Truyện ngắn NGƯỜI GIÚP VIỆC
TRUYỆN NGẮN DỰ THI CUỘC THI HIV/AIDS
VÀ BẠN
Tác giả: Tuấn Tú ( MSDT 36)
1. Căn hộ được thuê cho Ngọc ở khi chuyển đến công tác ở thành phố này là một căn hộ đẹp, trong khu
chung cư hiện đại không cách xa trung tâm thành phố. Chủ nhà có vẻ là người có gu, khi
màu trang trí cho căn nhà thiên về xám đen lại điểm màu xanh ngọc bên trong các
chụp đèn, đúng màu anh thích, sống trong không gian này thật tuyệt. Mỗi chiều đi làm về Ngọc lại tự thưởng cho mình môt
ly vang đỏ, ngồi nhìn ra cửa sổ quay mặt về hướng sông, gió lồng lộng.
Biết mình cầu thả, luôn thiếu thời gian chăm sóc
bản thân và cũng chắc tự mình không thể giữ cho không gian
sống luôn đẹp như mình muốn, Ngọc liên hệ với công ty môi giới nhờ tìm giúp một người dọn vệ sinh theo giờ để bảo đảm sự riêng tư. Bẵng đi cả mấy ngày không thấy trả lời gì, Ngọc cũng sốt ruột, điện thoại lại mấy lần cứ được trả lời là chưa có hồ sơ nào tốt, Ngọc quên luôn chuyện tìm người khi ngập đầu trong những chương trình truyền thông dồn dập dịp cuối năm.
Ngơi tay được một chút, đang ngồi xem lại đống email đang
tràn ngập hộp thư, Ngọc lơ đãng trả lời một cuộc gọi đến. Công ty môi giới nói họ tìm được cho Ngọc một người giúp việc trên 40, cẩn thận, chỉ có điều người này bị câm. Nghĩ bụng, người ta dọn nhà chứ mình có cần tư vấn tình cảm đâu mà cần phải nói chuyện, Ngọc nhận luôn khỏi cần nhìn qua hồ sơ. Thật ra trong thâm tâm Ngọc biết phải nhận ngay thôi, chứ thêm 1 buổi họp nữa ở căn hộ này, cộng thêm cái cuối tuần bù khú với mấy người bạn đồng nghiệp, Ngọc sẽ không còn cả cốc sạch mà uống nước chứ chả chơi. Mệt và lười lắm rồi.
2. Gặp chị lần đầu tiên, một phụ nữ đứng tuổi cao lớn, người như Ngọc, lấy chạy bộ làm thú vui, cao mét tám mà chị ấy chắc cũng ngang ngửa, chỉ có đôi mắt đượm buồn dưới hàng lông mày
được tỉa gọn và làn da có lỗ chân lông lớn, như từng đã có thời không được chăm sóc kỹ sinh mụn làm chị có vẻ khác lạ, vẻ nữ tính cùng bộ đồ chị chọn khi đến gặp Ngọc, một chiếc trắng cổ đan-tông viền xanh ngọc đậm và chiếc quần tây màu xám nhạt làm Ngọc thấy có cảm tình ngay, bộ đồ chị mặc thật hợp với không gian mà Ngọc đang sống. Ngọc chợt nghĩ, nhìn chị có dáng một y tá hơn một người làm công việc dọn dẹp nhà cửa.
Ngọc cẩn thận chỉ dẫn những thiết bị điện trong nhà,
nói thật chậm và thường xuyên hỏi lại xem chị có hiểu không, chị gật đầu ra dấu mình đã hiểu, đôi mắt nhìn kỹ thật sáng và thông minh. Chợt chị rút ra một quyển số nhỏ và viết bằng bút chì những thứ còn chưa hiểu và đưa cho Ngọc đọc, làm anh
chàng cười phá lên. Ừ nhỉ sao đơn giản thế mà không nghĩ ra cơ chứ, tiện thể Ngọc viết luôn ra giấy những dặn dò cần thiết rồi trao chìa
khóa nhà cho chị, không quên hỏi chị tên gì. Chị trả lời, viết trên giấy đưa cho Ngọc: ”Mình tên Út.”
