s là em chỉ bàn thêm theo kiểu tám thôi chứ k bàn về câu chuyện chị đã viết nhé - nó đã đầy đủ ý nghĩa rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, chị cũng chỉ tám thôi! Bản thân bài viết này đã là câu chuyện hoàn chỉnh mang 1 ý nghĩa xã hội thực tế.

      Xóa
    2. Nghĩ thoáng như Om thì mới thanh thản được Hoe Vy à. Nhưng đó là bây giờ thôi, khi mình già cả ốm yếu, thậm chí nằm một chỗ, mới cảm nhận hết sự khốn khổ khốn nạn! Hầu như suy nghĩ, tâm tưởng lúc đó chỉ nghĩ đến cái chết.

      Xóa
    3. Về thông điệp chị đưa ra trong truyện thì mọi người đã nói hết cảm nhận rồi, em chỉ tám thêm một chút cho vui cửa vui nhà, tất nhiên là theo kiểu Ếch .
      Thực tế là trong xã hội đang có rất nhiều những chuyện xảy ra như thế, cái nhìn thoáng kiểu chị OM cũng là một liệu pháp tâm lí trong hoàn cảnh đó.

      Chuyện này gợi nhớ đến mẹ chồng em ( em vốn là con dâu trưởng) bà bây giờ cũng lẫn cẫn lắm rồi, ở nhà có em gái trông nom, nói không phải là khoe bản thân, nhưng khi em về mới đây bà không còn nhận ra em nữa,nhưng vẫn có một tình cảm quấn quít rất lạ,khi em bóp chân cho bà bà cứ kể đủ thứ chuyện từ ngày xửa ngày xưa, lúc nào cũng nhắc " bác đi rồi lại về chơi với tôi nhá" làm em không kìm được nước mắt.
      Chắc tại em không sống với bà nhiều nên không có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, thời gian ở với bà chắc tính tổng cộng cũng chỉ được nửa năm là cùng, nhưng thực lòng em nhìn bà như thế rất thương . Đáng ra bà phải được con trai trưởng trông nom, vui vầy với cháu nội, nhưng gia đình em lại định cư ở đây nên đành lỗi đạo hiếu, chỉ cố gắng lo cho bà tốt nhất có thể.

      Nhưng có một điều tự đáy lòng mình em luôn tâm niệm tôn kính bà hết mức có thể, ngay từ hồi mới về làm dâu .
      Đồng bằng bắc bộ , quê nghèo..
      Em dâu tây, lần đầu tiên ra mắt nhà chồng bỏ hết nữ trang, bỏ giày cao gót, trang điểm nhẹ nhàng,ăn mặc giản dị, một số em gái quê đi học ở Hà Nội về nhìn thấy em thế còn thì thào( có vẻ coi thường) " tưởng dân tây sành điệu lắm"
      Sau này vẫn thế, về quê vẫn lẽo đẽo theo mẹ chồng đi chợ, vẫn chạy loanh quanh hàng xóm láng giềng, sà vào bếp ăn khoai sắn ngon lành..

      --------------------------


      Tám một tí về ..tương lai

      Em trêu giai nhà em là sau này hai thân già.. vào trai dưỡng lão, mỗi người ôm một máy tính "chát" cãi nhau chơi:)

      Hi hi, Ku nhà em chưa chi đã hỏi anh họ nó là" theo anh , sau này em có nên ở cùng bố mẹ không? em thì chỉ thích ở gần thôi"
      Em còn trêu nó " Tôi có bạn già, tôi còn làm thơ, viết blog, thiết kế quần áo,tôi vác máy đi săn ảnh thiên nga với vịt , anh đợi đấy mà tôi là osin cho nhà anh" he he
      Nói vui thế thôi, "trẻ cậy cha già cậy con" nhưng vẫn phải xác định rèn luyện thể lực, tích lũy tài chính,để sống vui với con cháu nhưng vẫn " giữ được cá tính " dù .. về già :)
      Chung sống hòa bình, vui vẻ và hài hước với con cháu là tiêu chí của em !
      Nói nhỏ" nếu lỡ có cụ ông nào đó yêu mẹ các con... không được phản đối" he he

