TRUYỆN NGẮN DỰ THI CUỘC THI HIV/AIDS VÀ BẠN
Tác giả: Thảo Nguyên ( MSDT 27)
Thuyền xuôi bến Mộc. Bảy Lũ đứng chấp chới trên mạn, lắc dầu thở dài.
- Độ này bác sĩ không về thì xóm mình xong.
- Xóm có chuyện gì hả thím?
San hỏi mà mắt vẫn hướng về mấy cầu ao trên bến nơi các dì, các chị ngồi tắm cho con, vo gạo, giặt đồ. Cái cảnh làm San nhớ má đến nao lòng.
- Nhắc tới thêm buồn cô ơi. Đồng toàn đàn bà, con gái với trẻ nít. Khi không đổ bệnh tùm lum hà.
- Bệnh sao vậy thím?
- Tui hết biết tả.
Nói tới đó, Bảy Lũ bâng quơ..
- Huyện báo sẽ có bác sĩ về rồi xây trạm y tế. Nghe vậy chớ mong ước gì, rồi họ lại thối lui mấy hồi.
- Sao mà thối lui thím?
- Ờ, chuyện dài lắm. Cô người phố, kể cũng không hiểu được.
San nuốt khan, muốn nói: “con đây, San đây mà thím Bảy”, nhưng cổ họng tắc nghẹn. Mười mấy năm rồi, biết ai còn nhớ ai quên.
…
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa loại ưu, San được giữ lại bệnh viện của trường đại học. Đối với sinh viên y khoa, đó là vinh dự lớn. Bữa rồi thay vì lên nhận quyết định bổ nhiệm về khoa phẫu thuật, San thẻ thọt thưa với giáo sư hướng dẫn hồi còn là thực tập sinh.
- Con đi một chuyến.
Về? San không trả lời được câu hỏi “chừng nào về” của Mỹ. Mỹ ngó San trân trân kêu trời “bộ tính đi luôn hả nhỏ?”. San cười, im lặng. Mỹ chơi thân với San khi mới chân ướt chân ráo vào giảng đường. Cũng người miệt đồng nên dễ mến, dễ thân. San thương Mỹ, tình thương của đứa em gái. Mỹ bảo bọc San bằng tấm lòng người chị. Mà tuổi thơ San chưa một lần kể Mỹ nghe. Mỹ cũng không hỏi, kêu cái gì nói được thì nói, không thôi. Hiểu nhau vậy mới dễ sống.
San gói ghém mớ hành lý con con với một hộp gỗ nhỏ hay gọi là “hộp thời gian”. Trong đó là kí ức của San. Là tháng năm con nít của San. Là những ngày băng đồng trơ trọi khi trời còn chưa kịp sáng. Cũng là hình ảnh má nhiều đêm chợp chờn mê tỉnh. San giữ như báu vật từ ngày rời đồng miên miết đi về hướng phố.
Năm ấy, San mới lên mười.
…
Má dắt San về xóm sau lần cãi vã tan nhà nát cửa với ba. Ba hất đổ mâm cơm chiều, mắt rực lửa chỉa về phía má “đồ ngu”. San cứ ngỡ má sẽ khóc như mọi bận, không dè má lại cười. Nụ cười thanh thản và an nhiên nhất mà San từng thấy. Hình như ba chưng hửng trước nụ cười đó đến độ ông chỉ đứng trơ trơ giữa nhà khi má dắt San ra cửa. Lớn lên rồi San mới hiểu, đàn bà không yếu đuối như người ta tưởng nhất là khi họ đã có con để bảo vệ. Đi là đi một nước, không lộn xộn thêm bớt gì.
- Đây là quê hương của má.
Má nói vậy. San gật đầu. ngó lom lom con đường đất gồ ghề trước mặt. San lớn lên trong lòng phố, quen khói bụi mỗi sớm mỗi chiều. Quen tiếng ba càu nhàu “nấu bữa cơm không ra cơm”. Quen cái đạp bàn gọn ơ của ba lúc khuya muộn. Quen đêm đêm giả bộ ngủ để nghe tiếng má nấc lên từng chập một. Về xóm lạ, tính hỏi đủ chuyện mà thấy má buồn so, San chột dạ nên thôi.