Cả tuần sau đó Ngọc bù đầu chạy chương trình, công
việc ngổn ngang đến độ anh chàng chả có thời gian chạy bộ dù là sáng sớm hay chiều tối. Mấy ngày liền cơm hàng cháo chợ, Ngọc thèm cơm quá, sáng sớm đi làm Ngọc để lại tờ giấy trên bàn nhờ chị đặt nồi cơm để về có cái mà ăn,
dặn kỹ cho bao nhiêu nước, gạo để đâu, nhấn nút nào. Thường buổi chiều, chị Út sẽ ghé qua dọn nhà cho Ngọc lúc 2 giờ chiều, giặt đống quần áo trong giỏ đồ dơ, nghĩ trước lúc về, chị có thể đặt dùm cho nồi cơm thì về chỉ cần tráng quả trứng, luộc cái bắp cải là Ngọc đã có bữa cơm tươm tất.
Về đến lúc 6 giờ chiều, Ngọc ngạc nhiên quá thể khi nhà mình sực nức mùi thịt kho thơm lừng, vào bếp, nồi thịt kho trứng vàng đậm, với mấy quả trứng chiên cháy cạnh làm Ngọc nuốt nướt bọt ừng ực, cơm nóng trong nồi vẫn còn ấm, thêm một tô canh rau
ngót mà Ngọc mua định bụng lúc nào tiện sẽ nấu để trong tủ lạnh đã được chị Út nấu ngon lành, đặt sẵn trên kệ bếp, bọc kín bằng nilon gói thực phẩm khiến Ngọc muốn rớt nước mắt. Lâu lắm rồi anh mới được có bữa tối tươm tất thế. Bên cạnh chị để thêm tờ giấy lại dặn: “ Cậu muốn ăn gì cứ nói, mình đi chợ mỗi ngày nấu cũng nhanh và đơn giản thôi!”. Ngọc cầm tờ giấy tần ngần mãi, một người giúp việc nhà như chị Út tại sao lại có nét chữ đẹp thế này nhỉ? Hôm trước chị vừa đứng vừa viết Ngọc không nhận ra chi tiết này.
3. Những chương trình lớn dành cho
khách hàng được tổ chức thành công, thể nào sau đó công ty Ngọc cũng sẽ tổ chức những chương trình dã ngoại để kết nối tập thể nhân viên với nhau, kết hợp với việc đi làm từ thiện. Chương trình Ngọc vừa hoàn thành
cũng không ngoại lệ, là người lên ý tưởng và tổ chức thực hiện, khách mời ai cũng hào hứng tham gia đến phút cuối, đến độ là nhà tổ chức, Ngọc cũng thấy ngại khi phải lên sân khấu thông báo chương trình đã hết trong sự tiếc nuối của mọi người. Khách hàng vui, hoan hỉ gửi thư cảm ơn và khen Ngọc hết lời.
Được là người chọn địa điểm dã ngoại, nhưng thật tình suốt gần một tháng chuẩn bị cho chương trình vừa rồi, ngày nào cũng căng như dây đàn, được mấy ngày nghỉ lúc này Ngọc chỉ muốn ngủ. Anh chọn cách tốt nhất là đi chơi công viên nước, kết hợp đi thăm và tặng quà các gia
đình nghèo vùng ven thành phố, không mất công di chuyển mà vui, sau đó sẽ có thêm một ngày để ngủ cho đã giấc. Một người bạn đưa cho Ngọc địa chỉ một nhóm những người bị Aids cần được chăm sóc đặc biệt, nhờ Ngọc hỗ trợ.
Công viên nước thì khỏi nói, vui
không thể tả, toàn thanh niên cùng lứa, lại là một tập thể cùng nhau vượt qua “một trận đánh lớn”, mọi cá tính đặc biệt đều đã bộc lộ trong môi trường làm việc cừơng độ cao, nên ai
cũng hiểu nhau tường tận, mọi người thi nhau bày trò chơi trong không khí mát mẻ. Nếu không có việc đi làm từ thiện chắc các bạn sẽ không dứt ra mà về được. Theo chỉ dẫn cả nhóm luồn qua những con hẻm nhỏ hun hút, những mái nhà lụp xụp trong các xóm
lao động nghèo để tìm địa chỉ cần đến. Có ba địa chỉ thì cả nhóm đã đến nhà và tặng quà được hai, một gia đình chỉ còn dì và cháu trai, cùng nhau đi bán vé số đắp đổi qua ngày, một gia đình chồng đã mù mắt, vợ phải đẩy xe bún bò đi
bán thật xa nơi ở, vì người xung quanh biết anh chồng nhiễm HIV nên không ai ăn đồ chị vợ nấu.