      Xóa
    4. Tám với Ếch này:
      Trước hết mời Ếch đọc bài này:http://nhatthanhho.blogspot.com/2015/08/me-chong.html
      Khi chị đưa bà lên, bà đang ngồi một chỗ, phải phục vụ từ A đến Z. Bây giờ sau 6 tháng, bà đi lại được, tự cầm thìa xúc ăn được, người béo khỏe da hồng hào. Hôm rồi chị gọi điện bảo các chú lên đưa bà về ăn tết, cả o và chú đều không muốn, bảo để bà trên đó với chị luôn. Họ bảo tết nhất ở nhà cũng bận bịu lắm, rồi không ai chăm bà được đâu. Thương bà thì thương thật, vì nhìn cảnh già bị con cái đùn đẩy quá tội, nhưng chị rất bực mình về con cái của bà. Ít hôm nữa nghỉ tết chị đưa bà về quê. Ai đi xa cũng muốn về quê khi tết đến, vậy mà họ nỡ để mẹ già 92 tuổi ăn tết nơi đất khách quê người. Họ không thương mẹ, cũng chẳng thương chị dâu góa bụa bận bịu trăm công nghìn việc. Và có lẽ chị cũng phải giao lại trách nhiệm cho những đứa con mà bà đã mang nặng đẻ đau,nuôi khôn lớn và bây giờ một số đã làm ông làm bà!
      Nhìn hoàn cảnh bà như thế, chị nói với con: " Mẹ không muốn sống già như bà đâu, lúc đó chắc hai đứa cũng bỏ mặc mẹ như bà bây giờ vậy" Con gái bảo: "Con không bỏ mặc mẹ nhưng chẳng biết có điều kiện ở gần mà chăm mẹ không, hay là mẹ lấy ai đó đi." Con trai thì bảo: "Mẹ sống một trăm tuổi con cũng chăm. Nhưng nếu thấy sống một mình buồn thì mẹ lấy chồng cũng được, miễn là mẹ vui."
      Hì hì...chị không muốn vào trại dưỡng lão như Ếch đâu nhé.Không làm osin cho con đâu. Phải có thời gian mà viết log chứ! Ha ha...

      Xóa
    5. Em đọc rồi chị ơi! May mà có chị..đó cũng là cái phúc của bà.
      Nhà em chỉ có bố em và chú, bố em hy sinh sớm nên chú phụng dưỡng bà em. Cũng là phúc đức tổ tiên, chú em là người hiếu thảo và ân cần hiếm thấy. Dù có vị trí nhất định trong quân đội, nhưng chú em xin về hưu sớm để phụng dưỡng bà cho đến khi bà mất.

      Tám thêm chút về chuyện chị em mình và các con, nói thì nói vui thế thôi, anh ku nhà em hiện tại cũng khá hiếu thuận và biết thương bố mẹ, chỉ có điều là anh í đang tính cho tương lại, kiểu nếu có điều kiện thì mua nhà cạnh nhà bố mẹ, kiểu hai căn hộ sát cạnh nhau, hoặc.. xây một căn nhà có cả không gian chung và riêng. một tuần ăn cơm với bố mẹ mấy buổi, con cái có thể chạy qua chạy lại với ông bà nhưng vẫn có sự riêng tư cần thiết ( he he, người tính không bằng giời tính chị nhở, hiện tại anh í.. chưa có vợ)
      Kể cho bác nghe về món quà noel anh í tặng bố mẹ - một cái cân kiểm tra sức khỏe trông khá sành điệu, một cái đệm điện để"bố mẹ hay nằm ở sofa đọc sách thì sẽ ấm lưng hơn" , hai vợ chồng em kêu với nhau là " già rồi đấy nhé":)
      Em thì cứ bảo giai là rèn luyện thể lực, tích lũy tài chính,già vẫn phải " cậy con" nhưng không là gánh nặng cho các con.Mà cố gắng để sống vui sống khỏe cùng con cháu.
      Bọn em định cư ở đây có bảo hiểm y tế toàn phần, có bảo hiểm xã hội, tham gia quĩ tiết kiệm hưu trí nên các con chắc cũng không phải lo nhiều cho bố mẹ :)
      Nói thì cứ nói " tôi không làm osin cho anh" nhưng tính em đã thích phục vụ xưa nay, cháu không phải cháu mình ( cháu hàng xóm) cũng còn tha lôi nướng bánh,nấu cho chúng nó ăn, cứ vài đứa lít nhít quanh " bà trẻ" là đã rung rinh lắm rồi nữa là con cháu mình:) Cho nên biết chắc là sẽ tự nguyện làm .. Osin kiểu Ếch :))

      Chị thì hai con ngoan thế cũng ấm lòng, nhưng em nghĩ các con cũng có lí đấy chị,mong rằng chị sẽ tìm được một người tâm đầu ý hợp...