Từ ngoài cầu ao, một người đàn bà thấp đậm, nước da màu đồng chạy bổ về phía má. Sau này San mới biết bà là dì Năm, chị ruột má.
- Chèn ơi, con Chín thiệt hả bây?
Má cúi gầm mặt, day day vạt áo, miệng lí nhí.
- Chị Năm, em về!
…
Gốc gác bên ngoại mãi đến năm tám tuổi San mới biết. Biết khi ba má San đã tan đàn sẻ nghé. Biết để ngơ ngác, nửa muốn chối từ, nửa luyến lưu.
Má San bỏ xóm theo ba về phố năm hai mươi tuổi. Đời chèo đò giữa bốn bề sông nước khiến má mệt nhoài. Má cần chỗ nào đó ổn định. Tuổi hai mươi của má nhiều mộng mơ, nhiều ước vọng quá mà cái xóm Mộc này toàn thanh niên cộc cằn, thô lỗ gì đâu. Ba về từ phố, ngồi đò má như làn gió mát thổi qua đồng mùa cỏ cháy làm bùng lên ngọn lửa khát khao ra đi. Má ưng ba liền. Ngoại càn ràn kiểu gì má cũng không xuôi. Má đi, chiều nào ngoại cũng ngồi ngoài cầu ao chờ con. Riết rồi ngoại về với đất. Chuyến trở về không an yên, không nhắm mắt.
Dì Năm kể tới đâu là thu nắm tay đấm thùm thụp ngực má tới đó. Hai chị em khóc như mưa. San thì nín thinh. San có hiểu gì đâu. Hồi đó, San mới tám tuổi.
Má con San về bữa trước thì bữa sau người trong xóm đã tụ tập cất dùm chòi lá trên mảnh đất sát nhà dì Năm. Dì Ba, dì Tư rồi cậu Bảy, cậu Tám đều về. Cái cảnh tránh hờn, mắng la rồi ôm nhau khóc lặp đi lặp lại tận ba ngày. Dì Năm nói cậu Hai, dì Sáu giận má chưa nguôi “bây cứ sống đây, rồi anh, chị cũng bỏ qua cho hết”. Má dạ.
….
Nhìn má làm đồng, người trong xóm suýt xoa “ở phố về mà giỏi dữ hén”. Ở phố, có gì vui đâu. San tính nói vậy. Má bị ba đánh tan nát tâm hồn, tan nát thịt da. San chứng kiến hết. San thắt tim theo má. Xóm Mộc nghèo, má cũng lam lũ hơn nhưng hình như lòng bình yên lắm. Hết làm đồng, má quẩy gánh chuối nướng ra chợ. Ngày hai bận, mờ sáng và tối muộn, má chèo đò. Còn San được đi học ngoài xã. Mọi sự cứ trôi qua êm đềm được nửa năm.
Má San đổ bệnh. Bệnh gì kì cục. Má sốt li bì cả tháng trời, ho cả tháng trời. Dì Năm xăm xăm đi hái lá nấu nước xông, pha chanh mật ong cho má uống mãi không dứt. Rồi người má nổi đầy hạch, có cả mụn ghẻ. Mắt má cũng mờ dần, nhiều bữa lạng quạng trong nhà thôi đã té. Hồi đó, thím Bảy Lũ ở sát nhà San. Thím cũng chèo đò như má, Thấy sốt ruột, thím giục dì Năm đưa má đi bệnh viện:
- Lần lữa riết, lỡ có chuyện…
San líu ríu theo dì Năm đưa má lên huyện, lên tỉnh.
Sau mấy bận đi, về, San không biết má bệnh gì chỉ thấy dì Năm cũng như muốn bệnh. Dì bắt đầu tránh má, tránh San. Lên xe đò cũng không ngồi chung ghế. Dì Năm nhìn má, quẳng một câu nghe chẳng ăn nhập gì:
- Từ nay thì thôi.