Đứng trước ngôi nhà ghép
bằng những mảnh tôn cũ lợp lá dừa, lưng đưa ra một hồ nước lớn, nắng xuyên qua mái nhà soi xuống từng mảng trên thềm đất nện . Ngọc không tin người ta có thể sống như thế này giữa một thành phố lớn, dù đã được báo trước đây là trường hợp khó khăn nhất trong ba trường hợp cần trợ giúp, nhưng anh không thể nghĩ họ nghèo đến vậy. Trong nhà vẳng ra tiếng hai người đàn ông đang
nói chuyện với nhau, người này đang ép người kia uống thuốc. Nghe có tiếng người đến hỏi thăm , một người đứng dậy ra chào mọi người, thấy có người ra chào Ngọc đang lúi húi đá chân chống xe ngẩng lên rồi giật mình. Đó là
chị Út, chị có thể nói được.
Chị ngại ngùng lúng
túng nhận quà của các bạn trẻ và cúi đầu trả lời các câu hỏi của mọi người về bệnh tình của người bạn mình đang chăm sóc, không dám nhìn Ngọc. Chỉ đến khi Ngọc yêu cầu mọi người đổi chỗ cho mình ngồi cạnh chị, quàng tay vốt lưng vỗ về thì hai dòng nước mắt của Út mới tứa ra ướt đẫm. Ngọc hiểu tại sao chị Út phải giả câm khi đi phụ việc nhà. Chị là người chuyển giới. Sau hôm ấy, chị Út cởi mở hơn với Ngọc, những lúc chạm mặt nhau ở nhà, chị thường hỏi xem Ngọc có cần chị phụ thêm gì mà
không ngại ngùng gì nữa. Ngọc thấy vui vì mình đã giải tỏa được một khó khăn cho Út trong việc giao tiếp, ít ra hiểu rõ nhau thì
việc gì cũng trôi chảy, những câu chuyện về đời sống dễ dàng chia sẽ hơn, và Ngọc được Út kể chuyện đời chị.
4. Chị lớn lên trong sự cười chê của bạn bè chòm xóm,
vì dù có thân hình cao lớn so với bạn bè đồng lứa, nhưng ngay từ nhỏ, hành động và cử chỉ của Út lại nhẹ nhàng nữ tính, những chữ như “bóng lại cái”, “bê đê”... là từ thường gặp trên cửa miệng mọi người mỗi khi chị đi qua, vượt lên trên tất cả những điều đó chị học cho bằng được nghề y tá và đi làm
cho dù bị nhìn với con mắt coi thường bởi vẻ bề ngoài không giống ai của mình. Chị làm việc đêm ngày không mệt mỏi, dành dụm tiền bạc để có thể thực hiện mơ ước lớn của đời mình: Trở thành phụ nữ. Ngọc cười cười nghĩ, vậy ra cái nhìn lần đầu tiên của mình khi gặp chị về phần nghề nghiệp là không sai
chút nào.
Chị đã làm được điều mình muốn, nhưng hệ lụy là chị mất việc, người ta không thể, hoặc nói trắng ra là không
muốn có người như chị trong môi trường bệnh viện, mang hồ sơ đi xin nơi khác thì đến cả các phòng khám nhỏ họ cũng từ chối khéo. Không
việc làm, thân phận không như người khác, chị thả mình trôi đi theo các đoàn hát lô tô, vật vạ suốt những cung đường miền trung cao
nguyên và đồng bằng, dường như chỉ có nơi đó người ta mới chấp nhận những con người như Út, và ít nhất ở đó chị có được những người đàn ông của đời mình dù có khi chỉ là mua vui thoáng chốc.
Rồi chị gặp anh, trái tim không thể nói đúng tiếng nói của mình, khi bận hòa chung tiếng nói với một con tim khác.