      Xóa
    6. Ku nhà em khôn đấy. Chẳng biết ông trời tính thế nào thì kệ ông ta, nhưng thấy con biết nghĩ cho mình cũng là vui rồi em ạ. Quà của Ku chứng tỏ nó cũng "ông cụ non" lắm đấy.
      Vui với cháu, chơi với cháu, thậm chí chăm bẵm cháu cũng được, nhưng mà làm osin cho vợ chồng chúng bay a? Quên đi nhé! He he... Phải quán triệt chủ trương như thế. Làm osin có nghĩa là ngoài giúp việc cho chúng, còn phải phụ thuộc vào chúng, vậy thì đâu còn khoảng trời tự do cho tuổi già? Khà khà...bà còn bận phóng xe máy đi giao lưu thơ nhạc nha, bà còn bận bù khú bạn bè nha, đừng có mà gọi: "Ôsin ơi ời...về lo việc nhà đi này!"
      Ờ, rồi chị cũng sẽ xem có ông nào ngoa ngoắt một chút về cãi nhau cho vui! He he...

      Xóa
  7. Ghé đám "Giỗ" này xem sao? Mời NT, Lão Tân và các bạn một ly, Hí hí!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT xin kính bác Hiệp một ly nữa. Uống "không say không về" nha bác! Hì hì...

      Xóa
  8. Lấy chuyện cõi âm nói sự đời
    Chả ai băn bẻ chả ao cười
    Hỏi rằng trong bụng có mê tín
    Hay chỉ viết ra cho nó vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không lấy chuyện âm nói sự đời
      Cũng không mê tín anh Hải ơi!
      Xin hóa thân vào cùng nhân vật
      Để khóc mà thôi, chẳng phải cười!
      Nhân vật bà cụ bị gạt ra ngoài cuộc sống gia đình, bị con cháu bỏ quên. Thân xác cụ có thể ốm yếu nhưng đầu cụ còn nghĩ được, tim cụ còn vui buồn được. Những lúc vui buồn cụ chỉ còn biết nhớ về người xưa, thì thầm nói chuyện với người cõi âm. Cụ tưởng như người ấy vẫn nghe được, vẫn đang chia sẻ với mình được. Vậy thì tác giả chỉ việc lắng nghe và ghi lại cuộc trò chuyện đó mà thôi.
      Vẫn chờ truyện của anh HT đấy nhé.

      Xóa
  9. Đã sang đây đọc truyện này từ mấy hôm trước rồi nhưng do laptop của mình bị lỗi phông chữ nên không com được. Hôm nay sang thì thấy lão Tan và mọi người nói hết mất ý của mình rồi. Chị thích truyện này của em NT ạ. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng người già dù con cháu có hiếu thảo cỡ nào mà lẻ bạn đời thì vẫn thấy cô đơn. Như mẹ chị đây này anh chị em nhà chị vẫn chăm cụ nhưng do cụ quá nặng tai nên chẳng thể nói chuyện cùng ai, ngồi đâu cũng cứ ngơ ngác vậy thôi. Thương cụ lắm mà chẳng biết làm sao.
    Thực tình chị cũng ứ thích thọ quá đâu. Chị thích ra đi cùng hoặc trước ông xã một chút là ổn. Thế đấy. Có lẽ chị già cả lẩm cẩm rồi chăng?
    Dì NT và các dì nào lẻ bạn thì gắng chộp lấy một chàng mà bầu bạn kẻo rồi sau này sẽ thấy cô đơn lắm đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lẻ bạn thì cô đơn, chắc chắn là thế chị ơi! Nếu già mà minh mẫn, khỏe mạnh thì còn gì bằng, nhưng già rồi cẩm cẩm, dù con cái có thương cũng nhiều khi khó chịu. Em cũng chẳng thích già như thế, khổ lắm!Em đi bộ buổi sáng, nghe các ông các bà nói chuyện cũng hay, họ bảo: sống lâu mà khỏe thì gọi là sống thọ, sống lâu mà ốm đau bệnh tất thì gọi là sống dai! Người ta chúc nhau sống thọ chứa chẳng chúc nhau sống dai là thế!
      Chị là phải ra đi sau cơ! Vì còn phải lo tròn bổn phận với anh xã nhà mình đã chứ! Chị đi trước thì ai lo? He he...
      Nghe lời chị, từ nay trở đi hễ thấy chàng nào nghiêng ngó trước cổng là em chạy ra "chộp" ngay!"Không cho chúng nó thoát!" Khà khà...

      Xóa
  10. đọc xong chợt nhớ quê mình có câu:"chết sớm đặng mồ đặng mã, chết sau thì rả thây thi". nếu có vô duyên thì bạn đừng chấp nhé,

    Trả lờiXóa