…
Cái tin má San bị sida lan nhanh như tên bắn. Từ nhà ra bến, lên chợ, đâu đâu cũng nghe xì xào “trời ơi, ghê hông”. San tới lớp, mấy đứa học chung dạt ra thành hai hàng, chỉ chỉ, trỏ trỏ. Hồi đầu, San không biết mình là tâm điểm của những bàn tán ấy. San cứ vô tự ôm cặp ngồi vào bàn. Vô tư lăng xăng hỏi đứa này đứa kia. Mà ngộ, cứ thấy San tiến về phía mình là tụi nó lảng đi. Đứa nào cũng mặt mày xanh lét, xa lạ. Chuyện tới ngày thứ ba thì San đổ quạu “gì kỳ vậy”.
Con Mận đứng cuối lớp, hất hàm về phía San.
- Má mày bị sida.
Rồi nhiều khuôn miệng khác nữa, tất cả kéo thành một tràng dài. Trong vô thức, San như thấy mình trôi đi giữa biển người quen mà lạ ấy.
- Má tao nói bịnh đó kinh lắm.
- Má tao không cho lại gần mày nữa, sợ lây.
- Mày chắc cũng bịnh sida y má mày hả?
- Tụi tao không chơi với mày nữa, con sida.
Chiều ấy, thay vì đi đò về nhà, San lẫm lũi băng đồng một quãng xa hun hút. Không đứa bạn nào lại gần San. San lên đò, tụi nó tản ra. Thím Bảy Lũ nạt, mấy đứa thè lưỡi nhưng vẫn không chịu cho San đi cùng. Một là San, một là tụi nó. Chỉ vậy thôi. San nói để con đi bộ thím Bảy. Thím dùng dằng, kêu cứ ngồi đây tao đưa về rồi lên rước nhóm khác. San lắc đầu, ôm cặp ù té chạy. Nước mắt lả chả. San muốn hỏi má sida là thế nào mà hồi này má San mệt, nói năng khó. Người má gầy sọp, không nhấc nổi chân.
San mang quần, áo ra cầu ao ngồi giặt, người trong xóm đuổi tan tác.
- Từ bữa nay đừng ra đây nữa. Bộ tính lây sida cho cả xóm hả?
San ngơ ngác ôm thau đồ đi giữa những ánh mắt ghê sợ, âu lo.
Nhà dì Năm có đào giếng lấy nước uống. Từ độ về xóm, ngày nào má cũng qua nhà dì kéo gàu múc nước. Vậy rồi sau mấy lần đưa má đi bệnh viện San bị dì cấm cửa.
- Không quay nước ở đây nữa nghe con.
Cậu Hai, dì Ba, dì Tư, dì Sáu, cậu Bảy rồi cậu Tám lần lượt tạt qua chòi lá, tuyên bố.
- Từ rày không anh, em, ruột rà gì nữa nghe bây.
San đứng lấp ló sau bếp, thất kinh trước cuộc đối đáp của má với dì, cậu.
- Anh, chị thương em, cứu con San với.
- Còn tụi nhỏ nhà tao nữa, bây tính mang bệnh cho cả họ hàng này hả.
…
Những đồng tiền tích góp của má hết dần. Má lại nằm một chỗ để San cù bơ cù bấc giữa chợ đời. San phải nghỉ học đi bán vé số đong gạo, mua thuốc. Mà đoạn đường bán buôn của San gian nan lắm. Xóm tránh má con San như tránh tà. Từ nhà San, nếu đi đò lên xã, lên thị trấn chỉ mất độ một giờ đồng hồ. Má bệnh, San không còn quyền ngồi đò nữa. Thím Bảy Lũ thương San, cứ San ơi, San à ra đây thím đưa đi. San dù vẫn không hiểu bệnh má ghê gớm đến chừng nào thì cũng đã biết tủi, biết sợ hãi ánh mắt xóm làng. Ban đầu, xóm tránh San, sau San tránh xóm.