Một lần đoàn lô-tô dừng lại giữa một vùng đèo heo hút gió miền cao nguyên. Lâm đi hái cà phê cho
người ta, tối đó rảnh chạy ra xem đoàn hát đến, Út đi rao bán mấy tờ lô tô trong
trang phục tiết kiệm vải mình phải mặc, son phấn lòe loẹt khi làm công việc này. Anh mua cho Út mấy tờ giấy dò, không nói
gì, chỉ ngồi đó hút thuốc nhìn chị, thậm chí cũng không thèm dò số nữa. Chờ Út xong việc anh rủ chị ra ngoài uống nước. Nhìn cái vẻ đàn ông đĩnh đạc Út đã thích rồi nhưng chị sợ, sợ mình bị bỏ rơi, sợ mình phải đau khi yêu,
sợ mình lại thả trôi cuộc đời theo dòng nước lũ khác lần nữa, trong khi dòng nước Út đang đắm mình trong đó
mỗi ngày này đã đủ đau đớn vật vã lắm rồi. Chị từ chối anh.
Lâm bỏ công việc hái cà phê, dọn đồ đi theo đoàn
hát của Út, làm phu khuân vác, bảo vệ, dựng rạp, miễn là được ở gần Út. Ai trong
đoàn cũng nói vô với Út một tiếng nhưng Út sợ, trước đó gần 2 năm một cậu thanh niên Út thương đã bỏ chị mà đi, mang
theo cả số tiền vàng mà Út dành dụm bấy lâu, những mong có ngày
đủ vốn về quê mở tiệm tạp hóa nhỏ sống qua ngày, cậu ấy bỏ đi chỉ vì cái tội bị Út mắng, khi phát hiện cậu ta chơi hàng Đá với mấy thằng trong xóm đoàn hát ghé qua. Phần vì còn yêu, phần buồn tủi cho phận mình, chị đã nghĩ mình
không bao giờ yêu lại lần nữa.
Nhưng rồi Út bệnh, cả tháng không ngồi dậy được, đoàn đi liên
miên, Út đi theo mà không làm được ngày nào, chỉ có Lâm là người chăm cho Út, từ miếng ăn, viên thuốc, từng chút một cho đến khi Út khỏe lại. Thật ra với kiến thức đã có từ trước, việc chăm sóc cho mình lúc ốm đau không khó với chị, nhưng khi có người bên cạnh, gần gũi, an ủi, cuộc sống sẽ khác, hương vị bát cháo đưa lên miệng cũng khác, cả viên thuốc nhiều khi cũng không còn đắng nữa. Và Út xiêu
lòng. Có khi Út đã hỏi Lâm tại sao thương chị, anh chỉ cười hiền nói nằm mơ thấy gặp trước lâu rồi.
Đời không như là mơ, ở với nhau chừng gần năm thì đoàn
hát rã gánh, Út lại bơ vơ. Trong lúc hai người đang đi tìm đoàn khác để xin theo thì
Lâm đổ bệnh, nhìn triệu chứng, Út biết đây là bệnh nặng nên gom hết vốn liếng hai đứa đang có, quay lại thành phố cho anh đi chữa bệnh. Cầm phiếu xét nghiệm mà tay Út run bần bật, Út lật đật đi thử máu cho mình
liền, kết quả y như Út nghĩ, cả hai đều có H. Đã thân là người chuyển giới, lại có H trong người, chị thật sự tuyện vọng không biết phải làm sao sống tiếp.
Đánh liều thử xin chân dọn dẹp trong các bệnh viện nhưng tiếp tục bị từ chối vì giọng nói không
phù hợp với vẻ bề ngoài, Út dường như đã mất hết hy vọng. Người môi giới đề nghị chị làm công việc dọn dẹp theo giờ cho các gia đình, công việc đơn giản không cần bằng cấp gì, nhưng với điều khiện Út phải giả câm. Cả năm nay Út đã
yên phận như thế nếu không bị Ngọc phát hiện.
5. Ngọc cứ ray rứt mãi không biết phải nói với chị Út sao, sang
tháng sau Ngọc lại phải chuyển đi một thành phố khác, văn phòng ở đây từ ngày có Ngọc công việc thuận lợi hẳn, mọi người thuần thục với công việc hơn, nên công ty
mẹ đề nghị chuyển Ngọc đến một văn phòng khác để vực dậy công việc nơi ấy. Thật ra Ngọc không ngại việc nói với chị rằng Ngọc phải đi, mà chỉ lo nhất là việc chị sẽ mất bớt một món tiền hàng tháng, thứ mà Ngọc biết là đáng giá vô cùng cho công cuộc chống chọi căn bệnh của cả Út và người bạn đời của chị.
Cho đến tận trước khi đi mấy ngày, Ngọc vẫn còn do dự không dám nói
với Út. Về nhà sớm định bụng sẽ nói chuyện với chị chuyện chị sẽ phải nghỉ làm. Về nhà thấy vẻ mặt út đang vui quá, Ngọc không biết phải bắt đầu như thế nào thì chị mở lời trước. Chị bảo có mấy việc chị muốn nói với Ngọc, sợ Ngọc về trễ nên đã viết giấy để lại, nhưng lỡ gặp rồi thì nói luôn.
Một là chị xin nghỉ không dọn nhà cho Ngọc nữa vì đã tìm được công việc phù hợp với nghề y tá của chị, chị sẽ chăm sóc người già trong một viện dưỡng lão tư. Họ biết rõ tình trạng của chị và chỉ yêu cầu chị uống thuốc đều đặn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, và chuyện thứ hai quan trọng hơn với chị là sức khỏe của anh Lâm đã tốt lên nhiều, lượng CD4 của anh đang nằm ở mức cao và anh cũng đã tìm được ông việc phù hợp.
Ngọc thở phào nhẹ nhõm, trút được gánh nặng mấy tuần qua. Tiễn Út ra cửa Ngọc ôm chị thật chặt. Cuộc đời không phải chỉ là những khúc quanh gập ghềnh, những sóng gió dồn dập vùi người ta xuống. Chị đã cố gắng sống và sống tốt, chắc chắn sẽ có ngày chị chạm tay đến hạnh phúc. Nhìn
Út ra về, Ngọc không còn thấy đôi mắt buồn dưới hàng lông mày được tỉa gọn nữa, chỉ thấy một đôi mắt đang cười, lóng lánh
vui.
Hết
Người viết đã kể lại một câu chuyện mà hình như không hề phải dàn dựng , phải nhấn mạnh ,phải phân tích về tâm lý. Tự câu chuyện với cách kể có chút bình thản đời thường đã mang đến cho người đọc cảm nhận hết nỗi đau của nhân vật.
Trả lờiXóaCách viết gọn gẽ , trong sáng trong văn phong và có sự biểu cảm , súc tích trong văn viết đã mang đến thành công cho truyện này.
Em tìm mãi mới thấy, coppy về đây đọc khỏi nó trôi mất. Tác giả còn rất trẻ.
XóaTác giả đã kể chuyện bằng hai cách mở và kết khác nhau Lão ạ. Ở cách kia, mở đầu là hoạt động đi xâm nhập thực tế của nhóm bạn trong tổ chức xã hội vì những người có H, bất ngờ gặp Út và phát hiện ra lâu nay cô lừa dối mọi người là mình câm.Út đã kể về đời mình cho mọi người nghe. Cuối cùng, Ngọc thông cảm và vẫn tiếp tục thuê cô giúp việc.
XóaMỗi cách kể có một điểm mạnh riêng, chẳng biết BGK chọn cách kể nào để trao giải, nhưng em thích cách kể này hơn nên tha về đây.
chuyện rất hay
XóaĐồng ý với nhận xét của Lão Tân, câu chuyện phảng phất một cách viết của Nguyễn Khải, viết cứ như mọi chuyện là đương nhiên, mà đúng vậy, cuộc sống nó vốn thế.
Trả lờiXóaNT đọc hết tốp bốn chục truyện được đăng ( trong số 299 truyện dự thi về đề tài này) bác Hiệp ạ. Nhưng nếu theo ý chủ quan của mình thì em lại thích truyện ngắn ĐỒNG HOANG của tác giả Thảo Nguyên. Truyện có cách viết gần giống như Nguyễn Ngọc Tư, nghĩa là tác giả không phải đứng ngoài quan sát nhân vật để kể và tả mà "lặn" vào trong tâm tình của nhân vật để cảm nhận. Từng câu chữ cứ rưng rưng nước mắt. Ờ, mà có lẽ do đặc điểm giới tính nên ý thích cũng khác nhau, phải không bác? Cũng giống như đàn bà mê phim tình cảm Hàn Quốc thì đàn ông chỉ thích phim hành động của Mỹ vậy!