Nằm quãng giữa nhà San với trung tâm xã là một cánh đồng hoang vu. Chẳng có cây cối gì mọc được ở đây. Trồng lúa chết lúa, trồng mì chết mì. Riết rồi xóm bỏ hoang luôn. Mùa nắng, đồng hun hút bụi mù. Ngày mưa, bùn quết tới gối. Mười chín mùa trăng, San một mình băng đồng từ nom bốn giờ sáng. Qua đồng, San lại lội bộ lên thị trấn bán vé số. Ở đó, không ai biết San, không ai chỉ trỏ San là con sida cũng không ai lấy chổi quét khi thấy bóng San lại gần. Như bao đứa trẻ khác, San sợ bị nhát ma, sợ bóng tối, sợ âm u tĩnh mịch của đêm, sợ luôn tiếng ểnh ương kêu oải ọp ngoài đồng vắng. Mà ánh mắt ghẻ lạnh, tiếng cười khinh khỉnh của xóm còn làm San sợ hơn mấy thứ đó. Rồi hình như nỗi sợ biến thành sức mạnh để San băng đi. Dọc theo cánh đồng, San không phải cụp mắt, không phải co ro người cũng không phải nghe chửi rủa.
Ruột thịt như dì Năm, người đã ôm má, khóc với má, cười với má, che chở má những tháng đầu trở về còn không thể dang tay cho má thêm một lần nữa thì mong gì xóm làng. Sida – cái bệnh lạ lùng, kinh khủng về xóm Mộc – tất thảy là tội lỗi của má, là cái giá má San phải trả cho tình yêu tuổi trẻ dại dột, ngu khờ.
…
San cầm gàu nhựa ra bến múc nước vào buổi đêm. Thím Bảy Lũ thấy vậy xót quá, ngày nào cũng gánh vài đôi nước để sẵn nhà San. Thím nói mình ngoài năm mươi rồi, chồng con không có, sống chết tiếc gì đâu. Mấy bận đầu, San lấm lét ngó thím Bảy Lũ hoài. Sau rốt, thím nhiệt tình quá, San bớt sợ. Má mù hẳn, San thì phải rời nhà từ rất sớm nên thường nhờ thím Bảy Lũ gọi má uống thuốc đúng bảy giờ sáng mỗi ngày. Thuốc này San lấy ngoài thị trấn, trong trạm y tế có vị bác sĩ già lúc nào cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe má. Ông tên Khiêm. Sau này, chính ông là người đưa San lên thành phố, cho San học để trở thành bác sĩ. Cũng chính ông nói với San, khi xét nghiệm thì tế bào CD4 trong một milimet khối máu của má đã dưới 200, nghĩa là nhiễm HIV đã qua giai đoạn AIDS. Điều kiện quê khi ấy còn nghèo, thuốc điều trị kham hiếm. Má không có nhiều hy vọng nữa. May mắn duy nhất là San. San yên ổn, San không nhiễm bệnh. Nghe ông nói, San mới nhớ có lần má quỳ sụp dưới đất, vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại một câu “cảm ơn trời phật”.
…
Má bắt San ngủ riêng thay vì nằm trong lòng má như bao mùa cũ. Thím Bảy Lũ vác qua nhà cái chõng tre, cho thêm manh chiếu. San thương má mà cũng thương mình ứa nước mắt. San ước được má ôm ấp, vỗ về. Ước má thắt cho San hai bím tóc ngúng ngẩy sau đầu. Ước má cười với San thêm một lần. Ước vậy rồi thôi, không một điều nhỏ nào thành sự thật.
Có bữa má trườn người trên mặt đất, cố đẩy San đi.
- Ở đây với má rồi đời cũng xất bất xang bang thôi. Đi đi. Đi nhanh đi.
Đi? San biết đi đâu ngoài căn chòi lá này - nơi có má San đang bệnh rất nặng cần được chăm sóc, cần được uống thuốc, ăn cơm, bón cháo. San biết đi đâu khi ba đã bỏ rơi má con San rồi. Giờ ba sống chết ra sao, San bặt tin. San biết đi đâu trong hình hài của một con bé mười tuổi, gầy nhom, đem nhẻm, tóc tai bù xù.
San ngồi khóc. Má cũng khóc. San sáp lại gần. Hơi San, mỗi khi cảm nhận được, má lại nhích ra xa. Hai má con ở chung nhà mà như cách biệt muôn trùng.
…
Má San đi vào một đêm mưa. Cuộc đời má rệu rã, không có gì ngoài nỗi đau. San còn nhỏ quá, có biết làm tang ma là thế nào đâu. Thím Bảy Lũ chạy qua đúng lúc bác sĩ Khiêm vừa tới.
- Giờ sao, anh chỉ tui, tui làm.