XóaHì hì, tôi lại không thích Nguyễn Ngọc Tư. Đúng, mỗi giới, thậm chí là mỗi tuổi lại có cái thích khác nhau. Bây giờ tôi ở nhà suốt ngày luôn được "nghe" các loại phim trên truyền hình, nhiều nhất là phim VN. Phim VN nó lê thê, cốt truyện lắm khi vô lý, tâm lý nhân vật, câu cú ăn nói hài không ra hài, nghiêm túc không ra nghiêm túc, triết lý cũng chẳng ra triết lý, phim nào cũng giàn dựng na ná như nhau, quá nhiều tình tiết lâm ly, một anh chàng nhà quê chẳng giỏi giang gì lắm, không phải "sao" vậy mà vài ba cô trẻ đẹp mê mệt tranh giành. Cái khổ nhất là cũng bằng ấy khuôn mặt, bằng ấy người lồng tiếng mà phim nào cũng có, chỉ nghe thôi cứ lẫn lộn phim này sang phim khác, hì hì!
XóaLâu lắm rồi em không xem phim VN. Cugx không phải là thích hay không thích mà chỉ vì không có thời gian để xem. Thường em chỉ xem phim của VTV3 lúc 18 giờ, vừa xem vừa nhấp nhổm nấu cơm! He he...
XóaGiờ đó thường chiếu phim Hàn Quốc, hầu hết nội dung cũng na ná nhau nhưng diễn xuất của họ thì tuyệt. Phim Hàn luôn xây dựng những mối tình tay ba, tay tư:
Người ta si mê em
Em yêu anh
Còn anh lại luôn nghĩ về người con gái khác!
Bác Hiệp cũng nên xem phim Hàn Quốc để "sống lại những hồng cầu yêu đã chết" chứ nhỉ? Hì hì...
hay quá
XóaCó khi bác Hiệp vẫn còn yêu tha thiết, yêu tới bến ấy chứ! Sao em mình lại bảo: " bác Hiệp cũng nên xem phim Hàn quốc để "sống lại những hồng cầu yêu đã chết" chứ nhỉ? Hì hì.
Trả lờiXóaChị cũng chưa thích truyện này lắm NT ạ. Em thử cóp cái truyện " ĐỒNG HOANG" về đọc xem nào. Thế truyện của em mình thì được giải mấy đây? Có khao gì không?
Đúng rồi đó chị Song Thu, tôi không thích xem phim Hàn, phim Việt (loại phim tình cảm tâm lý xã hội), là bởi vì diễn biến, tâm lý những nhân vật trong tình yêu của phim nó quá phức tạp, rối ren... Thỉnh thoảng tôi cũng thử xem vài đoạn thấy... sợ luôn tình yêu.
XóaChị Thu ơi, tại hôm trước bác Hiệp bảo khách đến nhà, bác ấy không quan tâm đến tuổi tác, chức vụ, tôn giáo, trình độ và cả giới tính nữa nên em nghĩ chắc...hồng cầu yêu của bác đã có sụt giảm, hì hì...
XóaMạng chỗ em chập chờn, bị đơ suốt (chắc lạnh quá, mai em tìm truyện đó và tha về đây nhé. Theo thông tin mà các bạn ấy nói lại thì mới trao giải nhất cho NGƯỜI GIÚP VIỆC, còn lại nghe bảo đang bùng nhùng sao đó nên thôi. Em thì chỉ muốn tìm đọc thêm về đề tài này thôi chị ạ, vấn đề được giải hay không chẳng quan trọng lắm.
Bác Hiệp cứ xem tiếp đi rồi không sợ yêu nữa đâu ạ. Vì lúc đó tim bác quen nhảy thon thót rồi mà. Hì hì....
XóaEm thăm chị và đọc thôi chị ạ! Những lời Com ở nhà chị luôn cho em một gói mang về... Em cám ơn tác giả, người đăng và cả bạn đọc nữa nhé!
Trả lờiXóaTruyện ngắn là sở trường của chị mà!
Được em ghé nhà là vui rồi XS ạ. Thỉnh thoảng chị thích viết vớ vẩn cho khuây khỏa ấy mà, chưa được gọi là sở trường đâu em
Xóa