Trong bóng tối, hai người xa lạ ấy đã thay San tẩm liệm cho má. Đám tang má chỉ có ba người đưa. Dì Năm nói với San.
- Tao cũng tiếc lắm con ạ.
Chỉ như vậy rồi dì quầy quả vô nhà.
Má nằm lại trong một góc nhỏ nơi đồng hoang. Cánh đồng mà mười chín mùa trăng mình San băng đi, mình San đơn độc.
…
Thật kinh ngạc khi trở về thấy xóm Mộc không mấy thay da đổi thịt như San từng tưởng tượng. Đồng không quạnh vắng. Vẫn những cầu ao tềnh toàng. Vẫn con đường đất mấp mô. Vẫn những đứa trẻ còi cọc. Nghe đâu, thanh niên lên thành phố hoặc qua Camphuchia làm công nhân, làm thợ hết, chỉ còn mỗi cánh phụ nữ, trẻ con ở lại.
Thấy San đứng lặng trước mảnh đất cũ, nơi ngày xưa là căn chòi lá của má con San, thím Bảy Lũ chạy lại.
- Cô kiếm ai?
San nhìn thím Bảy. Tuổi thơ ùa về như thước phim quay chậm. Người đàn bà góa chồng cả đời chèo đò ngược, xuôi bến Mộc này, mười mấy năm rời xa chưa ngày nào San quên. San tự dặn lòng rồi sẽ có lúc tìm gặp lại để báo ơn. Cái ơn không ruồng rẫy, rẻ khinh. Cái ơn rót cho má San ly nước. Cái ơn nấu dùm San nồi cơm. Cái ơn tẩm liệm, đưa tiễn má San đi đoạn cuối cuộc đời. Lần ngược đường về với những kí ức nhỏi tim này cũng là vì San muốn gặp thím Bảy Lũ. Muốn thím hay, San lớn rồi, San đã là bác sĩ.
San mở hộp gỗ, lấy ra chiếc nhẫn vàng mỏng tanh. Quà thím Bảy Lũ tặng ngày San theo bác sĩ Khiêm lên thành phố.
- Chừng bây lấy chồng thì đeo.
Thím Bảy Lũ chết sững. Bà ùa tới, ôm rịt lấy San.
- Chèn ơi, con ơi, phải bây đây hông San?
San không nói gì, chỉ siết chặt hơn vòng tay của mình.
…
Những người chồng, người cha ra đi đã mang về xóm Mộc nhiều thứ oái ăm mà HIV là căn bệnh ác mộng nhất. Thím Bảy Lũ kể, độ này có vài chị phát bệnh làm thím nhớ chuyện má San vì triệu chứng y chang vậy. Xóm buồn quá, quạnh quẽ đến nỗi ai về đây ở được hai, ba bữa cũng tìm cách thối lui trở lại phố. Mong ước có bác sĩ thăm khám, điều trị bệnh với người xóm Mộc cũng mù mịt như cánh đồng hoang năm nào San đi.
- Con đừng trách xóm. Cũng tại không hiểu về căn bệnh này nên mọi người mới đối xử với má con vậy.
Thím Bảy Lũ vỗ vai trấn an khi hai thím cháu đứng trước mộ má San ngoài đồng.
Bước vài bước, như chợt nhớ ra điều gì, thím Bảy Lũ quay lại nhìn sâu vào mắt San.
- Dì Năm bây chắc cũng day dứt nhiều. Tự độ bây đi, chiều nào nó cũng ra cầu ao ngồi thẩn thờ.
Xóm Mộc - cái xóm nhỏ lấp ló trên một đoạn sông Mẹ Cửu Long. Xóm đã đẩy má con San đến kiệt cùng tuyệt vọng. Xóm, nơi mà cả ruột thịt cũng không một lần đưa tay kéo dùm San lên khỏi bùn đen. San đã từng oán tránh, từng giận hờn, từng chối bỏ quê ngoại như niềm tin chắc chắn rằng quê ngoại đã bỏ rơi mình. Lần này về, lòng San lại bời bời. Thím Bảy Lũ nói đâu phải người quê nhẫn tâm, lạnh lùng, chỉ bởi thiếu kiến thức nên vậy thôi.
…
Một tháng sau.
Xóm Mộc chộn rộn hẳn.
Thím Bảy Lũ chạy quanh kêu ai có ghế thì mang ghế, có bàn mang bàn. Cả xóm quay quần dọn sạch cánh đồng hoang, trải bạt, làm lều. Ai ai cũng trong tâm trạng háo hức, chờ đợi.
Đoàn bác sĩ từ thành phố về, trong đó có San, có Mỹ. Mỹ là bác sĩ chuyên khoa nhiễm. Tính tình nồng nhiệt, chân chất. Từ khi nghe San kể chuyện mình, đêm nào Mỹ cũng nằm vắt tay lên trán suy nghĩ. Tuổi thơ San, có thể chẳng phải cá biệt. Ở nhiều vùng quê, HIV/AIDS vẫn còn là cái gì đó kinh khủng lắm.
- Về thôi.
Mỹ kéo tay San vào một buổi sớm. San hỏi về đâu.
- Xóm Mộc.
Ừ, San về. Rồi lại về thăm, khám bệnh, phát thuốc. Về, để nói với xóm đời San, má San. Về, để xóm hiểu, HIV/AIDS không phải đường cùng. Về, để nói chuyện xét nghiệm, chuyện dùng thuốc kháng vi rút HIV là ARV. Và, điều lớn lao hơn hết thảy mọi thứ vẫn là tình thương. Những người bệnh như má San, nếu có điều kiện dùng thuốc đủ liều, được chăm sóc, được yêu thương, cảm thông thì đã có thể sống thật lâu, thật bình yên.
Ở đâu có tình thương, ở đó sẽ có sức mạnh.
Thể theo mong muốn của chị Song Thu, NT tha về đây truyện ngắn ĐỒNG HOANG của Thảo Nguyên. Đọc truyện này mới thấy sự hời hợt trong truyện đạt giải nhất: NGƯỜI GIÚP VIỆC.
Trả lờiXóagiải là do bán giám khảo mà
XóaĐồng Hoang viết bằng ngòi bút có tố chất nhà văn hơn tác giả truyện "Người giúp việc ". Cả hai cây bút đều người Nam bộ và có cách thể hiện khác nhau.
Trả lờiXóa* Đồng Hoang là bức tranh xám xịt , nặng nề , với gam màu tối. Mặc dù tác giả muốn gửi gắm ánh sáng niềm tin cho những người HIV về cuối truyện nhưng vẫn không nâng tông màu sáng lên được do cách viết. Đọc xong truyện ta nhận thấy sự u tối hiện diện mà ánh sáng hy vọng thật nhỏ nhoi vì sự chết chóc cứ ám ảnh.
* "Người Giup việc " viết đơn giản nhưng mang lại niềm tin cho những người nhiễm bệnh. Cách viết không đi quá sâu vào nỗi đau của người nhiễm bệnh, nhưng chính nó lại có tác dụng làm vơi bớt nỗi đau cho nhiều người vì không khoét vào chỗ đau và mở ánh sáng cho mọi người tự tin , hy vọng...
Có thể từ những ý này , truyện nào theo đúng tiêu chí của cuộc thi thì được giải cao hơn. Về cá nhân , lão vẫn thích cách viết có ý đồ của Người giúp việc. Nhẹ nhàng và có khoảng lặng để người đọc suy ngẫm . Đồng Hoang nặng nề và ám ảnh ...
Về hiện thực phản ánh, "Người giúp việc" là mảng màu của cuộc sống nơi đô thị, "Đồng hoang" là mảng màu cuộc sống ở thôn quê.
XóaVề cách viết, rõ ràng "Đồng hoang" chuyên nghiệp hơn nhiều.
Nhưng điều em muốn nói là thái độ, tình cảm của người viết. Biết nói thế nào nhỉ? Em có thể so sánh thế này: Trời mưa phùn gió bấc, rét đến tê dại cả người. Người nông dân đang cấy lúa dưới thửa ruộng nước và bùn ngập đến bắp chân. Một người đứng trên bờ, áo và khăn trùm kín mít, nhìn người cấy lúa thoáng chốc rùng mình lạnh và rất thương họ. Anh ta móc trong cốp xe một chiếc áo mưa và dịu dàng bảo: "Em mặc nó vào cho đỡ lạnh." Còn một người khác, chân trần lội xuống ruộng để cảm nhận rõ thế nào là cái buốt giá như từng mũi kim châm lên mười đầu ngón tay, ngón chân. Cảm nhận thế nào là quai hàm cứng đơ không nói được.Rồi, anh ta cầm bó mạ, chật vật cấy lúa cùng cô gái để mong sao thời gian cô ngâm chân dưới bùn chóng qua. Và nếu em là cô gái đó, em thích anh chàng cùng lội ruộng cấy lúa với mình. Thế thôi.
rất hay
XóaTheo mình ĐỒNG HOANG viết tốt và vừa đủ.
Trả lờiXóa- Nếu thêm ra một tý để ánh sáng tràn về xóm Mộc e rằng sẽ sáo và khuôn mẫu.
- Ngược lại cắt đi một tý thì lại thiếu; độc giả không thấy hết nỗi đau của má con San. Rồi không thấy hết được cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết làm nền cho những sửa sai khắc phục sau này.
"- Con đừng trách xóm. Cũng tại không hiểu về căn bệnh này nên mọi người mới đối xử với má con vậy."... "- Dì Năm bây chắc cũng day dứt nhiều. Tự độ bây đi, chiều nào nó cũng ra cầu ao ngồi thẩn thờ." Rồi đến cái không khí chuẩn bị đón đoàn Bác sỹ về xóm Mộc.
Ngần ấy thôi ta đã thấy được ánh sáng sẽ tràn ngập xóm Mộc rồi.
Đối với NGƯỜI GIÚP VIỆC mình cảm thấy có màu sắc dàn dựng, một vài tình tiết gò ép...
Nếu được "Thích" thì mình "thích" ĐỒNG HOANG hơn NGƯỜI GIÚP VIỆC.
Độc giả ngoại đạo văn chương và tuyệt nhiên không có ý thử làm giám khảo.
Để thoải mái mình có đọc được câu thơ vui thế này: Muốn đuổi khách ra khỏi nhà / Đọc thơ được giải họ ra tức thì". Có lẽ câu thơ này chỉ đúng trong một vài cuộc thi thôi.
Theo em nghĩ, tác giả không hẳn đã có ý nói về "cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết làm nền cho những sửa sai khắc phục sau này." mà đó là sự phản ánh đúng hiện thực cuộc sống theo sự vận động tự nhiên của nó. Căn bệnh thế kỷ khi mới xuất hiện, nó là nỗi kinh hoàng đối với mọi người. Nhưng rồi dần dần, người ta đã bình tĩnh đối diện với nó, nhìn nó với thái độ điềm tĩnh hơn. Đặc biệt, y học không bao giờ khoanh tay đứng nhìn những căn bệnh lạ đang hoành hành.
XóaCái giỏi của tác giả là đã lồng ghép được điều đó vào trong câu chuyện.
truyện hay đấy
XóaMình thích truyện này. Thật hơn, thấm hơn!
Trả lờiXóaThật nhất, thấm nhất và xót xa nhất là chi tiết này chị Song Thu:"San ngồi khóc. Má cũng khóc. San sáp lại gần. Hơi San, mỗi khi cảm nhận được, má lại nhích ra xa. Hai má con ở chung nhà mà như cách biệt muôn trùng."
XóaỒ hôm qua chị vào trang triancuocđoi nên quên không đổi nick rứa mà em vẫn nhận ra ư? Cám ơn em đã mang truyện này về nha
Trả lờiXóaHì...chị có là nặc danh em vẫn nhận ra mà. Anh chị nhận những 4 tháng lương chắc tết to lắm phải không? Vui nhiều nha chị yêu!
XóaChừ chị vẫn đang trông cháu trên Hà Nội nè thì tết nhất to cái nỗi gì. vả lại 4 tháng lương của anh chị cũng không bằng một tháng lương của em mô
XóaÔ trời!
XóaTết năm ngoái bỏ anh Tuân một mình đi chăm dâu đẻ
Xuân năm nay để anh xã lẻ bóng mà trông cháu thơ.
Chị thật là...bà nội đảm! He he...